Sen – Quốc Hoa nước Việt

Quốc hoa. Ảnh: internet

Cả hành trình Sen là sự vươn lên khỏi kiếp tối tăm dưới bùn đen nô lệ, để khẳng định sự hiện hữu một dân tộc với khát vọng tự do- nơi những giá trị tinh thần Việt thanh sạch, trường tồn và bất biến.

Và đầy yêu thương, Sen gắn bó với người ở sự hữu ích. Có loài hoa nào vừa đẹp, vừa biết yêu một cách rất Đạo, lại vừa có ích một cách rất Đời, như Sen? 

Bài viết của Kim Dung

Sen đã chọn nước Việt để sinh ra, và nước Việt chọn Sen để nhập thế

Thế là cuối cùng, sau những thăm dò, trao đổi ý kiến dư luận xã hội trong hội thảo, trên mạng Internet, biểu tượng Quốc hoa Việt Nam đã có chủ: Hoa Sen.

Không biết hoa từ đâu đến, nhưng xưa nay nói đến hoa, là nói đến vẻ đẹp. Vẻ đẹp của những loài thực vật, được nảy nở từ đất đen, thậm chí đá sỏi cằn cỗi, nhưng lại dâng hiến cho đời cái kiều diễm của hình hài- nụ hoa, bông hoa, cái ngất ngây của thân thể- hương hoa.

Những phẩm chất diệu kỳ và bí ẩn mà tạo hóa ban thưởng cho những loài hoa, tự lúc nào đã bước vào đời sống con người, mang sắc thái khí chất, diện mạo- “mặt hoa, da phấn”. Cao hơn nữa, sắc thái đó được nhân cách hóa như một sắc đẹp: “Hoa khôi”, hay “hoa hậu”. Hoa hậu một quốc gia chưa đủ, còn có hoa hậu thế giới, hoa hậu hoàn vũ…

Nhưng một khi hoa được ví, được chọn lựa trở thành biểu tượng một đất nước, thì loài hoa ấy đã mang vẻ đẹp tinh thần, cốt cách, khí phách và triết lý nhân sinh một quốc gia.

Sen, cuối cùng đã là Chúa của các loài hoa nước Việt.

Luôn chậm chân và thiếu chuyên nghiệp

Không phải bây giờ, chúng ta mới nghĩ tới việc chọn lựa và tôn vinh Quốc hoa. 20 năm trước đây, vào thời khắc đất nước tìm đường Đổi mới, Sen đã được nhà văn Bắc Sơn, tác giả của những cuốn tiểu thuyết hiện đại được bạn đọc trân trọng đón nhận, lên tiếng đề nghị chọn làm Quốc hoa. Ý tưởng đó, tiếc thay đã rơi vào quên lãng…

Quên lãng như dân tộc ta, dám tử sinh và luôn tạo “dấu ấn” sâu sắc với kẻ thù trong các cuộc trường chinh cứu nước, giành độc lập tự do dân tộc, nhưng bản sắc văn hóa, tiếc thay lại có phần ít quan tâm nên khá nhạt nhòa. Một ngày nào đó, ta giật mình và nhận ra, đến biểu tượng loài hoa nước Việt, cũng chưa bao giờ chính thức được tôn vinh. Dường như, chúng ta luôn chậm chân đi sau thiên hạ.

Trong khi các quốc gia châu Á: Ấn Độ, Srilanca lại nhanh chân đi trước chuyện này. Vì thế, việc lựa chọn Sen gây không ít tranh cãi. Văn hóa Việt vốn đa dạng, nên sự tranh luận cũng đa chiều…

Bởi không chỉ do hoa nước Việt luôn gắn với đặc điểm vùng miền, khí hậu, vì thế tính phổ quát của bất cứ loài hoa nào cũng khó thuyết phục. Mà ngay cả cái cách trưng cầu dân ý về Quốc hoa, cũng như các sự kiện văn hóa lâu nay, thường bộc lộ điểm yếu nhất: Thiếu chuyên nghiệp.

Có rất nhiều người dân không biết đến chủ trương này. Và có cả những quan chức ngành văn hóa nhầm lẫn hoa súng (biểu tượng hoa của Srilanca) thành hoa sen, nhầm lẫn màu sắc sen… khiến dư luận nghi ngờ mắc bệnh “mù màu”, nên không tâm phục, khẩu phục.

 Theo Bộ VH-TT-DL, tại một cuộc khảo sát tổ chức hồi tháng 5.2009 ở 1.895 người, có đến 78% ý kiến khẳng định nên có quốc hoa, chỉ 10% nói không cần thiết và 12% không trả lời.

Con số gần 2000 người/ hơn 80 triệu dân được hỏi ý kiến, quả là một con số không đáng kể. Vì thế, độ tin cậy ở tỷ lệ 78% có ý nghĩa gì không, về một cơ sở khoa học và thực tiễn của chủ trương?

Cũng theo Bộ VH-TT-DL, kết quả một cuộc thăm dò trên internet tổ chức năm 2006 (không thấy công bố số liệu người tham gia, mà đây lại là dữ liệu cực kỳ cần thiết) cho thấy có rất nhiều loại hoa được đề xuất là Quốc hoa. Trong đó hoa sen chiếm 40,3%, hoa mai 33,6%, hoa đào 8,2%, tiếp theo là tre, hoa cau, hoa ban…

Kết quả đó khá hạn hẹp, nhưng trong mối tương quan tương đối cho thấy: Sen cũng là lựa chọn của nhiều người Việt được thăm dò. 20 năm đã qua, Sen vẫn là niềm yêu thích, ngưỡng mộ của người Việt, cho dù thời cuộc đã có nhiều đổi thay giá trị. Người và Sen “dẫu lìa ngó ý vẫn vương tơ lòng”.

Và tối qua, 29-1, Đêm hội tôn vinh Hoa Sen Việt Nam, không còn là sự thăm dò nữa, mà đã là một sự khẳng định của ngành văn hóa. Từ phông màn sân khấu, y phục của MC Mỹ Vân, vật phẩm trên bàn quan khách, cho đến các tiết mục ca vũ…đều mô tả hình tượng Sen, mầu sắc của Sen hồng

Sen chọn nước Việt và nước Việt chọn Sen

Có tên khoa học là Nelumbonaceae, thuộc loài túc thảo, Sen có mặt trên đời khoảng gần 100 triệu năm về trước. Sen nảy nở ở nhiều quốc gia, phổ biến là châu Úc, châu Á, trong đó có Việt Nam.

Có lẽ vì vậy, Sen như đã duyên nợ đặc biệt với dải đất này. Nảy mầm từ tăm tối, một ngày nào đó, Sen vươn lên khỏi mặt nước, và nở rạng ngời, ngát hương dưới ánh ngày.

Mọc lên từ bùn đen. Ảnh: internet

Thân phận từ trong bùn đen của Sen, hành trình của kiếp Sen, và sự thăng hoa của Sen, có gì đó rất gần gũi với triết lý đời sống người Việt. Phải chăng điều đó đã ám ảnh tâm thức và tâm hồn Việt. Dù số phận khổ đau, và thăng trầm vì những biến thiên lịch sử, người Việt thời nào cũng biết gìn giữ những phẩm hạnh tốt đẹp.

