Có những giá trị chung của nhân loại được cả thế giời công nhận như “pháp luật thượng tôn”. Phải chăng đưa yếu tố nhân thân tốt nhằm giảm nhẹ tội đôi khi đã làm pháp luật không còn nghiêm minh.
Đạo diễn Roman Polanski bị bắt
Ngày 27/09, Washington Post đưa tin, Roman Polanski, đạo diễn nổi tiếng người Mỹ, gốc Ba Lan, bị bắt vì tội quan hệ tình dục với trẻ em từ hơn 30 năm trước. Ông này đã bị cảnh sát Thuỵ Sỹ đưa vào trại hôm Thứ Bảy, 26/9/2009, khi tới dự liên hoan phim Zurich.
Ông đã thừa nhận hành vi này vào năm 1977. Tuy nhiên, Polanski đã trốn khỏi nước Mỹ nên chưa hoàn thành vụ xét xử dù ông đã sống trong tù 42 ngày để kiểm tra tâm lý. Hiện ông đang sống yên ổn tại Pháp vì giữa Pháp và Hoa Kỳ không có hiệp ước dẫn độ tội phạm.
Có vụ bắt giữ là do chính quyền Mỹ đã liệt ông vào dạng truy nã trên toàn cầu suốt từ năm 2005 tới nay. Vị đạo diễn 76 tuổi nhiều khả năng bị dẫn độ về Mỹ do yêu cầu của tòa án liên bang Hoa Kỳ.
Mấy năm trước một vị giám đốc nhà ta cũng bị xích tay khi đi dự triển lãm tại đất nước có hồ Leman thơ mộng vì đã vi phạm luật cạnh tranh của Mỹ. Anh chàng Thụy Sỹ này rất thích giúp bắt nghi phạm cho các nước khác.
Nhân thân của Polanski rất hoành tráng. Ông là người đóng góp lớn cho nghệ thuật Thứ 7 thế giới những bộ phim nổi tiếng với các giải cao trên phim trường quốc tế như “Chinatown” hay “Rosemary’s Baby”. Phim “The Pianist – Dương cầm” từng đoạt giải Oscar 2003 dành cho đạo diễn, nhưng lần đó ông không tới dự và ban tổ chức đã trao giải vắng mặt, chắc sợ bị cảnh sát Hoa Kỳ bắt tại Hollywood.
“Thân” nhân của Polanski còn mạnh hơn thế. Là một người nổi tiếng nên khi nghe tin ông bị bắt, ban tổ chức liên hoan phim Zurich đã bị sốc và kinh hoàng, trong khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp choáng váng, rất lo lắng cho số phận của Polanski.
Văn phòng Tổng thống Pháp Sarkozy đang theo dõi sát vụ này vì Polanski mang cả quốc tịch Pháp. Có điều ông Sarkozy không dám nhấc điện thoại để can thiệp với tổng thống Thụy Sỹ. Tòa án nước này không có thói quen phải tư vấn chính phủ về việc bắt ai, thả ai, hay xử như thế nào.
Luật sư của Polanski đang hy vọng về sự lỏng lẻo trong hiệp định dẫn độ giữa Mỹ và Thụy Sỹ để tìm khe hở và đưa vị đạo diễn này về với gia đình bên Pháp.
Polanski không thể lẩn trốn được pháp luật. Ông bị tạm giam và ngồi suy ngẫm về những gì mình đã làm với cô bé 13 tuổi. Nhân thân tốt cũng không giúp gi ông trước tòa án Hoa Kỳ, nơi chỉ dựa vào bằng chứng, có tội hay không có tội, không dựa vào đạo đức của bị cáo hay những người quen can thiệp.
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ và nghi án PCI

Thời gian này năm ngoái, báo chí rộn lên vì vụ PCI và hối lộ động trời. Thông tin từ phía Nhật Bản cho biết: trong quá trình thực hiện dự án ở Tp HCM, từ năm 2003 đến 2006, các quan chức Cty PCI khai đã 2 lần đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ với tổng số tiền là 820.000USD (năm 2003 là 600.000USD và năm 2006 là 220.000USD) để nhận được các hợp đồng tư vấn cho dự án từ nguồn vốn ODA.
