Tiếng vọng từ Chichen Itza

Đền thờ El Castillo ở Chichen Itza. Ảnh HM

Sau hơn ba tiếng từ Washington DC, mấy gia đình “trốn” mùa Noel giá lạnh đã bay tới Cancún, một vùng biển xanh, đẹp mê hồn của Mexico, với dân số gần một triệu sống bằng dịch vụ du lịch.

Từ trên cửa sổ máy bay, thành phố biển hiện ra như một thiên đường của resort và khách sạn liên hoàn, được xây theo kiến trúc đa sắc mầu, pha trộn giữa hiện đại và văn hóa cổ Maya với kiểu pyramid được cách điệu vô cùng phong phú. Những “anh” năm sao tên tuổi như Mariot, Hilton, RIU…đều có mặt tại đây.

Không ai có thể nghĩ vào năm 1970 ở Cancún vô cùng nghèo nàn, chỉ có ba người dân chuyên sống bằng nghề trồng dừa lấy quả. Thế mà bây giờ tới đây, du khách sẽ cảm nhận Mexico đang thuộc về nền kinh tế phát triển trên thế giới với GDP tăng trưởng 7,6% hàng năm. Cancún trong đêm đúng như mộng ước người Maya với nền văn minh từ 3000 năm trước.

Thế mới biết, tầm nhìn của lãnh đạo phải vượt qua nhiều thập kỷ mới mong đất nước tiến lên.

Mexico trên con đường phát triển

Anh hướng dẫn viên du lịch hỏi tôi rằng có bao nhiêu thứ tiếng ở Mexico. Tôi chỉ nhớ là nơi này dùng tiếng Tây Ban Nha nhiều nhất thế giới mà không biết rằng họ dùng cả tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp và cả tiếng Maya. Đó là vì Mexico là quốc gia bị xâu xé bởi nhiều cường quốc. Có lẽ không khác VN ta “An Nam chớ vội làm giầu // Thằng tây nó tếch, thằng tầu nó sang” như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm từng “sấm” 500 năm trước.

Thành phố du lịch Cancun. Ảnh: HM

Với hơn 110 triệu dân, Mexico được coi là quốc gia “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đang hội nhập với các nước phát triển, với chính sách mở cửa và nền kinh tế hoàn toàn thị trường, thỏa thuận mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và là thành viên tích cực của OECD. Thu nhập GDP bình quân khoảng 15.000$/năm/người, gấp 15 lần Việt Nam ta.

Đương nhiên đi về vùng sâu, vùng xa của Mexico rộng lớn, sẽ thấy nước này còn cảnh giầu nghèo khác biệt rất xa. Có cả một khu dân không biết tiếng Tây Ban Nha, chỉ biết nói tiếng Maya hay thổ ngữ. Cũng đừng ngạc nhiên nếu họ không có điện, nước, telephone hay tivi trong thế kỷ 21. Như có người đùa, thu nhập bình quân là 1000$/tháng/người là vì có kẻ ăn 900$ và 99 người còn lại chia nhau 100$.

Sự chênh lệch đó xuất hiện ở người giầu, kẻ nghèo, nhà quê và chốn thị thành, miền Nam và miền Bắc. Đó là điều khó tránh khỏi của mỗi quốc gia đang oằn mình tiến lên. Đi xe bus 180 km đi về phía Itza cũng cảm nhận thấy Mexico còn khá nghèo ở vùng quê. Những mái nhà lá đơn sơ, người dân vẻ mặt khắc khổ.

Người nhập cư vào Mỹ đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế Mexico với khoảng từ 20 tỷ tới 30 tỷ đô la/năm gửi về cố hương. Tại một bang bên Mỹ người ta đã làm một phép thử đơn giản. Tất cả các công việc nặng nhọc xây dựng, làm đường, phục vụ, do người Mexico đảm nhiệm, nay được đề nghị chuyển cho người Mỹ. Họ công bố thi tuyển 10.000 chỗ làm như vậy.

Có khoảng hơn một nghìn người Mỹ đâm đơn. Sau một hồi tìm hiểu công việc cụ thể, số đơn rút đi còn khoảng 100. Cuối cùng, chỉ có 7 người Mỹ nhận việc của người Mexico hiện đang làm. Nước Mỹ không thể tồn tại nếu thiếu người nhập cư Mexico. Đó là một sự thật.