Để rồi, Sen bước vào ca dao, vào thơ phú Việt tự nhiên nhi nhiên.

Sen đẹp giữa đầm nước, hài hòa không loài hoa nào có thể sánh: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng, bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Vẻ đẹp của Sen được con người ca ngợi hay chính con người tự răn mình trong kiếp nhân sinh?

Sen gần gũi với con người, là chứng nhân của tình trai gái, cái tình người tuyệt diệu nhất mà từ đó, sự sinh tồn của gia đình, của dòng họ, của một dân tộc bắt đầu: “Đêm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen/ Em được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà?”

Và Sen còn đẹp giữa đời. Vẻ đẹp của Sen hệt người thiếu nữ lạ bất chợt gặp, gợi thi hứng cho thi nhân: “Trong đầm gì lại đẹp bằng sen/ Một đoá hoa kia nở trước tiên/ Mặt nước chân trời thân gái lạ/ Đài xanh cánh trắng nhị vàng chen/ Xôn xao bay rồi đàn con bướm/ Đủng đỉnh bơi xa một chiếc thuyền… “ (Tản Đà- thi sĩ kiêm dịch giả, nhà báo nổi tiếng đầu thế kỷ XX- bài “Hoa sen nở trước nhất đầm”).

Nhưng Sen còn được tôn vinh đến độ so sánh với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Tháp Mười đẹp nhất bông Sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Rất Đời, nhưng Sen cũng rất Đạo.

Ở bất cứ chùa chiền nào của nước Việt cũng có thể bắt gặp sự thanh khiết cao sang của đóa sen, đài sen, tòa sen… mang giá trị của tinh thần Phật giáo. Đó là tính vô nhiễm, tính thanh lọc, tính thùy mị, tính thuần khiết và tính kiên nhẫn. Dường như trong suốt hành trình từ bùn lầy nước đọng, vươn lên trong làn nước, thành búp giữa thanh thiên bạch nhật, tụ hương rồi tỏa hương, Sen đã “đạt ngộ”, mọi tham sân si được giải thoát… Tinh thần Sen được ngưỡng vọng đến mức, tổ tiên chúng ta kết thành hình tượng một ngôi chùa nổi tiếng của quốc gia- Chùa Một Cột.

Nhưng Đạo chỉ ý nghĩa khi Đạo giúp Đời.

Đó là khi Sen từ trong ca dao, thơ phú, trong sự thanh tịnh của giới Phật bước ra giữa nhân gian. Không chỉ mang những giá trị “người”, phẩm chất Sen, cốt cách Sen dần được người Việt cảm nhận, định vị như hiện thân của phẩm chất, cốt cách dân tộc Việt. Cả hành trình Sen là sự vươn lên khỏi kiếp tối tăm dưới bùn đen nô lệ, khẳng định sự hiện hữu một dân tộc với khát vọng tự do- nơi những giá trị tinh thần Việt thanh sạch, trường tồn bất biến.

Và đầy yêu thương, Sen gắn bó với người ở sự hữu ích. Tâm Sen là vị thuốc quý, gạo Sen dùng để ướp chè; hạt Sen- món ăn dung dưỡng tinh thần, ngó Sen- món ăn mát lành và lá Sen dùng để đùm bọc những hạt cốm, những hạt mồ hôi lao động của người Việt. Còn tình Sen ư, “dẫu lìa ngó ý…”. Có loài hoa nào vừa đẹp, vừa biết yêu một cách rất Đạo, lại vừa có ích một cách rất Đời, như Sen?

Sen- trong các loài hoa, hội tụ đủ đức tin, phẩm cách và bản lĩnh một dân tộc Việt đầy trải nghiệm trong quá khứ khổ đau, dấn thân trong thời hội nhập, để vươn lên ngẩng đầu giữa thế gian đầy biến động và bất ổn những thách thức.

Sen đã chọn nước Việt để sinh ra, và nước Việt đã chọn Sen để nhập thế.

Kim Dung (Kỳ Duyên)

Thăm dò dư luận về Quốc hoa

69 thoughts on “Sen – Quốc Hoa nước Việt

  1. Pingback: Hang Cua rộng 7,6 hectar toàn tiền « Hiệu Minh Blog

  2. thai a

    Toi la nguoi V.N , nhung toi thay nguoi V.N co thoi xau la hay bat chuoc nguoi .Cac cu xua da duc ket:
    “Thay nguoi ta an te , cung boc cut de bo bi” ,hay:”Thay nguoi ta phi ngua cung danh bo gay chan” Tai sao may chuc nam(tinh tu 1945) chang thay ban ve cac loai “quoc’ ,bay gio thay cac nuoc nguoi ta co
    “quoc hoa ,quoc tuu …” nguoi minh cung ban nguoc ban xuoi ve cac loai “quoc”? Co le moi nguoi nen ban
    nhieu ve “QUOC XI ” thi can thiet nhat , vi nguoi nuoc ngoai bao nguoi V.N “gian va tham ” thi that xau ho
    cho nuoc minh qua ! ?

  3. Tôi có anh bạn mắt xanh mũi lõ, Mỹ “chánh hiệu con nai vàng”. Ngoài chuyện biết ăn mắm tôm như…cơm bữa , hắn ta còn thành thạo tiếng Việt và biết thưởng thức văn thơ Việt Nam, biết thơ Đường ,Truyện Kiều và niêm luật lục bát “nhất, tam, ngũ, bất luận, nhị, tứ, lục, phân minh” nữa .

    Cứ mỗi năm một lần vác ba lô đi chu du khắp thế giới. Mấy chục năm trước, khi mà tôi vẫn còn “dùng giằng nửa ở nửa về” thì hắn đã đưa cho tôi xem mấy cái ảnh cười toe toét ở ga Vinh, cạnh vài ba chai hiêu lổm ngổm bên đường với tựa đề “Vính’s gas station” làm tôi phục sát ván. Biết tôi dân cá gỗ, hắn thường tới đàm đạo và cũng để học thêm Nghệ nghữ.

    Cũng nhờ hắn ta mà tôi biết người ta đang tìm quốc hoa (hay quốc họa) cho nước Việt. Chả biết sáng kiến của ai nhưng nghe cũng thấy lãng mạn lạ.

