Họp phụ huynh xứ Mẽo

PTA 9-2009 Conference
PTA 9-2009 Conference

Trong đời bạn thích họp phụ huynh không? Chắc ít ai muốn, vì đến là phải đóng góp, xin xỏ, nói khó vì con mình hư. Nhà này có hai thằng cu đi học (lớp 3 và lớp 1), bố mẹ đùn đẩy. Đành bốc thăm, Blog HM thua nên vác máy ảnh đi…tác nghiệp và xem dân Mỹ dậy dỗ thế nào.

Các ông con đi học

Lũ con nhà HM suốt mùa Hè không được đi đâu, vì bố đi công tác liên miên. Thằng lớn luôn hỏi, bao giờ đi học. Với chúng, trường lớp là cái gì đó thân thương, xa mấy tháng Hè như đã lâu lắm.

Cháu Hoàng Hạnh
Cháu Hồng Hạnh

Con gái anh Đặng Hoàng Duy, đồng nghiệp ở World Bank, cháu Hồng Hạnh vừa học xong lớp 5 ở Hà nội. Sang đây Hạnh vào lớp 6, trước đó cháu đã học mấy năm ở DC. Dự khai giảng về, Hạnh hỏi “Bố có thấy ngày khai trường ở đây khác ta thế nào không?”.

Nghe con gái giải thích, anh không khỏi ngạc nhiên “Ở Mỹ ngày khai trường là ngày hội, bố ạ. Sau một kỳ nghỉ hè dài, ai cũng mong được tới trường nên cười rạng rỡ. Cô trò gặp nhau như mẹ con. Ở VN ta thì ngược lại, trông mặt các bạn buồn rười rượi. Mùa Hè vui vẻ đã qua, sắp tới phải đến trường”. Cháu nhấn mạnh hai chữ Phải Được rất rõ.

Anh Duy giật mình vì so sánh của học sinh lớp 6 về hai cách “trồng người”. Một nơi cho ra lò rất nhiều em văn hay, chữ đẹp, nhiều giải quốc tế. Nơi kia, học sinh rất kém tính nhẩm, chữ như gà bới, nhưng ra đời có nhiều giải Nobel.

Với bố mẹ, khai trường lại là ngày…hạnh phúc vì tống khứ “của nợ” đến lớp cho cô giáo lo. Suốt mấy tháng Hè, cả nhà om tỏi cãi nhau, ai nghỉ phép để trông con. Riêng chuyện này, bố mẹ từ Tây đến ta, ở đâu cũng giống nhau.

PTA bên Mỹ

The Parent Teacher Association (PTA) tạm dịch là Hiệp hội Phụ huynh và Giáo viên. PTA không thuộc tổ chức đảng phái, nhà nước hay tiểu bang, mà hoạt động hoàn toàn độc lập. Khả năng vận động hành lang có thể vươn tới Quốc hội Mỹ nhằm tranh đấu quyền lợi cho học sinh và trường sở.

Thoạt nhìn, có thể nghĩ, PTA gồm toàn những bà nội trợ, ở nhà trông con để chồng đi làm, ngồi với nhau để trao đổi cách thức làm bánh hay rỉ tai mua hàng hạ giá. Trong thực tế, PTA có nhiều việc quan trọng hơn bếp núc. Hoạt động của PTA hướng tới xây dựng quan hệ gắn bó giữa phụ huynh, giáo viên và nhà trường với mục tiêu cuối cùng “vì quyền lợi của học sinh”.

Đại loại như bên ta, công nhân có công đoàn, tuổi trẻ có Đoàn TN, trường học có…PTA. Hoạt động cho PTA không lương, theo kiểu “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Hội Phụ huynh có đóng góp không? Đương nhiên, có thực mới vực được đạo. Chả có nhà nước nào đủ “sữa” để chi cho các tổ chức xã hội. Phí thành viên 5$/người/năm (lương tháng khoảng 2000$ cho người lao công). Nhà tôi có hai ông con, đóng 5$ hay 10$ đều được, ai giàu đóng hàng trăm đô.