Nhìn vào Cancun cũng có thể thấy du lịch đã, đang và sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển của nước này. Với khoảng 21 triệu khách du lịch lui tới hàng năm, Mexico trở thành quốc gia đứng hàng thứ 5 trên thế giới về sở hữu các di sản của UNESCO và đó chính là điểm hẹn du lịch toàn cầu.

Có lẽ ngành dịch vụ không khói với những di sản tầm cỡ thế giới được khai thác, đã góp phần đưa quốc gia nghèo này vượt qua cái bẫy của nước thu nhập trung bình.

Ở khách sạn 5 sao ăn uống…miễn phí bằng tiền túi của mình

Mấy gia đình đi trọn gói vào mùa cao điểm nên giá ở trên trời, bao gồm ăn ở 4 đêm, 5 ngày, vé máy bay đi về Washington DC.

Trong khách sạn RIU, cũng như nhiều khách sạn khác ở Cancun, khách trọ được đeo một vòng vào cổ tay. Nhờ được “đặt vòng”, bạn có thể gọi bất kỳ thứ gì liên quan đến ăn uống trong khách sạn mà không phải trả tiền. Tủ lạnh trong phòng đầy bia rượu cũng miễn phí.

Buffet mở từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Xuống biển bơi cho đói lại lên ăn, uống. Nhảy xuống nước vùng vẫy cho thật đói và lại lên để nạp năng lượng. Cứ thế một chu trình ăn chơi suốt ngày đêm. Người bạn đi trước một tuần đã bị đau chân sau hai ngày. Hóa ra, bố ta bị bệnh gout, ăn uống quá nhiều đạm nên bị đau cơ.

Quán bar "miễn phí" trong ks RIU

Quán bar có đủ các loại rượu từ sang trọng đến “cuốc lủi”, khách tha hồ thưởng thức mà không phải trả bất kỳ đồng nào. Thức ăn nhẹ giữa các bữa chính đều được phục vụ chu đáo, được gói gọn trong cục $ khá dầy.

Mấy ông con nhà này là Bin và Luck, Marcus và hai con trai Alex và Marcus nhà anh Khang+Bông quá bé để được uống rượu. Các bố trẻ toàn ăn khoai tây rán, uống coca và thịt quay kiểu Mỹ. Bố mẹ chúng tửu lượng quá thấp để uống bù vào số tiền đã trả.

Các ông chủ đã tính hết rồi, ăn ít bù ăn nhiều. Người không uống trả tiền hộ cho kẻ nốc rượu như rồng. Tưởng được ăn uống miễn phí nhưng thật ra người ta đang “ăn” túi tiền của mình với giá rất đắt vì giá buffet bao giờ cũng tính cao nhất có thể.

Nền văn minh được đánh thức bởi tiếng vỗ tay

Cách đây mấy tuần, tôi thăm khu đền Angkor với nền kiến trúc toàn bằng đá được xây dựng cách đây gần một nghìn năm và bị thu phục bởi nền văn minh rực rỡ Khmer dù có bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh liên mien. Tiềm năng ấy được đánh thức bởi chính sách du lịch đúng đắn nên Siem Reap, một chiến trường đẫm máu thời Khmer Đỏ, thành một nơi mơ ước của hàng triệu du khách.

Hôm nay có mặt tại Chichen Itza (Chichen Itza – At the mouth of the well of the Itza – bên miệng giếng Itza), một khu thành quách, đền đài, cũng được xây toàn bằng đá cách đây 3000 năm, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước nền kiến trúc cổ đại, vượt qua không gian và thời gian của người Maya.

Một góc của Templo de los Guerreros. Ảnh: HM

Kim tự tháp của Ai Cập là nơi chôn cất của các vị vua Pharaoh. Khu Chichen Itza có kiểu kim tự tháp 4 mặt là nơi thờ cúng của người Maya.

Về kiến trúc và xây dựng của người Maya đã có nhiều sách báo viết. Nhiều người tự hỏi, để xây dựng quần thể như Chichen Itza vĩ đại, hẳn phải có thần linh đứng phía sau phù hộ nên mới có khu đền đài đồ sộ toàn bằng đá như thế.