    Cũng như quốc kỳ của mỗi nước (chỉ may ra người trong nước mới hiểu hết được ý nghĩa). Mỗi một quốc gia trên thế giới đều có quốc huy,quốc hiệu, làm biểu tượng, đặc trưng cho đường lối, chủ trương chính sách, chính trị của chính phủ cầm quyền, nó có thể và sẽ thay đổi theo thời gian, thời cuộc. Còn quốc hoa hay các loại biểu tượng khác thì lại là trời cho (hữu xạ tự nhiên hương) bởi nó phù thuộc vào địa hình, địa lý, đặc sản của từng nước, cả quốc gia, cả dân tộc, hoặc từng địa phương, bất di bất dịch. Lắm lúc lại là biến cố nào đó như xứ Chùa tháp hiền hòa bỗng dưng trở thành bãi tha ma (the killing fields) ngàn đời tiếng dơ khó xóa. Nếu cố tình ghán ghép có khi “họa hổ bất thành” hoặc chỉ “hồn Trương Ba da Hàng thịt “ mà thôi. Chả nói đâu xa ở Việt Nam khi nói “dân cầu tõm”, “áo tơi” hay “dân cá gỗ” người ta đã biết tỏng tòng tong “cái ổ con chuồn chuồn” hay chỉ cần nói “cà có cuống”,“dân rau muống” “giá sống” hoặc “ăn rau má phá đường tàu” tùy cách nói, có khi gây đổ máu .

    Thái lan cũng có nhiều voi nhưng chỉ có Lào mới xứng là Vạn tượng, chả cần giải thích ai cũng hiểu được vì sao khi cất lời ca “Hoa đẹp Chăm–pa” người Việt nam cũng biết đó để ám chỉ nước bạn Lào cho dù quê mình cũng lung linh “Hoa sứ nhà nàng” rồi “Ai lên xứ hoa đào” người ta liên tưởng tới nước Nhật trong mỗi độ xuân qua,Hoa anh đào bạt ngàn, như tấm thảm vĩ đại, thơm ngát dưới chân đỉnh Fuji sừng sững, chót vót cao tuyết phủ quanh năm làm tăng vẻ đẹp của đất Phù Tang. Chuyện Hà lan lấy hoa Tulip làm biểu tượng cũng phải đâu một sớm một chiều, mà lần đầu cũng là do sự ham chuộng của đám quý tộc sau lan dần ra cả nước người ta còn lấy đó như một thứ tiền tệ, chứng khoán. Để đến nay qua bao thăng trầm Hà lan vẫn dữ được kỷ lục trồng trọt và xuất khẩu tulip nhất thế giới. Nói tới Tulip là nói tới Hà Lan và ngược lại. Hoa Mẫu đơn lại được đám quý phái Trung Hoa ưa chuộng “Mẫu đơn em để em dành cho anh” nhưng sau này người ta lại hướng dẫn mỗi người dân phải “nếu là hoa tôi chỉ là loài hoa hướng dương” hướng về một phía. Mẫu đơn lại được coi như là một loại xa xỉ phẩm yểu điệu, tư sản. phải là hoa hướng dương mới trọn hưởng hơi hướng mặt trời. Để tới bây giờ, trong thời đại mới, không biết người Trung Hoa lấy hoa gì làm biểu tượng ? Nước Mỹ thì giản đơn hơn Hoa…Kỳ.

    – Còn Việt Nam ? anh bạn tôi gặng hỏi

    Ừ nhỉ “nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau, cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, thân thuộc nhất vẫn là tre nứa . Tre Đồng nai, nứa Việt bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi ,đâu đâu cũng có tre nứa làm bạn . Tre, nứa, trúc, mai , vầu trăm ngàn loại khác nhau nhưng cùng chung một mầm măng mọc thẳng…” . Cây tre Việt Nam ấp ủ trẻ thơ Việt Nam từ thủa lọt lòng, trong chiếc nôi tre à ơi ru lời mẹ, và lớn lên trên chiếc chõng tre, đung đưa chiếc võng tre qua ngày hè cháy bỏng và khi cần tre lại biến thành gậy tầm vông dựng lên “thành đồng tổ quốc”. Chiếc đòn tre đưa ta về bên kia thế giới sau khi đã “có danh gì với núi sông”.

    – Tao đang hỏi về hoa – hắn giục

    Gay go thật, chưa từng lên Tây bắc nhưng tôi cũng thường nghe nói tới hoa Ban, chưa từng thấy nhưng tôi cũng hình dung được vẻ đẹp của nó qua bài tập đọc thủa xưa “Anh! anh hãy tới thăm nông trường chúng em vào một ngày xuân nào đó , khi hoa ban nở trắng trên cành , đỉnh núi xa xa tuyết phủ long lanh dưới ánh nắng mặt trời …” Hà nội đã có “hoa sữa ngạt ngào đầu phố đêm đêm”, Hải phòng “tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ”. Miền Nam thì phải vào tận Đồng tháp mới thấy “đẹp nhất hoa sen..” cũng khó mà có loài hoa nào “tình chung” cho cả nước. Hoa trinh nữ thì chỉ biết “khép lá thơ ngây”, hoa dạ hương tuy thơm nhưng lại “nở về đêm” ám chỉ điều uẩn khúc, mai mỉa “hoa nhài cắm bãi cứt trâu”, hoa thiên lý đã có thịt bò làm bạn. Có chăng trong thời kỳ “xóa đói giảm nghèo” chỉ thấy “hoa mắt”, “hoa mũi” là phổ biến. Bí thế tôi tợp thêm ngụm cà phê nhấp giọng, nói bừa cho qua chuyện, lại đưa văn vẻ ra để hù dọa hắn.

    – “Trong đầm gì đẹp bằng sen…”

    – Oh yeah ! hoa “Bờ hồ” –Hắn phù họa

    – Hồ hoàn Kiếm làm gì có sen- tôi cố làm ra vẻ hiểu biết

    – Nhưng lại có loài hoa khác

    Lúc đó hắn mới thủng thỉnh đọc “đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:

    “Rặng LIỄU đìu hiu đứng chịu tang

    Tóc buồn rũ xuống lệ ngàn hàng…..”

    Ngụm cà phê đắng ngắt nghẹn ngang cuống họng khi ngớ người, chợt hiểu. Mẹ khỉ ! Tây gì mà còn thâm hơn cả đồ xứ Nghệ

  4. Bài Quốc Hoa này không ngờ lôi kéo bao nhiêu còm sỹ vào cuộc dù hôm nay đã là 30 Tết. Chắc nhiều gia đình cãi cọ vì hoa Sen đây. Lẽ ra phải dọn nhà đón năm mới thì nhẩy vào “cãi nhau'” với Kim Dung xinh đẹp. Các bác liệu chuẩn bị đón tất niên cho chu đáo nhé. HM sắp đến thăm đó.

    1. Kim Dung

      Chít cười với lão Cua. Chui tít trong hang, giờ mới bò ra nghiêng ngó…Mới 29 tết thôi nhá, chưa phải 30. Chắc là lại khao bánh chưng DC gói dúm dó như kiểu gói mắm tôm chứ gì?

  5. Các cụ xưa có dạy Của cho không bằng cách cho .

    Ngày nay ta có thể sửa 1 chút thành Bầu chọn ai/cái gì không quan trọng bằng cách bầu/chọn .