Các cơ quan pháp luật của Nhật Bản đã truy tố 4 cựu quan chức của Cty PCI về tội danh đưa hối lộ và vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản. Tại toà, cả 4 bị cáo trên đều nhận tội và khai nhận hành vi đưa hối lộ. Họ đã bị tòa án tuyên án là có tội và phạt tù.
Sau đó, ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt vì tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, không liên quan gì đến tội nhận hối lộ.
Mới đây, tòa xử ông Huỳnh Ngọc Sỹ với bản án 3 năm tù giam, số tiền cáo buộc ông Sỹ “lợi dụng” chỉ là 52 triệu đồng (khoảng gần 3000 đô la), thật nhỏ nhoi so với 820.000 đô la do phía Nhật cáo giác. Đây từng coi là vụ án trọng điểm mang tầm quốc gia và quốc tế.
Nhân thân tốt và 3 năm tù giam
Như các báo đồng loạt đưa tin, vì nhân thân tốt nên cuối cùng, ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị tuyên án 3 năm tù. Dầu sao, đó cũng là ưu điểm của tòa án và tính nhân đạo trong xét xử của nước ta. Đến nay, coi như vụ án đã khép lại.
Tuy nhiên, phía bên kia bán cầu, nhân thân và thân nhân cao cấp không giúp gì cho Polanski. Ông đang tạm mất tự do dù hành vi phạm tội đã xảy ra 30 năm trước và đang ở một nước thứ 3. Toàn cầu hóa và hội nhập đã làm những kẻ có tội phải trồi lên mặt phẳng dù có trốn tránh ở đâu trên trái đất này.
Có những giá trị chung của nhân loại được cả thế giời công nhận như “pháp luật thượng tôn”. Một người nổi tiếng tầm cỡ như Roman Polanski, chỉ vì tưởng mình có một nhân thân nổi tiếng toàn cầu, kể cả những người quen trong Chính phủ Pháp nên đã dại dột sang Thụy Sỹ. Hiện ông đang ở nơi tạm giam để xem “Dương cầm” bên hồ Leman.
Nếu bị dẫn độ về Hoa Kỳ, ông sẽ bị luận tội về lạm dụng tình dục trẻ em, một tội sẽ bị phạt rất nặng. Phạm tội nào có khung hình phạt đó được áp vào. Giải Oscar hay hàng tỷ người hâm mộ màn ảnh cũng không giúp gì cho việc giảm bớt số năm ngồi bóc lịch.
Phải chăng, đó cũng là bài học kinh nghiệm khi mang yếu tố “nhân thân”, “nhân đạo” và kể cả “thân nhân” vào ngành tòa án của quốc gia nào muốn hội nhập với thế giới.
Hiệu Minh.
Cáo lỗi bác Hiệu Minh là em Nhật kia về nước mấy tháng nữa mới sang mà chưa chia sẻ được câu chuyện nhân thân.
Lại có vị giám đốc sở được làm nhẹ án vì nhân thân nữa này.
http://dantri.com.vn/c20/s20-357636/giam-doc-so-nnptnt-lai-xe-dung-chet-2-nguoi-linh-an-treo.htm
Ôi giá mà tôi cũng có nhân thân tốt để dự bị đút túi!
Bác cho em xin chỉ 1 comment nữa cho bài này:
Em mong vụ của bác Sỹ em được thành án lệ: công nhiều hơn tội, phạm tội lần đầu, phạm tội do 1 lúc phải giải quyết nhiều việc, nhân thân tốt …
Được thế thì 2 bạn của em xin được cám ơn nhiều. Đây, 2 bạn ấy đây ạ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=271728
Mấy hôm nhìn thấy em người Nhật, chuyên gia JICA đang sang VN hai tuần, cứ định hỏi xem nó có biết chuyện Huỳnh Ngọc Sĩ bị xử vì tội khác không. Nhưng nghĩ xung quanh toàn quan chức, dễ bị các bác ấy đánh giá là không yêu nước. Mà thân nhân của em thì rất kém, nhỡ sao thì lấy cái gì để giảm tội.
Đọc bài bác xong thì em quyết tâm lần sau gặp sẽ hỏi.