Đứng dưới chân tháp vỗ tay, người trong đền thờ có thể nghe thấy. Thậm chí người đứng trên đỉnh cách đó hàng trăm mét cũng biết người dưới kia nói gì. Kỹ thuật âm thanh của người xưa thật khó tưởng tượng nổi.

Vào lúc rạng đông hay chiều tà, hàng ngàn người lui tới đề xem những tia nắng mặt trời chiếu lên những cột đá ở phía đền Templo de los Guerreros, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Ta có cảm giác như đó là công trình của vị thần nào đó chuyên về thiết kế ánh sáng ở thế kỷ 22, chứ không phải do người Maya cổ đại.

Không hiểu tới VN thì bạn nên khuyên du khách xem gì để hiểu được nền văn hóa 4000 năm.

Đến Campuchia mà không tới thăm Angkor thì sẽ khó mà hiểu người Khmer. Tới Bắc Kinh mà không thăm Vạn Lý Trường Thành thì coi như chưa biết gì về nền văn hóa Trung Hoa.

Tới Cancun, bạn nên mua vé bao xe, ăn uống, vào cửa, khoảng 100$ để được chiêm ngưỡng nền văn minh Maia đồ sộ. Khi đó có thể nói, bạn đang sờ vào một “cái lông voi” của một nền văn hóa mấy ngàn năm có thật của Mexico.

Trên chuyến xe đi Chichen Itza, người hướng dẫn du lịch giới thiệu cho tôi cuốn lịch tượng hình của người Maya, trong đó lịch dừng vào năm 2012. Không hiểu người xưa nghĩ gì mà lại đi đến kết luận, hai năm nữa thế giới sẽ tận số. Có thể họ đoán, lúc đó người Maya sẽ về với thiên đường, để thế giới còn lại sống hạnh phúc pha lẫn khổ đau, dù thời đại có mang danh toàn cầu hóa.

Dưới chân lâu đài cổ kính mang dấu ấn thời gian, du khách đang thử nói chuyện với nhau qua hệ thống âm thanh của người Maya thiết kế cho hệ thống lâu đài thành quách như người của thế kỷ 21 gọi cellphone.

Tác giả blog đang đứng cạnh miệng giếng vùng Itza để nghe và cố hiểu tiếng vọng của người xưa gửi lại. Nếu cho rằng, lão HM thích phiêu lãng mà chẳng hiểu gì về nền văn minh Maya có từ 3000 năm, thì cũng chẳng có gì lạ. Đơn giản, lão ấy đòi “viết lại lịch sử” bằng một entry 1700 từ trong lúc lỡ chuyến bay từ Cancun về DC.

Bài và ảnh: Hiệu Minh. 28-12-2010

PS. Viết từ sân bay Lauderdale (Florida) do lỡ chuyến về DC vì bão tuyết ở phía bắc Hoa Kỳ.

Vài ảnh về Cancun và Chichen Itza

Khách sạn RIU
Phố phường Cancun
Thế hệ mới của Maya
Cau đỏ Mexico
Người Việt đến Cancun
"Phía sau" của Cancun
Bãi biển Cancun

21 thoughts on “Tiếng vọng từ Chichen Itza

  1. người qua đường HN

    Cám ơn bài viết của HM về dịch vụ du lịch ở Cancun , dùng tiền của khách để cho khách cả một sự thoải mái , áp dụng phương thức bảo hiểm trong dịch vụ du lịch :
    “Các ông chủ đã tính hết rồi, ăn ít bù ăn nhiều. Người không uống trả tiền hộ cho kẻ nốc rượu như rồng. Tưởng được ăn uống miễn phí nhưng thật ra người ta đang “ăn” túi tiền của mình với giá rất đắt vì giá buffet bao giờ cũng tính cao nhất có thể.”
    Bãi biển mà HM từng đến thăm đang xây khoảng 100 biệt thự và hai khách sạn cao tầng hạng 3 đến 4 sao. Không biết có thể áp dụng phương thức dịch vụ này???
    Xin được nghe lời khuyên của Tổng Cua! Thanks