    Tháng giêng ầm ĩ với Đại Hội Võ Lâm và khép lại với trò hề bầu/chọn cái gọi là quốc hoa. Võ Lâm đã có minh chủ, quốc cũng đã có hoa. Dẫu biết là kết quả khó mà khác được nhưng vẫn thấy nó có cái gì đấy khiên cưỡng 😦

  6. lyvinhhue

    Tôi xin có ý kiến, cái mà được gọi là “quốc hoa” kỳ này, thật ra phải gọi cho chính xác là “Bộ hoa”, muốn chính xác hơn nữa thì nên gọi là “Bộ Văn hóa Thông tin hoa”, vì rằng rõ ràng ngay từ đầu cái bộ này đã cố nhét bằng được sen lên ngôi chúa đảng các loài hoa ở Việt Nam.
    Tôi yêu sen chứ, yêu ngay từ… 14, 15, khi có cô bạn học tên Liên ngồi cùng bàn, thuở ấy đã dám cả gan mày mò dịch bài Ngọc Tỉnh Liên phú của Mạc Đĩnh Chi để khoe với đóa “sen ngọc” của mình… Nhưng mà cái kiểu bị nhét củ sen vào họng này làm tôi bị dội ngược.
    Cho nên đọc chị Kim Dung: … “Thân phận từ trong bùn đen của Sen, hành trình của kiếp Sen, và sự thăng hoa của Sen, có gì đó rất gần gũi với triết lý đời sống người Việt”; … “Dường như trong suốt hành trình từ bùn lầy nước đọng, vươn lên trong làn nước, thành búp giữa thanh thiên bạch nhật, tụ hương rồi tỏa hương, Sen đã ‘đạt ngộ’, mọi tham sân si được giải thoát…”, lòng tôi cũng rung ngân lên nỗi niềm đồng cảm song lại bùi ngùi thương cho sen bị cái Bộ Văn Thông Du cưỡng ép lên ngôi mà thấy sen như bị vấy bùn…
    Sen đã là “quốc hoa” sao còn phải gán thêm cái mác Phật giáo cho sen vào đêm hội tôn vinh? Tôi chẳng theo tín ngưỡng nào cả, nhưng nhỡ tôi là người Công giáo thì tôi sẽ suy nghĩ thế nào về “quốc hoa” đây? Chắc chắn tôi sẽ không mong mang cái biểu tượng ấy ra… Cồn Dầu rồi!
    Dân Nam ta phải công nhận với nhau một điều: Xứ mình làm gì cũng dở, chỉ có… đi bầu là hay, chưa bỏ phiếu đã biết ứng viên nào đắc cử rồi, thánh thật!
    Thôi thì đã bị đặt vào thế đã rồi, tôi chẳng còn biết chi hơn là phải ủng hộ Văn Thông Du thôi, tôi xin hưởng ứng cái vụ này, kính mong quý Bộ sao khi đã có “quốc hoa”, “Bộ hoa” rồi, sẵn đà ta làm tiếp “tỉnh hoa”, “huyện hoa”, “xã hoa”, “ấp hoa” luôn đi hè; cho trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng!
    Muốn chúc tết anh Hiệu Minh và chị Kim Dung, dưng mà… ráng nhịn, để dành tới lúc giao thừa vậy, he he!

    1. Kim Dung

      Cảm ơn Lyvinh hue: Quốc hoa, tỉnh hoa, huyện hoa, xã hoa…và Blog HM đã có cả một… nhà hoa thì sao?

  7. namsouth

    Hôm nay lên mạng thấy mấy trang danluan va x-cafevn đăng cáo trạng của bác Vũ mà thấy mũi cay cay, sang thử trang này thấy bà còn bàn chuyện tết, quốc hoa, quốc tửu rôm rả. Biết chủ nhà đang ẩn mình … nhưng xin mạn phép viết câu này.

    Chỉ xin viết rằng: “Cùng là người Việt, mong bà con nghĩ ra được cách gì đó để giảm tội cho bác Vũ”

    1. qx

      Đối với những người hoạt động, nếu công cuộc của họ không được xuôi buồm mát mái mà phải mang án tù thì, án càng nặng càng làm cho họ có chính nghĩa; bầm dập càng nhiều càng làm họ vững chãi hơn.

      “No pain no gain” as one saying goes. Bác namsouth bình tĩnh.

      1. namsouth

        Có hai bài thơ của Tản Đà (ai đó dịch qua tiếng anh) vẫn còn nguyên giá trị, bác qx đọc rồi zoom in zoom out tí nhé

        A Stroll at the Flower Nursery
        (The Hanoi Botanical Gardens)

        Its distance from Hanoi’s streets is near, not far,
        Could there be anything more delightful than the flower nursery?
        Having a chance I stroll to cheer myself up,
        Go up there at noon for some fresh air, sit and hum a tune.
        Sitting, I sadly remember the stories of old:
        The capitol Thang Long built long, long ago.
        Were there castles, monuments, and palaces here,
        Or just a few trees, patches of grass, and some flowers?
        But it’s certain that since the Westerners came,
        We’ve gotten an iron cage to enclose and tend the animals:
        Strange beasts, beautiful birds, and shade trees,
        Wide, splendid roads, and pleasant views.
        During the three months of summer, many people stroll through,
        Especially on cool afternoons, there are crowds of all stripes.
        Monsieur, Madame, Japanese, and Chinese,
        Magistrates, secretaries, old scholars, servants and nursemaids.
        Cars, horses, people all come by,
        Standing here, going there, talking a little with a laugh.
        Butterflies take to wing, the color of fluttering shirts,
        The fragrance of magnolia spreads like a perfume.
        The afternoon’s late, the funlovers all have left,
        At the tree’s root, sighing, I sit alone.
        Of the Ly, Tran, and Le kings, all is lost,
        But the sight of deer leisurely taking their stroll.

        Advice to Study

        “Now Chinese characters are in decline,
        What’s the use of continuing to study them!
        Western characters are right for the times,
        But know too much and you’re unmarketable!”
        Since those years it’s been awhile,
        I wrote a few sentences,
        That looking over today
        Truly aren’t wrong in the least.
        The old is now nearly gone,
        As for the new, it’s killed not a few.
        As the economy gets worse,
        The new and old get mixed and twisted together.
        Those who manage to work for newspapers
        Find a rocky climb to fame and wealth.
        Life’s road is hard enough to travel,
        And the burden’s heavier if you add a wife and children.
        Even if your shoulders can support a family,
        What’s to be done about society?
        Though the lengths of our lives have yet to be fully reckoned,
        What’s to be done for the motherland?
        The days, then the months go past,
        Every year the body is that much older.
        Hides wear down, iron also rusts,
        Of duties to society, oh, how to keep the will strong!
        The sad autumn wind throughout the long night
        Blows lightly on the dim lamp.
        Who do I miss, oh far-off one,
        Let’s recall together a few words:
        In life you have to indulge a bit,
        Even a grudging smile beats tears.
        The lives of we fathers haven’t amounted to anything,
        But if you have children, you must let them study!