Phí đó dùng cho các hoạt động “chào mừng” như học sinh được giải cao, biết ơn giáo viên vào ngày lễ, hội thảo về cách dậy dỗ con cái trong nhà, các buổi nói chuyện mời chuyên gia cao cấp, xây dựng website, in ấn tài liệu.

Nhiều PTA địa phương tranh thủ được sự đóng góp rất lớn của những phụ huynh giầu có. Có tiền, PTA có thể can thiệp với trường là nên dậy môn ngoại khóa nào thích hợp vì PTA có thể trang trải chi phí, hoặc thay đổi chương trình giảng dạy tốt nhất cho con em

Cuộc họp phụ huynh 15’

Trường hai đứa học năm nay có 630 học sinh từ 43 nước và nói 27 thứ tiếng, gọi là trường quốc tế cũng không ngoa. Vào phòng họp, thấy một bác Việt kiều ngồi bàn phiên dịch cho những phụ huynh VN mới nhập cư. Tiền thuê phiên dịch do PTA trả.

Vào đầu năm học, thường có “đại hội” PTA. Bà hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn và mời các thầy cô lên “sân khấu” cho phụ huynh biết mặt. Rất lạ, toàn cô giáo, có mấy cô xinh như hoa hậu. Hội trường chật ních các phụ huynh.

Từng cô đứng ra trước mic và tự nói về mình trong vòng 15 giây. Mấy chục cô tự “PR” trong 5 phút, xong màn chào hỏi. Trình độ public speaking của những giáo viên này thuộc đẳng cấp quốc tế, rất tự tin.

Họp với cô giáo chủ nhiệm

Màn tiếp theo là mời bố mẹ về lớp cô chủ nhiệm họp. Bố mẹ được xếp vào chỗ của con mình hàng ngày vẫn ngồi. Trên đó có tên con, tập tài liệu về chương trình học, thời khóa biểu, vài tờ rơi và…bức thư của ông con gửi chính bố mẹ mình.

Trước cửa bọn lớp 3 là danh sách lớp và tờ tự giới thiệu rất PR của bọn học trò. Thôi thì đủ kiểu. Ví dụ, “Tôi có em trai 6 tuổi, tôi năm nay 8 tuổi, tóc đen và ngắn. Tôi thích kẹo không ngọt vì sợ béo. Đố biết tôi là ai”. Mới đọc cứ tưởng con trai nhà mình, nhưng nét chữ lại không phải. Tìm mỏi mắt mới ra bài văn chữ gà bới quen quen.

Cô giáo giới thiệu rất kỹ về chương trình học tập trong năm, mục tiêu cuối năm, cách trao đổi giữa bố mẹ và giáo viên. Cách chấm điểm O-Outstanding, G-Good, S-Satisfied, N-Need Improvement (Xuất sắc, Khá, Đạt và cần Cố gắng) cũng được giải thích rất kỹ. Cô nhấn mạnh, S là hoàn toàn OK ở trường. Từ lớp 3 trở đi, O và G sẽ rất hạn chế vì sợ trò, phụ huynh đua nhau học vì điểm.

Nguyên tác làm bài tập về nhà
Nguyên tắc làm bài tập về nhà

Về nhà cần 30’ đọc sách buổi tối và có ghi chép lại đầy đủ những sách đã đọc. Đó là một thói quen quan trọng của đứa bé. Bài tập về nhà không quá 30’, đối với lớp 1 chỉ cần 20’. Còn lại các cháu nên được đi ra ngoài, đi công viên, đi xe đạp. Học nhiều quá mụ đầu.