  2. Cu Bin

    Lần sau bác HM chụp những bức ảnh kiểu Người đẹp Cancun phải cẩn thận nhé, e có lần đang ngắm (hơi lâu) để chụp 1 tấm như vậy thì home tiger đập vào tay 1 cái làm rơi cái máy ảnh, tiếc của quá trời…
    Năm 2009 e cũng có dịp sang Cancun dự 1 HNQT về HIV/AIDS, thấy Mexico thú vị thật. Mình cứ nói VN mình có bề dầy lịch sử, văn hóa những xem ra còn thua kèm quá nhiều quốc gia khác về mọi mặt …

  3. HM iu quái,
    HH có một tấm ảnh chụp Ninh Bình rất đẹp (do chính HH chụp) vào tháng 12.2010, muốn gửi tặng HM nhân dịp năm mới !.1.2011, nhưng không biết làm sao gửi đây. HM biết email của HH rồi, gửi đia chỉ email vào mail của HH, HH gửi ảnh HM.

  4. DucTran

    Xin mạn phép chủ nhà và các commentors thất lễ đề cập đến một vấn đề ngoài lề topic một chút.
    Rằng là… mong Hiệu Minh có bài viết về vụ ”mua dâm” của 16 nhân vật trong đó có cựu chủ tịch Tô.
    Cần có những tiếng nói để những cơ quan chức năng liên quan – nơi mà những người phụ nữ, những người còn lương tri ”dám” vượt qua ”lợi ích” công danh để lên tiếng làm tỏ tường vụ việc sao cho những người trong cuộc đời luật pháp đối xử công bằng…

    Cảm ơn chủ nhà Hiệu Minh!

    1. nicecowboy

      @ Duc Tran : nếu bạn quan tâm nhiều và muốn thể hiện quan điểm về những vấn đề thời sự như chuyện nguyên chủ tich Tô mua dâm.., bạn có thể xem và còm ở blog Trương duy Nhất, đang có đề tài này (thỉnh thoảng NCB ngứa tay vẫn vào đó còm!). Ở đây, chủ nhà HM có phong cách viết và chủ đề nhẹ nhàng hơn. Thân

      1. Duc

        Chiều nay em cũng vừa ghé qua nhà TDN và “gặp” bác NCB ở đó. Buồn cười với gợi ý về cách gọi món của bác. Nhưng ngoài này gọi bát chứ không phải tô nên không áp dụng được rồi. Em cũng hay vào trong đó, hứa sẽ áp dụng cách của bác dù ăn không hết một tô….CT. 🙂

      2. Cảm ơn anh NCB. Quả thật, khách hiểu chủ hơn cả chủ 🙂

        Thật ra tôi cũng từng viết về bác Tô theo kiểu tát nước theo mưa nhưng sau nghĩ lại, người viết không nên theo dư luận chung chung.

        Người viết cần có chứng cứ cụ thể và biết rõ sự việc thì hay hơn là ngồi trong thế giới ảo rồi phán lung tung.