Sao không công bố họ tên cụ thể của thân nhân tốt ra nhể? Để bà con còn biết khi có dịp còn bắt quàng làm họ
Đời em kể như xong, nhưng đời con em phải khác, nhất định phải khác, theo định hướng của em thì sui gia tương lai của em nhất định phải có nhân thân tốt mới được, khi đó dĩ nhiên em nằm trong diện có thân nhân tốt, phòng lúc có việc cần dùng.
——–
Bạn này là con người mới XHCN mà tư tưởng chưa quán triệt gì cả, như thế là cơ hội, cơ hội 100% đấy hihi.
( Hỏi nhỏ: định hướng thì tốt rồi, nhưng làm cách nào mà bạn có cơ hội kiếm ra thân nhân tốt thế? Người ta lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống. Phải ngồi cùng mâm mới nói chuyện dc chứ?
Đời em kể như xong, nhưng đời con em phải khác, nhất định phải khác, theo định hướng của em thì sui gia tương lai của em nhất định phải có nhân thân tốt mới được, khi đó dĩ nhiên em nằm trong diện có thân nhân tốt, phòng lúc có việc cần dùng.
Co Cu da noi ” O xu minh no the ” !
Kho !
Tư bản dãy chết nên toàn bắt người nhân thân xấu ra tòa. Luật pháp của chúng ta công minh và nhân đạo nên kể cả những người nhân thân tốt và có thân nhân tốt đều bị ra tòa nếu họ phạm tội.
Không biết nên mừng hay lo khi ngày càng có nhiều ngườ “thân nhân tốt” bị tù tội.
Bác Sỹ em, nhân thân tốt như thế mà tòa bắt tội 3 năm là quá đáng lắm rồi. Lỡ nhận có 3000 đô vì lơ đễnh mà ra nông nỗi này. Oann ức không thể tả xiết!
Giá mà ông Đạo diễn này biết đường nhập quốc tịch VN thì ngon rồi. Nói như ai đó đã từng nói, giữa rừng luật ta cứ theo luật rừng. Nhân thân hay thân nhân của ông này hoành tráng thế mà không cứu nổi ông này khỏi vòng lao lý nhỉ. Sinh nhầm nơi, ở nhầm chỗ rồi đạo diễn ơi!
Em đã xem phim The pianist rồi ( phim nói về NS dương cầm trốn tránh trong chế độ Hitle…), không ngờ là phim của đạo diễn Roman Polanski này chứ. Em rất ngưỡng một tài năng đạo diễn, em hỏi khí không phải là nếu như em và mấy triệu fan hâm mộ phim của ông đều lên tiếng thì biết đâu quan tòa lại rưng rưng đọc bảng công lao đóng góp mà xem xét giảm nhẹ nhỉ ? Hay là thử xem ông này có trốn thuế thì lái cho tòa xử tội này nhẹ hơn được không ?Bên Tây sao không cử người sang bên ta học nhỉ? Cứ thấy ra tòa, cứ có bản án là coi như khép lại
Mỗi khi đọc xong bài của bác, cháu hoặc mỉm cười hoặc ngồi thần ra nghĩ.
Hợp lý. Cháu không nói là đúng hay sai (cháu không đủ trình độ để nói về điều đó!), cháu cũng không nói là hay hoặc không hay (cháu cũng không đủ trình độ để nói về điều đó!).
Đúng là hợp lý. Việc bác đưa ra hai ví dụ có chung, có riêng và đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa khiến cháu liên tưởng đến cái “ao làng” của bọn trẻ chúng cháu ngày nào. Đó là câu chuyện có thật trong ký ức tuổi thơ của cháu.
Ao làng cũng có luật. Nhưng là luật rừng. Có một thằng tên là Đại vừa khỏe, vừa liều và đã bỏ học cai quản cái ao ấy. Luật của hắn rất rõ ràng.
Bọn cháu phải nghe theo lời hắn trong việc cống nạp cỏ hằng ngày. Nó biết trong làng nhà đứa nào có cây quả ngon cũng phải mang ra nộp. Đứa nào biết nịnh, cống nạp nhiều thì nó quan tâm nhiều hơn. Thí dụ như bọn cháu đánh nhau thì nó phân xử đúng – sai. Đứa nào cống nạp nhiều sẽ được giành phần đúng hoặc giảm tội (hóa ra hắn cũng có chính sách “nhân thân tốt”). Hắn cũng chọn ra cho mình hai đồng bọn đắc lực, bọn này hống hách và quyết định mọi việc trong khi hắn phải ở nhà nấu cơm hoặc làm đồng giúp bố mẹ. Hắn điều hòa cả bọn trẻ con!