Cô khuyên, bố mẹ cần nói chuyện với con càng nhiều càng tốt. Có đứa đến lớp được hỏi, cuối tuần em làm gì. Cu cậu ngắc ngứ không trả lời được, vì chỉ nói “Em đến shopping mall rồi về”. Shopping chỗ nào cũng không biết, chỉ nhớ chỗ đó nhiều quần áo, hình nộm, rộng mông mênh. Lời khuyên, đưa con đi mua sắm thì cũng nên nói là ở đâu, mua cái gì và tại sao. Đó là tập cho con kỹ năng nhớ, kể hay viết lại.

Trên tường là nội qui của lớp do chính tập thể học sinh trong lớp viết ra. Chúng tự nghĩ ra luật lệ, cách phạt và ký tên ở dưới. Lời thề danh dự này được treo cho đến cuối năm học. Mỗi lớp có lời thề “chui ống” khác nhau. Không ai giống ai. Tự ra luật và tự chịu trách nhiệm.

Điều cuối cùng là cô mong, bố mẹ nên dạy con tự làm lấy mọi việc. Nhà trường sẽ rất vui khi thấy các em tự buộc dây giầy, mặc quần áo, gấp jacket, đề tên vào balo hay biết đánh răng. Càng tự lập sớm càng tốt, đó là cách dậy các em nên người ngay từ bé.

Viết entry này, HM ra vẻ thuộc “bài” thế thôi. Ngoài đời bố mẹ bọn trẻ HM nóng nảy, không dạy được con. Điên lên, giơ nắm đấm thì thằng cu ra cầm điện thoại gọi cảnh sát, hai bố con gầm gừ dọa nhau. Ở nước Mỹ dân chủ nửa vời này, không “bịt miệng”  được ai, kể cả bọn con nít.

Nhà Blog HM như hề, lúc cười nắc nẻ, lúc khóc tấm tức. Nổi điên lên muốn bay về HN học cho sướng. Kém đưa cái phong bì ra được Outstanding ngay. Nhưng nghĩ đến cái nóng hầm hập, không điều hòa, ngày khai trường ít nụ cười, đưa con đến lớp như đánh vật, lại nghiến răng, nhắm mắt…đưa chân. Là phụ huynh thì ở đâu cũng mệt.

Lời kết

Quả thật, lúc đầu nghĩ đi họp phụ huynh thì chán lắm, lại chuyện thu tiền nong, đóng góp. Nhưng suốt cả buổi, nhà trường chỉ tập trung vào nội dung làm thế nào để cùng gia đình đưa đứa con đến đích vào năm học tới. Tôi đã bỏ hẳn 2 tiếng để dự cả hai lớp (1 và 3) cho hai ông con vì thấy “Đại hội” PTA này thú vị.

Cả hai nơi, tôi đều viết trên tờ giấy nhỏ nhắn rằng, bố đã đến lớp, ngồi vào ghế của con, gặp cô giáo tuyệt vời và mong con học giỏi. Bức “tâm thư” ấy sẽ được hai ông tướng đọc vào sáng hôm sau trên lớp.

Chỉ hơi buồn, hai bố con Việt mà trao đổi thư bằng tiếng nước ngoài, chat yahoo cũng bằng tiếng đế quốc. Lý tưởng là cho con về VN học vài năm để hoàn thiện tiếng mẹ đẻ, biết học gạo, đi thi quốc tế có khi được giải, rồi cho sang xứ Mẽo này cũng kịp. Nếu tiện, tôi sẽ đi họp phụ huynh. Biết đâu lại có entry về cái sự học và đóng góp ở Hà nội tuyệt vời.