  5. Ich Due

    Ích Duệ rất thích đoạn: Vào lúc rạng đông hay chiều tà, hàng ngàn người lui tới đề xem những tia nắng mặt trời chiếu lên những cột đá ở phía đền Kukilcan, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Ta có cảm giác như đó là công trình của vị thần nào đó chuyên về thiết kế ánh sáng ở thế kỷ 22, chứ không phải do người Maya cổ đại xây.
    Nền văn minh của người Maya cổ thật rực rỡ.
    Sau khi nói đến Đền Angkor của người Khmer, Vạn Lý Trường Thành của người Trung Hoa, Hiệu Minh băn khoăn: Không hiểu tới Việt Nam thì bạn nên khuyên du khách xem gì để hiểu được nền văn hóa 4000 năm của ta? Đây là nỗi niềm, là sự chạnh lòng có phần tui tủi của chàng Hiệu Minh chăng?
    Về chuyện này, tôi xin có mấy ý kiến trao đổi:
    Thứ nhất, nền văn hóa của dân tộc ta không trải dài đến 4.000 năm mà ngắn hơn nhiều. Điều này đã được các nhà sử học, khảo cổ học làm sáng tỏ.
    Thứ hai, không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có nền văn minh huy hoàng, rực rỡ. Dẫu một dân tộc không có những đền đài, thánh đường…hoàng tráng nhưng chắc không có ai dám chê dân tộc ấy có nền văn hóa thấp. Ta cứ yên tâm, hài lòng dân tộc ta là một bình thường như bao dân tộc khác trên thế gian này.
    Thứ ba, các vua của các thời đại phong kiến Việt Nam thương dân ở một nước chiến tranh liên miên nên không muốn huy động sức tàn lực kiệt của dân ta vào xây dựng những công trình hoàng tráng để đời.
    Thứ tư, năm tháng sẽ qua đi, dân tộc Việt Nam chắc chắc sẽ tự hào về những công trình cổ (lúc đó được coi là cổ) như Đại Nam Quốc tự ở Bình Dương (trong đó có khu thờ 54 dân tộc anh em và hơn 2000 họ tộc ở Việt Nam), chùa Bái Đính ở quê Hiệu Minh…
    Thứ năm, Việt Nam không có những công trình thật độc đáo, đặc sắc nhưng các lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức cũng rất đáng xem. Một kiểu trúc không bề thế nhưng rất hài hòa với thiên nhiên. Nhà thờ Phát Diệm, trong đó có nhà thờ đá Trái tim Đức Mẹ cũng là danh thắng xem rất được. Hệ thống đê sông Hồng (dù cho đến nay vẫn còn tranh luận có nên có đê hay nên phá đê đi) là công trình trị thủy đáng khâm phục của người nông dân Việt Nam ta…

    1. HH chỉ muốn nói chút thôi về cái gọi là Đại Nam Quốc Tự ở Bình Dương. HH có lần phỏng vấn nhà văn Chu Lai, ông ấy mỗi khi nhắc tới nơi này là uất nghẹn, và mắt như muốn rưng rưng. Theo ông kể, nơi đó thời chiến tranh là một chiến trường giao tranh đẫm máu giữa đơn vị đặc công của ông và lính Mỹ. Sau đó rất nhiều đồng đội của ông đã nằm xuống, xác đã không lấy được, vì thời điểm đó Mỹ đang đóng quân.
      Sau giải phóng 1975, ông ta năm nào cũng vào tháng 7,tháng có ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ của VN 27.7, ông ta trở lại nơi đó như tưởng nhớ các đồng đội xưa. Ông ta đang cùng một số đồng đ8ội còn sống chuẩn bị tìm di cốt đồng đội, thì chưa kịp, đạ bị ông Dũng “Lò vôi” và gia đình Thành Lễ biến nơi đó thành cái Đại Nam Quốc tư “tả pí lù” chẳng ra cái gì, như một thứ quái thai văn hóa kệch cỡm.
      Nhà văn Chu Lai chỉ còn biết khóc, vì biết rằng vĩnh viễn các bạn ông sẽ bị vùi lấp dưới cái chốn ăn chơi quái đản đó.