  8. Quý Vũ

    Đêm nay lại làm vài li cuối năm với bạn bè, chân này đá chân kia nên cả gan xin phép bác chủ nhà và chị Kim Dung, ra vế đối mời cả nhà mình cho vui:

    – Tối ba mươi, nâng ly rượu hổ mang, tiễn hùm về hang cọp

    (ông) ba mươi, hổ, hùm, cọp đều….nấu được cao hổ cốt, hihi……

  9. dinhnam

    Gửi đến các bác một vài ý nghĩa trong họa từ chúc (tranh hay thiệp chúc mừng) có hình hoa sen.

    Hoa sen có nhiều ý nghĩa,trước hết là hình ảnh của người quân tử “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.Ngoài ra sen còn tượng trưng cho bụt,trong Hán tự hoa sen được gọi bằng hai chữ Liên và Hà tức là sự liên kết,lưu luyến ái tình.

    Do đó người tàu thường vẽ hoa sen (Liên) với đứa bé cầm cái sáo trúc đọc là Sanh (đồng âm với Thăng là đi lên,nghĩa là thăng quan tiến chức luôn luôn (liên thăng).
    Hoa sen (Liên) vẽ với chim khách (Hỉ thước,đang mổ hạt (quả) đồng âm với Quá, qua kỳ thi.Thông điệp của bức tranh là Hỉ Liên Quá (vui vẻ liên tiếp đỗ đạt).

    Hình đứa bé ôm con cá (ngư còn đọc là Dư) đứng bên cạnh cành hoa sen (Liên) sẽ được hiểu là Liên Dư (luôn luôn dư xài).
    Còn chữ Hà là hoa sen đồng âm trong tiếng quan thoại là Hoà.Do đó bức tranh vẽ cái tráp (Hạp) với Hợp đồng âm có cành sen và nhánh cây như ý,được diễn dịch là vợ chồng hòa hợp luôn luôn như ý.
    Bức tranh có hình con cò (Lộ còn đồng âm với Lộc) đứng cạnh cây hoa sen (Liên) tức là liên lộ nghĩa là đường đi xuôn sẻ hay Liên Lộc hoặc được hưởng lộc luôn luôn.
    Bức tranh có vẽ cặp vịt uyên uơng ,con trống ngậm hoa sen (Liên hoa),con mái ngậm gương sen (Liên phòng) có hạt (Liên tử mà tử cũng là con)) tức là lời chúc đám cưới vợ chồng ăn ở với nhau có nhiều con.

    Các bác muốn bầu hoa nào thì cũng tốt riêng tôi chỉ thích bầu Hoa …Hậu vì thấy VN nhiều cuộc thi hoa hậu quá,nên bầu thế mới ….thực tế. 🙂

    1. Kim Dung

      Cảm ơn bác Đình Nam về cái còm nhiều thông tin và ý nghĩa.

      Về hoa hậu thì VN quả là… bội thực

  10. Quý Vũ

    Riêng cá nhân, tôi chỉ thấy việc tổ chức bình chọn quốc hoa như vậy là hấp tấp, không có kế hoạch chu đáo. Vì vậy, dù có chọn ra loại hoa nào, cũng không thuyết phục.

    Mặc khác, VN không phải là một xứ sở nổi tiếng về hoa nên không nhất phải gấp gáp chọn quốc hoa. Lỡ chọn rồi không dễ sửa sai, nó khác với các quyết định, nghị định, văn bản…v.v.. của bộ này, tổng cục kia. Còn nếu vẫn bổn cũ soạn lại: cứ-làm-nếu-sai-sẽ….sửa, thì ôi thôi!

    1. Kim Dung

      To QV: Thế cho nên ở TVN trước đây, đã có một bài viết đề xuất Quốc hoa nên là Ngũ hoa- Đào, mai, sen, lan, cúc

  11. KTS Trần Thanh Vân

    Mỗi một dân tộc có QUỐC KỲ, QUỐC CA, QUỐC HUY, thế là đủ, sự xuất hiện của nó có bối cảnh lịch sử đặc biệt, có thể do một nhóm người, hoặc một cá nhân, nhưng tất cả chấp nhận, tất cả đi theo. Ngoài ra, những thứ khác như QUỐC TỬU, QUỐC HOA, QUỐC PHỤC ( áo gấm hồi 2006? )_… là không cần thiết. Ít ra là riêng tôi thấy không cần thiết.
    Một khi tôi tự thấy không cần tức là tôi sẽ không chấp nhận, việc này sẽ có rất nhiều người không chấp nhận như tôi.
    Xã hội ta lúc này có nhiều thứ khác cần hơn

    1. Kim Dung

      To chị Vân: KD thấy Quốc hoa thì vội vàng, quốc phục thì sẽ rất đơn điệu vì ai cũng biết áo dài sẽ lên ngôi, trong khi đó VN có tới 54 dân tộc, thì khó mà nói chỉ có áo dài. Vậy thì quốc phục người dân tộc có phải áo dài ko? Cái khó, VN mình quá đa dạng, mà nói chính xác là manh mún, cái gì cũng có, nhưng nhỏ lẻ, ko thuyết phục được. Còn quốc tửu là chuyện nhảm nhí.

      1. KTS Trần Thanh Vân

        Thế tức là KD cũng đồng tình với mình. Khi một danh từ gắn với tính từ “Quốc” tất phải mang một ý nghĩa gì đó rất thiêng liêng, khiến ai cũng tôn trọng và quan tâm. Trong khi đó thì Quốc hồn, Quốc túy đang than thở mà Quốc nạn, Quốc họa đang rình rập chúng ta từng ngày, nhưng cả KD cả TV đều không muốn nhắc đến?

  12. Vũ Thế Long

    Tôi không chê hoa sen thậm chí rất yêu thích lòai hoa này. Tuy nhiên, khi đã có một nước bạn Châu Á là Ấn Độ đã chọn làm biểu tượng, là quốc hoa của họ thì ta không nên chọn trùng lặp như thế. Nếu nói hoa sen đẹp, thơm, ăn được hạt và làm thuốc uớp trà…thì nhiều nước họ cũng sử dụng như thế chẳng cứ Việt Nam. Thậm chí một số nước người ta còn ăn cả lá sen…

    Tác gỉa viết: “Vẻ đẹp của những loài thực vật, được nảy nở từ đất đen, thậm chí đá sỏi cằn cỗi, nhưng lại dâng hiến cho đời cái kiều diễm của hình hài- nụ hoa, bông hoa, cái ngất ngây của thân thể- hương hoa”.Tôi e rằng chưa đúng vì là người nghiên cứu sinh học tôi chưa thấy cây sen nào có thể mọc trên đá sỏi cằn cỗi cả. Sen phát triển trong đầm có nước và cần có bùn mới phát triển được.

    Có người bình câu “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” nó có gì đó không ổn. Sen lớn lên từ bùn, nhờ bùn mà sen sinh sôi nảy nở và thành hoa đủ sắc ngát hương. Vậy sao khi đã trở thành hoa đẹp lại chê bùn là hôi tanh? Liêu như vậy có còn cái tình với bùn đất đã nuôi dưỡng chở che cho sen không?