HM. 15 Sep 2009

Bài đăng trên VietnamNet

Bài liên quan:

Giấc mơ hs lớp 1 với chữ gà bới
Giấc mơ hs lớp 1 với chữ gà bới
Tôi là ai? Lớp 3
Tôi là ai? Lớp 3
Chương trình học 2009. Lớp 1.
Chương trình học 2009. Lớp 1.
Thư gửi bố đến họp
Thư gửi bố đến họp
Lớp 1 và mùa Thu vàng
Lớp 1 và mùa Thu vàng

17 thoughts on “Họp phụ huynh xứ Mẽo

  1. Pingback: Cô Thompson và cậu học trò cá biệt | Hiệu Minh Blog

  2. Pingback: Cu Bin tròn 10 tuổi « Hiệu Minh Blog

  3. Pingback: Đôi điều về trường học bên Mỹ (Hiệu Minh) | CHÂU XUÂN NGUYỄN

  4. Pingback: ĐÔI ĐIỀU VỀ TRƯỜNG HỌC BÊN MỸ (Hiệu Minh) « Ngoclinhvugia's Blog

  5. Pingback: Đôi điều về trường học bên Mỹ « Hiệu Minh Blog

  6. Mai Le

    Thấy mọi người bàn về giáo dục em cũng bức xúc wa’. Em đang là sinh viên năm thứ 3 thôi nhưng có đứa em gái đang học lớp 4.

    Chả là 1 lần về nhà nghỉ Lễ (em đi học xa nhà) thấy em mình đánh vật với đống bài tập mà thương nó quá! Hôm đó, mới gần 6h sáng thôi nhưng em bị đánh thức bởi tiếng khóc của nó, giật mình tỉnh dậy tưởng có chuyện gì.

    Bố mẹ thì thi nhau dỗ nó mà ko được, còn nó thì vừa cầm cây bút ngồi viết ngoay ngoáy mà miệng vẫn không ngừng kêu khóc. Hóa ra em em nó hẹn đồng hồ 5h dậy để làm nốt bài tập Toán rồi đi học nhưng đồng hồ bị hỏng, cuống quá vì sắp tới giờ đi học mà chưa làm xong bt, đến lớp sẽ bị cô phạt.

    Em ko còn cách nào khác, liền ngồi làm thật nhanh bài tập cùng với nó. Ngồi đếm, có hơn 7,8 trang toàn là bài tập trong sách bài tập Toán 4. Em hỏi sao em còn nhiều bài tập chưa làm thế này, nó nói hôm nào học xong cô đều giao hơn 20 bài tập về nhà, làm buổi tối không hết được…

    Mới lớp 4 nhưng ngoài giờ học chính buổi sáng 1 tuần có đến 3 buổi học thêm ở nhà cô. Việc học của hs bây giờ khác ngày xưa quá các bác ạ, thảo nào em đọc báo toàn thấy phụ huynh kêu chương trình học quá nặng.

    Em thấy rất lo vì thực sự mà nói phương pháp học và cách giáo dục từ bé sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tính cách sau này của các em.

    Trường học luôn đóng 1 vai trò rất lớn. Mong rằng sớm có ngày cách dạy và học ở nước mình thay đổi được cục diện, để đối với trẻ em mỗi ngày đến trường là 1 ngày vui chứ ko phải lo nơm nớp thế này, để các em vô tư thể hiện những ý tưởng sáng tạo, sự thông minh, nhanh trí..những điều đó chỉ có đc khi bớt sự gò bó đối với các em.
    Thân!

  7. Hà Nhật

    Đúng là trái ngược thật: trẻ con bên mình thì chỉ cầu khấn cho được nghỉ học, còn trẻ con bên này thì chỉ mong được đến trường. Ở nhà mình trẻ con không có thời gian chơi, đi học thì bị nhồi nhét nhiều quá.
    Ở chỗ em đầu mỗi năm học thầy cô giáo chủ nhiệm còn đến tận nhà mỗi học sinh để thăm hỏi và lắngnghe ý kiến phụ huynh. Học sinh không có đồng phục, nhưng đi giày thể thao để dễ vận động và không được phép mang đồ trang sức đến lớp.Nói chung là cũng k khác gì với cách tổ chức của Mỹ.