Điều tệ hại nhất chính là luật và hình phạt. Vì cái ao làng là nơi mà bọn trẻ con chúng cháu không cưỡng lại được. Vì thế Đại thể hiện quyền lực bằng cách cho đứa này tắm và không cho đứa kia tắm. Xuống tắm rồi muốn lên bờ cũng không được nếu hắn chưa đồng ý. Vì nếu lên hắn sẽ bốc bùn ném vào người. Bẩn. Lại phải xuống! Nếu cố tình về nhà tắm lại thì lần sau đừng hòng mà xuống tắm. Nếu xuống thì hắn sẽ chơi trò cõng ra giữa ao. Trò này nhiều đứa sợ lắm. Vì chưa biết bơi nên ra ngoài đó hắn cứ dứ dứ thả ra vậy là hét toáng lên. Có đứa sặc nước, ho sặc sụa, nước mắt dàn dụa mà không được khóc! Hắn cấm vì sợ người lớn biết! Có người phát hiện ra thì hắn cãi phăng đi! Về nhà hỏi bọn trẻ con thì đứa nào cũng trả lời: anh ấy chỉ làm cho con vui thôi! (chính sách bịt miệng của hắn quả là cao tay!) Hắn cũng dùng thủ đoạn dìm xuống nước, nhưng vì có đứa suýt chết ngạt nên hắn sợ và không áp dụng. Hắn đúng là ông chủ của cái ao làng.
Sau này bọn cháu lớn dần lên thì không thèm tắm ao nữa. Chúng cháu ra sông. Ra sông tuy nguy hiểm hơn nhưng tha hồ vùng vẫy, chẳng có đứa nào bắt nạt. Đại cũng hay tắm sông, nhưng khi ra đó thì hắn cũng chỉ như một con mèo ướt, cụp đuôi. Bọn cháu bơi tốt hơn hắn nên hay chế nhạo lại cho bõ ghét.
Cách đây 3 năm cháu về làng thấy bảo Đại chết rồi. Nghe đâu ra Quảng Ninh làm than, nhưng vẫn giữ cái trò hống hách, luôn cho mình là lẽ phải và bắt nạt mọi người. Vì một lần đánh người khác trọng thương nên bị công an bắt và phải vào tù. Vào tù rồi vẫn giữ cái thói đó và bị cả phòng giam hè nhau đánh cho một trận. Hắn bị trọng thương. Đưa vào bệnh viện một thời gian thì không qua khỏi.
Ngẫm lại mới thấy cái ao làng quan trọng. Người lớn vì chủ quan mà không quan tâm đến bọn trẻ, dạy dỗ chúng ngay từ trong cái ao ấy. Cho nên, tính cách đã được hình thành ngay từ những ngày còn non nớt. Đến khi lớn lên buộc phải ra ngoài xã hội thì cái giá phải trả đắt quá. Cả lứa ấy có khoảng trên dưới 20 đứa. Chúng đều ra đi khắp bốn phương để tìm kiếm cuộc sống cho riêng mình. Thế mà đến bây giờ (2009) có 5 thằng đã chết vì cái tội coi thường người khác và đánh nhau. Những đứa học hành kha khá thì trưởng thành và có cuộc sống tốt.
Bây giờ có dịp ngồi nói chuyện với bố mẹ các bạn mà cháu cứ nghe thấy những tiếng thở dài trong sự kìm nén. Giá như…cái ao làng ấy….
từ nay em đọc blog này thường xuyên.:)
Phải chăng đưa yếu tố nhân thân tốt nhằm giảm nhẹ tội đôi khi đã làm pháp luật không còn nghiêm minh.
—-
Ngày em đi học thì thầy giáo nói pháp luật XHCN nhân đạo là vì có những yếu tố đó..nhưng giờ em thấy, nếu pháp luật mà còn bị chi phối bởi quen biết, bởi nhân thân tốt, bởi cống hiến…và bao nhiêu thứ không gọi đich danh ra được..thì em nghĩ đường đến một nhà nước pháp quyền còn xa lắm..