    Tôi không ưa hoa mào gà vì nhiều lẽ, dầu rằng có cụ đại giáo sư đã bảo nó gợi cho hình tượng gà gáy sáng. Tôi không chê gà trống nhưng gà trống Gô-Loa nó khiến ta liên tưởng đến cái bài học thủa xưa mà các cụ phải học do Tây nhồi vào sọ “Tổ tiên người An nam là người Gôloa tận bên Pháp”. Tôi cũng chẳng tán thành hoa súng với cái lí đưa ra rằng dân ta vốn đã dùng súng suốt bao thế hệ. ..Chúng ta yêu hòa bình chứ đâu mong cái biểu trưng của dân mình là súng ống ? Hoa Phượng ư? Nó là thứ hoa có gốc tại đảo quốc Madagasca do người Pháp đem vào trồng ở Việt Nam. Quốc hoa không nên dùng thứ cây ngọai lai.

    Thời trước ngày nào tôi cũng được nghe mục người tốt việc tốt trên đài với câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh

    “Mỗi người tốt việc tốt là một bông hoa đẹp
    Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”
    Có cả phong trào thi đua “ngàn hoa việc tốt”…

    Bao năm rồi ta chưa có quốc hoa nhưng có phải vì thế mà nước ta tầm thường về văn hóa? Bây giờ nghĩ đến quốc hoa là việc cũng nên làm để góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, để giới thiệu với bè bạn. Tuy nhiên, cách chọn thế nào cho nó thể hiện được đúng với tinh thần biểu trưng văn hóa là điều đáng bàn. Không phải anh có phương tiên truyền thông rồi anh nói thế nào cũng được.

    Cách bình chọn phải thực sự minh bạch thể hiện được sự lựa chọn sáng suốt của tòan dân Việt.

    Hồi nhỏ thỉnh thỏang tôi được chơi trò “Hái hoa dân chủ” . Vui đáo để! Đã lâu lắm rồi chẳng thấy đâu người ta chơi cái trò này mỗi khi sinh họat tập thể, mỗi độ xuân về.

    Vũ Thế Long
    vuthelong@gmail.com

    1. Dưng mà.. dưng mà… Nói trời biển gì thì bác Long cũng nên chọn ra một loại hoa để làm quốc hoa chứ. Chả lẽ không có hoa nào vừa ý bác Thế Long?

    2. Kim Dung

      Bạn Vũ Thế Long: Bạn đọc ko kỹ câu này: “Không biết hoa từ đâu đến, nhưng xưa nay nói đến hoa, là nói đến vẻ đẹp. Vẻ đẹp của những loài thực vật, được nảy nở từ đất đen, thậm chí đá sỏi cằn cỗi, nhưng lại dâng hiến cho đời cái kiều diễm của hình hài- nụ hoa, bông hoa, cái ngất ngây của thân thể- hương hoa”, là tôi đang nói về loài hoa nói chung, ko nói về riêng hoa Sen..

      Nhưng vẫn cảm ơn bạn đã đưa ra chính kiến riêng.

  13. CPI nếu cần còn chỉnh được. Ngày sinh, ngày mất còn đổi được huống chi là mấy cái poll còi chả mấy ai biết

    Như dã nói ở entry về rượu của chị HH, XT chỉ công nhận quốc kỳ và quốc ca/thiều còn mấy thứ quốc sắp có như quốc hoa hay quốc (cuốc) lủi … nghe nó cứ hề thế nào ấy.

    Tuy nhiên mình thích là một chuyện, nó có xảy ra hay không lại là 1 chuyện khác. XT không ghét bỏ gì hoa sen nhưng dám chắc nếu chính thức công nhận hoa sen là quốc hoa thì ý kiến phản đối sẽ rất nhiều. Lý do có nhiều, cứ ai không chọn cho hoa sen thì sẽ phản đối (số này chắc quá bán) hay đơn giản phản đối bao giờ cũng dễ hơn và là 1 cách để tự khẳng định mình (???)… Tuy nhiên nguyên nhân chính thì XT nghĩ là các qui dịnh, tuyên bố gần đây của CP/NN và các ban ngành cấp dưới đã tạo cho dân chúng 1 phản xạ (rất nguy hiểm) : nghe xong cứ phản đối đã. Phản xạ này nguy hiểm vô cùng vì nó chứng tỏ … (tự kiểm duyệt)

    1. Kim Dung

      Tôi đồng ý với ý kiến của XT; có một xu hướng, mà XT coi là phản xạ trong xã hội hiện nay: Bất cứ CP/ NN đưa ra một chủ trương gì, cứ nghe xong là phản đối đã.

      Hiện tượng này khá phức tạp: Mặt hay, xã hội đã có sự dân chủ hơn trước, con người dám phản biện, dám nói thẳng, nói thật. Mặt khác, cũng phản ánh sự mất niềm tin của người dân trước những bất cập xã hội. Và mặt khác nữa, cũng có ko ít người, có một tâm lý là luôn phản đối, phủ nhận bất cứ cái gì.

  14. quân

    em gửi các bác chuyện này liên quan đến quốc hoa mà em luộc trên mạng (Dĩ nhiên là em chưa xin phép nên tạm gọi là… luộc lậu)
    …..
    “Nghe tin Việt Nam chọn sen làm quốc hoa, Ấn Độ phản ứng mạnh mẽ đến mức Liên hiệp quốc phải tổ chức một cuộc thi. Phía Việt Nam xuất chiêu trước:

    – Phải nhường sen cho người Việt vì chúng tôi có câu ca dao hàng trăm năm tuổi: “Trong đầm gì đẹp bằng sen…”

    Đại diện Ấn Độ đáp liền:

    – Tưởng gì, hàng ngàn năm trước người Ấn đã có câu chú “Án ma ni bát di hồng” mà phật tử nào cũng nằm lòng, câu ấy có nghĩa “ngọc quý trong tim sen”!

    Phía Việt Nam vội chiếu cho cử toạ xem phim Cánh đồng bất tận với cảnh người đẹp tắm tiên giữa đầm sen. Phim đang chiếu thì đại diện Ấn Độ ung dung phát cho cử toạ mỗi người một cuốn Kama Sutra mở sẵn trang có hình nam nữ trong tư thế hoa sen khiến ai nấy nổ đom đóm mắt!

    – Nhưng mà người Việt quý sen lắm, đưa sen vào ẩm thực như trà sen, cơm lá sen, thuốc tim sen…

    – Ghê gớm nhỉ. Còn người Ấn thì dùng sen để… ngồi đấy! – Nói xong, phía Ấn Độ trưng ra hình ảnh các vị thần Brahma, Vishnu, Shiva và Phật Thích ca ngồi trên toà sen.

    Đang cực kỳ lúng túng thì có điện từ trong nước gọi sang, đại diện Việt Nam nghe xong hớn hở ra mặt: “Thưa quý vị, sen sống bằng gì?” – “Bùn và nước, ai mà chẳng biết!”