  8. Flan

    Khoái mấy tờ tự giới thiệu của mấy ông nhóc quá! Cả bảng nội qui do tập thể học sinh tự viêt ra nữa. Quả là phát huy dân chủ ngay từ nhỏ .
    Nhiều khi học sinh bên mình vào lớp cứ bắt ngồi khoanh tay, yên lặng… nên mấy cu cậu hiếu động là toàn bị ghi tên vào sổ và phu huynh toàn bị mắng vốn…
    Cháu Hồng Hạnh đã học ở VN nên có nhận xét rất tinh với hai chữ Phải và Được.

    Tóm lại ,ở VN mọi tư duy học hành, chơi giải trí …đều phải gói gọn trong một khuôn khổ , không còn chỗ cho sáng tạo nữa. Bởi vậy, còn lâu mới có … giải Nobel hihihi.

  9. Flan

    Đọc bài họp phụ huynh thấy trẻ con ở nước pha`t triển sướng quá, và ngậm ngùi thương cho trẻ con VN. Bên mình không rõ đi theo hệ thông giáo dục nào mà nặng nề quá. Chương trình nặng nên buộc cả thầy và trò cùng chạy đua cho kịp. Như vậy nhiều khi trò hoc xong trả bài là quên ngay. Cũng không trách thấy cô giáo về chuyện dạy thêm được vì nhiều họ phải giảng cho nhanh khỏi “cháy” giáo án, nên trò chưa kịp hiểu và có nhu cầu xin thầy cô cho học thêm .Suy ra thầy và trò đều học ngày học đêm, học đến mụ mẫm đầu óc ra… Có lẽ mấy nhà chiến lược soạn sách giáo khoa thấy kiến thức nào củng đáng đưa vào nên ôm đồm quá….

    Ngày qua, em nghe một chị phụ huynh phát biểu câu này thấy hay nhât từ trước tới nay ” Tội quá chị ơ, con nhỏ nhà em mắt đã một mí , nhỏ xíu mà nó phải học bài tới khuya ,. mắt mở không ra, như sợi chỉ …” Mấy phụ huynh khác nghe cười rần rần hahahah

  10. Em cũng được đi họp phụ huynh mấy lần. Thư mời gởi về nhà, phụ huynh đăng ký giờ họp với giáo viên dạy từng môn. Cuộc họp được tổ chức tay ba cho từng học sinh, thành phần tham dự bao gồm: phụ huynh, giáo viên và học sinh.

    Cái khác theo cảm nhận của em là trong cuộc họp, không phải giáo viên báo cáo tình hình học tập của các cháu, rồi đưa ra nhận xét. Ngược lại, đó là nhiệm vụ của học sinh. Cháu tự kể là đã học những gì, giờ học ra sao, thích cái gì nhất, không thích cái gì nhất, học môn gì tốt nhất, kém nhất. Học kỳ tới sẽ làm gì vv…

    Các bác đừng nghĩ đây là học sinh cấp 2, thực ra đây là học sinh lớp 2.

    Thầy cô cũng có vài lời khuyên, lời khuyên dành cho em là đừng lo lắng vì sao không có sách giáo khoa và bài tập về nhà quá ít.

  11. Le Cuong

    Lần đầu tiên vào Blog bác HM. Em ở VN con cũng chuẩn bị vào lớp 1, đọc được những bài viết của bố mẹ có con đang học lớp 1 trên báo VN mà thấy buồn.
    Thực ra em cũng muốn lập 1 trường VN thôi nhưng bọn trẻ con không phải khổ như bây giờ. Nhưng nếu thế thì thu tiền phụ huynh thế nào??? Nếu là trường quốc tế họ thu tiền học hàng trăm USD/tháng (so với mức lương bình quân của VN chỉ là 800-900USD/năm). Rồi cơ sở vật chất của trường, đất xây dựng trường… Đất ở các thành phố lớn của VN đắt thuộc loại nhất thế giới. Làm sao có đủ tiền mà làm. Trừ phi có nhà nào tiền nhiều quá tiêu không hết thì mới đủ khả năng làm trường mà kô quan tâm đến lãi lỗ.
    Các bác cứ đọc những bài trắng trường ở các khu đô thị mới thì biết người ta quan tâm đến GD ở VN như thế nào. Mà không phải dễ thuê mây cái khu đất xây trường trong khu đấy đâu nhé.
    Bác đã ở bên đấy rồi thì cứ chịu khó sướng thôi, còn ở VN thì phải đợi khi nào có sự thay đổi lớn.