    2. HH gửi tư liệu về kiến trúc Nhà thờ Phát Diệm- Ninh Bình
      Nhà thờ Phát Diệm (có nghĩa là phát sinh ra cái đẹp) được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX trên vùng đất mới khai phá Kim Sơn – Ninh Bình. Linh mục Phêrô Trần Lục (thường gọi là cụ Sáu) đã chỉ huy việc xây dựng quần thể thánh đường này. Nhà thờ Phát Diệm là một công trình lớn trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, có nhiều giá trị về mặt kiến trúc và đặc điểm nổi bật của nó là mang đậm dấu ấn kiến trúc dân tộc, thể hiện rõ nét tâm thức Việt Nam. Khu quần thể kiến trúc được kiến tạo theo trục chính Bắc – Nam, mặt tiền nhìn về phía Nam, là hướng được ưa chuộng của các công trình đình, chùa, miếu, mạo. Theo quan niệm của người phương Đông, “thánh nhân nam diện nhi thỉnh thiên hạ”, có nghĩa là thánh nhân ngoảnh mặt về hướng Nam nghe thiên hạ tâu bầy.
      Khu toà địa phận có 4 cửa, hai cửa phía Đông, hai cửa phía Tây. Cửa phía Đông thường xuyên mở vì theo quan niệm xưa, hướng đông là nơi hội tụ các thần linh, vì vậy người đi vào nhà thờ thường đi theo hướng đông (điều này rất ít gặp ở những nhà thờ xây dựng theo kiến trúc phương Tây).
      Phía trước khu quần thể là một cái ao hình chữ nhật rộng gần 1 hécta, đằng sau là núi nhân tạo, điều này không chỉ làm cho phong cảnh hữu tình hơn với “sơn – thuỷ” mà còn dựa trên quan niệm về phong thuỷ của người phương Đông.
      Các nhà thờ trong khu quần thể này như nhà thờ thánh Giuse, nhà thờ thành Phêrô, kiến trúc tập trung vào mặt tiền với ba lối vào vòm cuốn, xây theo kiểu tam quan với ba tầng lầu, càng lên lầu trên cửa càng thu nhỏ, mái cong lợp ngói mũi hài. Nếu bên trên không gắn cây thập tự thì người ta sẽ nghĩ đây là một ngôi tháp cổ hay một mái tam quan của đình chùa thường gặp trong các làng quê Việt Nam.
      Ba công trình kiến trúc: Nhà thờ Lớn (còn gọi là nhà thờ Kính Đức Mẹ Mân Côi), Phương Đình và nhà thờ Trái tim Đức Mẹ (còn gọi là nhà thờ Đá) là những công trình kiến trúc tiêu biểu mang đậm tính dân tộc hơn cả.
      – Nhà thờ Trái tim Đức Mẹ được xây dựng đầu tiên, năm 1883. Nhà thờ này dài 18 mét, rộng 9 mét, cao 5 mét, thường gọi là nhà thờ Đá vì nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp, bàn thờ đều bằng đá.
      Mặt tiền gồm 3 lối ra vào (tam quan), hai tháp hình vuông mỗi tháp 5 tầng đặt trên hai cửa ra vào phụ. Phía trên cửa ra vào chính giữa là toà Đức Mẹ bằng đá uốn vòm, trong có đặt tượng Đức Mẹ.
      Phía trong nhà thờ được xây bằng những phiến đá cẩm thạch nhẵn bóng với những đường nét thanh thoát, nhẹ nhàng. Hai bên vách nhà thờ có những bức chạm tứ quý: tùng, cúc phía đông, trúc, mai phía tây. Ngoài ra còn có những bức chạm ở vách ngoài bằng đá hình chim phượng xoè cánh, mang bút nghiên và sư tử có bờm dài, răng nanh, mặt giống mặt người đang cười. Nhà thờ Đá được coi là một kiệt tác nghệ thuật, nhiều người còn gọi đó là Viên ngọc.
      – Nhà thờ Lớn (hay còn gọi là nhà thờ Kính Đức Mẹ Mân Côi)
      Đây là ngôi nhà thờ lớn nhất, đẹp nhất và lối kiến trúc dân tộc cũng được thể hiện rõ nét nhất. Mặt tiền của nhà thờ Lớn có 5 lối ra vào bằng đá, phía trên là ba tháp vuông bằng gạch, đầu đao, mái cong, lợp ngói mũi hài. Trên đỉnh tháp ở giữa có tượng hai thiên thần cầm thánh giá, hai bên là hai thiên thần khác thổi loa, bên dưới có khắc 4 chữ Hán “Thẩm phán tiền triệu” (điềm báo trước ngày phán xét). Điều đáng nói là các thiên thần này đều mang gương mặt Á Đông, hai tai dài, dái tai chẩy như tai Phật.
      Phương Đình được hoàn thành năm 1899, là công trình sau cùng của linh mục Trần Lục. Hình dáng của Phương Đình giống như đình làng, kích thước gần vuông: ngang 24m, sâu 17m, cao 25m. Toà Phương Đình có 3 cửa ra vào, bên trên là hai tầng lầu, các đầu dốc uốn mái cong uyển chuyển, mái lợp ngói mũi hài. Tầng trên cùng (tầng 3) treo quả chuông Nam (chuông nện vồ, khác với chuông Tây phải kéo chuông mới kêu). Xung quanh chuông có khắc chữ Hán và chữ Latinh. Bốn tháp ở bốn góc kết cấu chồng mái cong rất mềm mại, trên đỉnh mỗi tháp là tượng các Thánh chép sách Phúc âm.
      Với lối kiến trúc tam bậc, tam cấp, chồng mái, đầu dốc uốn cong vút, lợp ngói mũi hài, toà Phương Đình đem lại cho người ta một ấn tượng mạnh mẽ về một phong cách Á Đông. Tín đồ Thiên Chúa giáo đến nhà thờ thực hành lễ có cảm giác như đến với đình, chùa vốn thân quen và ăn sâu vào tiềm thức của người Việt.
      Khu nhà thờ Phát Diệm là một công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng kiểu phương Đông, hay nói đúng hơn nó mang đậm nét tính dân tộc Việt Nam. Vì vậy, quần thể kiến trúc này đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích văn hoá, công trình văn hoá của quốc gia.