    Phía Việt Nam mở laptop vào internet tải về một loạt hình ảnh Cao Bằng ngập trong lũ bùn còn dân Sài Gòn thì bì bõm lội nước cho cử toạ xem. Vừa nhìn thấy, đại diện Ấn Độ nghẹn ngào xin thua!
    …”

      1. 7xGens

        2 Anh/Em nhà nọ ngồi chén chú, chén anh bữa tất niên đêm 30 tết. Sau hồi ngà ngà người anh cao hứng kể chuyện vui tiếu lâm. Người em nghe tấm tắc khen hay nhưng hơi phê câu chuyện hơi…bôi bác.

        Ông anh nghe thấy ‘bôi bác’ thế là tự nhiên nổi khùng kêu ‘bôi chú’ thì có, em thấy anh hiểu nhầm thì ra sức giải thích: ý em là…bôi bác.

        Khổ lỗi, em càng giải thích thì anh càng nổi xung, đồ nghề bộ phận cơ thể ném dần ra hết và 2 AE từ nhau đến mấy năm.

        Thế đấy, đôi khi sự việc lại phức tạp lên từ những thứ không đâu vào đâu, he he…

        Just 4 laugh

        Năm cùng tháng tận chúc các bác vui vẻ

      2. Duc

        Chúc bác vui vẻ. Nhưng hình như cụm Ngày cùng tháng tận phù hợp hơn bác nhỉ? Năm cùng tháng tận nghe như…dấu chấm hết, :).

  15. Kính chào các bác!

    Chỉ còn một hai ngày nữa là đến Tết Tân Mão. Thấy các bác “bàn loạn” về “quốc hoa” là bông sen hay quá, tôi cũng xin góp mấy lời, gọi là chia vui ngày xuân với các bác như thế này:

    Cánh đàn ông như bác Hiệu Minh và hình như đa số độc giả blog HM cùng với tôi, chắc là ai cũng thích “bàn loạn” về “hoa”, về đủ các “loài” hoa, không cứ gì hoa sen, tôi nghĩ thế! Và không chỉ “bàn loạn”, mà có thể, còn mê mẩn… “chơi” hoa nữa là đằng khác! hihi…

    Chẳng hạn như ông già tôi, ông cụ từ khi về hưu, đã tạo cho mình một thú vui tuổi già rất tao nhã là “chơi” trò… trồng cây cảnh, và đặc biệt, ông cụ không bao giờ bán những cây cảnh, ảng hoa do tay mình bỏ công ra trồng đi cả, mặc dù người ta “trả giá” rất hời! Cụ bảo những cây, hoa đó không có giá, quí mến ai thì tặng, chứ không bán!

    Quay lại “quốc hoa” là loài hoa sen. Có thể hoa sen là một trong các loài hoa được rất nhiều người yêu thích trên thế giới, nhưng các bác có biết “loài hoa” nào là “được nhiều người biết đến nhất” trên thế giới không?

    Giải đáp: Đó là “hoa quốc phong”!

    Kính chúc bác Hiệu Minh cùng gia quyến một năm mới an khang thịnh vượng!

    Kính chúc độc giả blog Hiệu Minh năm mới vạn sự như ý!

    Trân trọng.

    Trương Đức.

    1. Ban IT

      Hoa KD, hoa Thùy Dương, hoa Anh Kiệt, hoa Duc, hoa Hoài Hương, cụ hoa Thanh Vân, hay bác hoa Dã Quì… Nhiều lắm. Hơn cả quốc hoa.

      1. Duc

        Em đảm bảo là hoa nào bác IT nhắc đến đều đẹp, kể cả…em, he he. Là phái đẹp chẳng lẽ lại xấu hay sao, phải không các bác…không đẹp?

      2. Daqui

        Bạn IT ơi , đã là hoa là ko có tuổi đâu nhá . Chỉ có bác DQ , chứ ai lại bác …hoa DQ , cụ …hoa TV ? hihihi!

      3. Daqui

        Vui thôi nàng Duc ơi , mình …rà rồi , nên chỉ có hoa của nhà thôi : DQ , HCVS , Lộc Vừng … Chứ bi giờ mà được …ai đó tặng hoa thì có khi lại mất ngủ vì … rung rinh mất thôi !

      4. Duc

        Hi hi, bác DQ ơi, rà hay chưa rà thì vẫn thích được tặng hoa.

        Em vẫn đang còn nằm trong ”độ tuổi” nhận hoa mà ai đó của em chẳng thèm tặng, lý do là vì ”Không quen”. Chẳng lẽ chị em ta lại tặng nhau hoa. Mà đúng thế thật. Em có cô bạn thân, mỗi lần cô ấy ra Hà Nội là đều nhận được một bó hoa của em, :D.

      5. KTS Trần Thanh Vân

        Cảm ơn IT, cảm ơn Duc, Cảm ơn DQ, Lão Bà mà được làm Hoa là sướng rồi, cho dù là Ba Hoa hay mặt Rỗ như Hoa cũng thích.
        Chúc tất niên vui

    2. E hèm, bác Trương Đức. Cẩn thật chút kẻo mất Tết đó. Bọn này phải kín đáo lắm đó mới dám tỏ lời với hoa.

    3. Kim Dung

      Bạn Trương Đức: Cũng có nhiều bạn trẻ ở ta nói đề nghị nên chọn Hoa Hồng là quốc hoa, bởi thời buổi này ko có “hoa hồng” thì ko thể xong việc. Đó cũng là một cách ám chỉ khác

    1. Kim Dung

      Chuyện này ko có gì lạ. Tuần Việt Nam chúng tôi, trước khi có chuyện ngành văn hóa tổ chức trưng cầu ý dân về biểu tượng hoa, đã triển khai cả một chủ đề Xây dựng biểu tượng VN, Trong đó, có những ý kiến đề nghị lấy hoa lúa, rồi bông lúa làm biểu tượng. Tôi có thể kéo đường linh để bạn cần thiết thì tham khảo:

      http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-07-03-xay-dung-bieu-tuong-viet-nam

  16. Phương Nga

    Khi một cô gái đạt vương miện hoa hậu, người ta xuýt xoa khen ngợi, có mấy khi để ý đến cha mẹ cô gái ấy già xấu đi sau bao năm nhọc nhằn nuôi cô khôn lớn.

    Khen rằng sen đẹp, tinh khiết, ngát hương, và chê rằng bùn đen hôi tanh, nhưng thử hỏi không có sự hôi tanh của bùn thì liệu sen có đẹp, có thơm hay không?

    Vui vậy thôi. Tôi cũng thích hoa sen. Nhưng không phải vì thế mà nói sen là biểu tượng của tôi, hay của lãnh tụ, hay của quốc dân. Chỉ là thích, là gần gũi, thế thôi.