  12. Pham Thanh Ngoc

    Khong biet co bao nhieu nguoi trong nganh giao duc se doc bai nay? Con cac bac phu huynh sau khi doc bai nay chac la chi biet “nuot nuoc mieng”.

  13. Hjx, tự thề với lòng nếu ko có tiền lo cho con đi học trường quốc tế hoặc du học thì ko thèm đẻ. Thấy thương hàng triệu trẻ em VN quá.

    Con ông cháu cha thì được vi vu ra nước ngoài học cả rồi…

    Khổ ơi là khổ với lão đầu hói.

    Blog HM: Bác Chuột Nhắt ơi, ai đầu hói nhỉ. Lo không đẻ đến nỗi đầu hói chăng?

  14. HanhKT

    Tôi đọc bài của anh và so sánh với cách học của bọn trẻ lớp 1 ở VN (cũng chỉ đọc trên báo, do con tôi mới 5 tuôi) mà thấy khác biệt quá trời. Tôi cũng đang lo phải cho cháu đi học tiền lớp 1 để khi vào lớp 1 cháu đã phải biết làm toán, biết viết đẹp, biết đọc! Nếu chưa biết gì thì thể nào bố mẹ cũng bị cô giáo kêu ca là con mình làm cho phong trào của lớp cô bị tụt! Rồi thì cả bố mẹ và con sẽ phải thức đến 11-12pm để hoàn thành bài tập! Ứoc gì có thể có đủ tiền cho con học các trường QTế!

  15. Thu Nguyen

    Xin chúc mừng anh HM có chỗ học tốt cho các cháu.

    Ba cô con gái của tôi cũng đã từng “du học” theo bố ở Australia. Trước khi về, cả nhà lên chào ông Hiệu trưởng và các thầy cô. Ông Hiệu trưởng hỏi đứa nhỏ nhất là thích về hay thích ở lại. Cháu trả lời ngay “Dạ, về Việt Nam để “ăn”, và ở lại để “học”.

    Tôi thấy xót xa ở chỗ là sao bên đó cháu lại mong đến ngày học đến thế. Term break (nghỉ giữa kỳ) là cực hình cho con và cũng là cho mình. Chúng cứ đòi bố dẫn đi chơi, ra phố. Nhưng bố mẹ có thời gian đâu.

    Trông mặt mày các cháu cũng thấy “Mỗi ngày tới trường là một niềm vui”.

  16. Com tem bài này cho bác HM
    – 1 entry có nhiều thông tin thú vị bật mí về học đường Mỹ mà ngồi ở VN biết rất tiện lợi khi được đọc
    – Trẻ em nhàn là bài tập về nhà chỉ 20, 30 phút
    – và thư của trẻ cho phụ huynh rồi phụ huynh reply ngày khai trường cũng vui
    – Phí PTA 5, 10 usd thì rẻ quá. ở ta bét cũng 50> 100 nghìn
    – Trẻ ở ta đi học mệt hơn đi cầy ngay cả cái cặp sách nặng cũng làm khổ
    – Và học sinh Mỹ có phải đồng phục như ở ta không?
    Nhưng Mỹ “kém ta”vì không cần tạo gà chọi và không biết chạy trường chạy điểm cho nên thành tích lúc đi học phổ thông có vẻ bình bình

Comments are closed.