    3. Cảm ơn đồng hương vì com có nhiều thông tin bổ ích. Mỗi quốc gia đều có bề dầy văn hóa riêng của mình. Vấn đề là tài năng của người lãnh đạo biết nhìn ra đâu là bảo bối quốc gia.

      Chichen Itza từng đổ nát và hoang tàn. Nhưng người ta đã trùng tu, bảo tồn nên mới có khu du lịch hành hương đẹp như hôm nay.

      Tôi thấy người ta vẫn bán hàng rong, chào mời khách nhưng không chèo kéo hay ăn xin dù người Mễ rất nghèo. Không thấy vứt rác bừa bãi. Hướng dẫn viên nói hai thứ tiếng lầu lầu.

      Tôi tin, người ta đến rồi lại muốn đến nữa, như chính entry này đã khuyên các bạn tới thăm nếu có dịp.

  6. Daqui

    Dã Qùi thật bất ngờ khi được biết Mexico lại hấp dẫn khách DL đến thế ! Với nền Văn Minh Maia kì thú còn sót lại và hòa quyện với nền Văn Minh của 1 đất nước Phát triển . Cảm ơn anh Hiệu Minh và mong là Chủ nhà ” luôn ” nhỡ…. chuyến bay !

  7. Thứ dân

    Đọc bài này xong, chắc có lẽ sở trường của bác HM là thể loại ký sự nên mạch văn lưu loát, bố cục chặt nên ý tứ như dòng nước chảy. Văn phong này làm kẻ thứ dân nhớ đến cách viết cuả Ô. Lý Qúy Chung. Nhưng ( lại “nhưng” với nhị… He he, chuẩn bị né vì bác HM sắp ném đá ) hình như có ai đó biên tập dùm cho bác bài viết này thì phải ? Cám ơn bác HM đã cung cấp những hiểu biết về đất nước Mexico mà mình chỉ biết về con người cuả đất nước này với những chiếc nón rộng vành trong truyện tranh Lucky Lucke khi còn bé.

    1. Merci, bác Thứ Dân. Tôi ngồi trên máy bay vài tiếng, xem ảnh chụp rồi viết lan man cho đến khi cơn buồn ngủ kéo đến. Tôi cứ mong có ai đó biên tập giúp cho mình vì người viết đôi khi chủ quan, không có khả năng kiểm chứng tất cả, nên nhiều entry bị sai sót.

      Đôi lúc có bạn KD, bác LVS, LQV hay anh Cao Bồi giúp chỉ ra lỗi…hệ thống. Nhưng về cơ bản, blog thì chỉ một mình một ngựa. Vì thế “nguy cơ” khá cao…

  8. Nhat Dinh

    Cám ơn bác HM. Em đọc Net, xem phim cứ thấy Mexico toàn băng đảng bắn nhau, vượt biên sang Hoa Kỳ bị đày đọa và lạm dụng nên cứ nghĩ đấy là đất nước nghèo lắm, khổ lắm so với Việt Nam ta. Hóa ra là người nghèo cứ nghèo nhưng thành quách đền đài của người Maya thì vẫn cứ kiếm ra tiền đều đều, sắp ngấp nghé OECD đến nơi.

    1. HM cũng toàn “tưởng giới thạch” thế. Cứ nghĩ dân Xì (Mexico) thì nghèo khổ và kém cả VN. Nhưng đi lâu cũng thấy họ gần bằng…ta.

Comments are closed.