    1. Kim Dung

      Bạn Phương Nga ko phải là người đầu tiên có sự phát hiện hoa sen chê bùn hôi tanh. Cụ Phùng Quán đã có một bài rất ghê gớm về ý tưởng này:

      “Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền
      Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen.
      Nhưng tôi không thể nào tin được
      Câu ca này gốc gác tự nhân dân?!
      Bởi câu ca sặc mùi phản trắc
      Của những phường bội nghĩa vong ân!
      Vốn con cái của giai cấp cùng khổ
      Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son
      Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ
      Chúng mưu toan giấu che từ bỏ
      Nói xa gần, chúng mượn chuyện sen

      …Nhị vàng bông trắng lá xanh
      Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
      Tất cả là trong cái chữ “gần”
      Chỉ một chữ mà ta thấu gan thấu ruột
      Những manh tâm bội nghĩa vong ân.
      Bùn với sen đâu phải chuyện gần?
      Chính là sen mọc lên từ trong đó
      Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
      Nhị vàng, bông trắng, lá xanh…
      Tất cả, tất cả, tất cả…!
      Là do bùn hôi nuôi dưỡng
      Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng
      Cũng là xương thịt của bùn tanh!
      Như nhân dân
      Gian truân, thầm lặng, vô danh
      Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ…
      …………

      Nhân danh bùn
      Nhân danh sen
      Tôi đề nghị:
      Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!

      Đó là cách nhìn riêng của Cụ PQ. Và cũng đã có rất nhiều người mượn ý tứ này để bình, suy diễn, ám chỉ những chuyện khác…

      1. Kim Dung

        Tôi rất kính trọng Cụ Phùng Quán, nhưng chuyện cảm nhận về hoa sen thì mỗi người có quyền riêng của người ấy

  17. qx

    Nếu bây giờ chọn hoa mai làm quốc hoa, thì sẽ gặp nhiều khó khăn hành chính, tư tưởng chế độ, và tốn kém tiền bạc.

    Một khi đưa một loài hoa lên hàng quốc, thì phẩm hàm, trật bậc, và các chi tiết văn hóa, chính trị, đảng phái, tôn giáo, xã hội, giáo dục, y tế, tài nguyên, triết lý, danh dự, truyền thống, định hướng, etc …, liên quan đến loài hoa ấy, cũng phải thay đổi tương ứng.

    Việc đầu tiên, tất nhiên là, làm sao gắn chặt cái uy, cái danh, cái bafle quốc hoa may offer to, vào chế độ, vào hình ảnh đảng, hình ảnh và nhân cách người tạo ra chế độ. Song song đó, cải tạo vô thời hạn các câu ca dao cũ, tạo ra câu ca dao mới, định hướng quốc hoa. Công việc tương ứng bên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, phim ảnh, họa vẽ, kiến trúc, … cũng phải như cách bắt đầu với các câu ca dao vậy.

    Nhiêu khê và tốn kinh lắm. Rủi ro thất bại cũng mười mươi.

    Cho nên, quốc hoa là hoa nào hồi giờ vốn gần gần chính trường. Cũng như hoa hậu không phải là người đẹp và hiểu biết nhất, đại diện cho tất cả người đẹp vậy.

    Với lại việc đưa-một-hoa-lên-bậc-quốc rõ ràng là một sinh hoạt chính trị, không phải một sinh-hoạt-hoa (sinh hoạt nghệ thuật của người chơi hoa như hội hoa lan, hội bonsai, hội mai, hội đào, hội chim cá kiểng chăng hạn).

    Đại khái rứa.

    qx

      1. qx

        Dạ bác Hiệu Minh. Em mà chính trị chính em gì bác, mấy cái level phổ thông cơ sở thôi mà .

    1. Duc

      Đồng ý với bác qx!.

      Dù rất ít khi com các entry về chính trị nhưng mỗi khi thấy có ”í tưởng” đại loại kiểu quốc hoa là em lại ngoéo sang chính trị hay hành chính công giống bác qx. Chả biết như thế có phải là “ta đã hiểu ta hơn rồi”? 😉

      1. qx

        hà hà dì Duc. Chín chị vốn mớ bòng bong dzậy mà chỉ vài ngoéo đã hiểu hơn nhau … á quên, đã hiểu nhau hơn, là kỳ tài đó 🙂

    2. lyvinhhue

      Ừ, em chỉ mong có một “sinh-hoạt-QX” để em được… chơi anh chàng qx đây, he he!

    1. cá tính của Cua quả là… (hihi) có viết cả ngàn trang thì vẫn thế bác ơi… đọc bài Mai của cô Hoài Hương đủ sướng mấy ngày xuân rồi

    2. Kim Dung

      Cua viết bài chống hoa Sen là quyền của Cua. Có điều, bài viết này, KD viết theo chủ trương và chỉ đạo của TVN, đăng ở Sự kiện nóng, nghĩa là quan điểm của TVN, ko phải đăng ở Thông tin đa chiều

  18. Trên website http://tintuconline.vietnamnet.vn, hoa sen được 5,497 phiếu, chiếm 40,76%, hoa mai chiếm 5,106 phiếu, chiếm 37,86% trên tổng số 13,486 phiếu (tính đến thời điểm viết những dòng này). Xem ra hoa mai chỉ thua hoa sen với tỷ lệ sít sao. Riêng cá nhân Chuột luôn thấy hoa sen quá cao sang, xa lạ, ko gần gũi như hoa mai. Hơn nữa hoa sen có vẻ mang màu sắc chính trị hơn là dân tộc. VN Airline đã dùng biểu tượng hoa sen thì đủ thấy kết quả rồi (nhưng mà… với con mắt kém thẩm mỹ của Chuột thì cái biểu tượng của VNA xấu quá chừng… mami thường nói nhìn giống như là…. cái đó…)

  19. Trên báo chí và tivi cứ ầm ầm đưa tin thế này… đa số người bình chọn trên internet hoặc đa số bình chọn trên một web bầu hoa sen là quốc hoa… không đưa ra 1 địa chỉ website cụ thể, ko đưa ra những dữ liệu cụ thể…
    Cháu thích hoa mai cô KD à, vì nhà nào cũng trồng được mai, tết là nhà nhà đều chưng 1 cành mai (đào)… người Việt xa xứ tết tìm 1 cành mai, cành đào để nhớ quê thay vì hoa sen… Nhà cháu mấy chục năm nay chưa từng chưng 1 cành sen nào cả

      1. Kim Dung

        Chú HM cũng từng có một em tên là Mai chứ ko phải quen chờ đợi ngày mai đâu. Giờ mà còn chờ đợi ngày mai thì…

    1. Kim Dung

      Chuột à: Việc chọn hoa nào yêu thích là quyền mỗi người. Nếu là cá nhân, cô KD thích nhất hoa cúc. Hoa cúc là hoa cô yêu thích từ trẻ cho tới giờ.

      Còn việc bình chọn lần này, thực ra, số liệu chả đâu vào đâu, ngành văn hóa làm kiểu vội vã, và tối 29-1, lại là sự khẳng định (vì khi tôn vinh, đã ngầm ý lựa chọn rồi. vậy mà sau đó, còn thấy có vị quan chức văn hóa nói sẽ tổ chức tiếp ở miền trung, miền nam “lấy ý kiến”. Lấy ý kiến mà chủ đề là Đêm hội tôn vinh hoa sen, thì nói thật cô ko hiểu lắm tư duy chỉ đạo của các quan chức. văn hóa

Comments are closed.