“Đảo chìm, đảo nổi, đất nước ơi”

Đảo chìm 1988. Ảnh: Nguyễn Vinh Quang
Đảo chìm. Ảnh: Nguyễn Vinh Quang

Bài này viết cách đây hai năm (2009) lúc Blog HM chưa ai biết đến. Xin đăng lại trong lúc chờ entry mới. Cảm ơn các bạn và mong được sự thông cảm.

Cô cháu gọi điện cho tôi, giọng tha thiết, chú viết cho một bài về biển đảo. Thú thật, tôi ra biển nhưng đi…nghỉ mát, chưa bao giờ tới đảo nào. Chả biết Trường Sa, Hoàng Sa ở đâu, đầu cua tai nheo ra làm sao. Ngồi ở xa, viết về lãnh hải Việt nam, quả là thách thức. Nhưng cháu bảo, nếu chú có tấm lòng với đất nước, thế nào cũng nghĩ ra “cái gì” đó.

Tôi tìm được tập truyện “Đảo chìm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa trên internet và đọc một hơi. Nhà thơ kể rằng, có một hòn đảo nổi bé tý, được gọi là “thủ đô” Trường Sa. Đó là “một vũng cát lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến”. Bé tới mức mà nhà thơ Hữu Thỉnh thốt lên:”Đảo nhỏ quá, nói một câu là hết”.

Gọi là đảo chìm vì thủy triều lên thì đảo ngập trong nước, còn lại cái lều của những người lính chung sống với lũ ó biển, ỉa bậy, đẻ rơi.

Nhà thơ còn tả đám lính nhà ta nuôi lợn, gọi thân thiết lợn là nàng An-ta-ra-mê-na như một hoa hậu. Lợn mặc quần áo, bộ đội lại cởi trần vì có mặc áo thì cũng bị sóng đánh ướt luôn.

Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương đã đến thăm “thủ đô” bé tý này. Một anh lính trẻ muốn mượn cái xẻng để “có kẻ nào nhòm ngó thì xúc cát hất xuống biển và thế là giấu được đảo”. Nhưng khi lấy được cái xẻng thì chàng lính ấy lại hì hục cậy thêm đá, đắp xung quanh đảo để bảo vệ bờ cõi.

Với những người lính trên đảo như thế thì biển cả không còn bí hiểm, không đe dọa nào có thể khuất phục.

Lính trên đảo nổi. Ảnh: Blog HTT Thuốc
Lính đảo. Ảnh: Blog Học trò Thầy thuốc

Đọc xong muốn rơi nước mắt, dù câu chuyện nhà thơ kể về đảo đã xảy ra 30 năm có lẻ. Chuyện về biển mặn, mặn do muối và do máu của những người lính đã đổ. Đã bao nhiêu chuyện đã xảy ra trên những cái đảo nong nia như thế, chuyện nói được, chuyện không thể kể và đôi khi không  được kể.

Từ năm 2000 đến nay, “Đảo chìm” đã tái bản tới 25 lần mà vẫn có người mới đọc lần đầu như tôi. Bỗng tự hỏi, còn bao nhiêu người chưa biết về Trường Sa, Hoàng Sa. Tại sao mỗi lần nhắc đến lại nhức nhối trong lòng mỗi chúng ta.

Mấy hôm nay nghe tin Trung Quốc cấm ngư dân Việt nam đánh cá. “Tầu lạ” nhưng “tiếng nói khá quen bên hàng xóm”, đâm vào thuyền của ta, rồi giơ súng, uy hiếp, cướp cá trong hầm ướp đá.

Thấy các báo đưa tin nhiều hơn. Nhưng đọc qua vài dòng cũng thấy, những người ủng hộ ngư dân Việt Nam luôn bị động. Đợi chuyện xảy ra do “kẻ lạ” khiêu khích rồi mới tìm cách phản ứng. Còn những người hiểu về hải đảo, biển xa hời hợt như tôi lại cố lên tiếng bằng cách tìm thông tin trên internet và…viết blog.

Thật ra, một quốc gia nào đó âm mưu lấn chiếm đất đai, biển đảo, họ thường chuẩn bị từ vài chục năm trước, thậm chí hàng thế kỷ trước. Con cháu họ được giáo dục, rằng, vùng đất ấy, miền đảo nọ do tổ tiên họ khai phá. Khi mang quân đánh nhau chỉ là phần việc còn lại, “dư luận nội bộ” đã được chuẩn bị từ rất lâu nên họ đoàn kết lắm, chỉ có người bị chiếm đất, lấn biển là “trái” thôi.

Chuyện đó xảy ra từ xa xưa cho đến bây giờ, là cách làm của kẻ thù cũng như những hàng xóm đôi khi tỏ ra rất thân thiện. Nước Nga với Nam Osetia, nước Nhật tranh với Nga đảo Curin, người Anh với quần đảo Mavinat xa tít tắp của Argentina đều có kiểu cách tương tự.

Mới đây, trên báo Tuổi trẻ đăng một ý kiến của một thanh niên nói về kiến thức hạn hẹp của chính anh về biển đảo, do sách vở trong trường không đủ thông tin, dù đã tốt nghiệp đại học. Mãi gần đây anh mới tiếp cận internet, tìm ra nhiều điều thú vị.

Có lẽ anh đã ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ đối với tổ quốc. Nhưng tìm về thông tin chính thức gần như rất khó. Đang bàn về ““Ngày biển Đông và Hải đảo Việt Nam” mà vẫn có người lần đầu biết “đảo chìm, đảo nổi” dù sách xuất bản hàng chục năm rồi.

Chuyện ngoại giao với nước người hãy để cho các nhà chính trị lo. Giáo dục nội bộ về lòng yêu nước, hiểu về biển đảo thì không thể đợi ai đó ở bên ngoài bật đèn xanh. Mong họ nhất trí với mình chỉ là ảo tưởng. Và đừng nên coi việc nói ra tên miền đất này, tên đảo nọ là quyền ban phát của vài người. Đó là quyền của cả dân tộc này, từ người ở trong nước đến người Việt ở nước ngoài. Đôi lúc tôi nghĩ, người Việt ở Cali nổi giận vì Hoàng Sa bị lấn chiếm, ngư dân bị giết cũng nên được dân Lạng Sơn biết đến.

Nếu được phép chọn người lãnh đạo cho Trường Sa và Hoàng Sa, tôi xin đề cử nhà thơ Trần Đăng Khoa, vị thượng tá quân đội đã một thời ở giữa biển mênh mông. Hoặc người lính dùng xẻng định giấu đảo. Nên tôn vinh người lính hy sinh là anh hùng khi anh tìm cái ba lô trong cơn bão biển cho người bạn đã chết vì sợ rằng bà mẹ mất con trong biển cả không còn kỷ vật nào.

Cần có những người lăn lộn với sóng biển, với mặn chát của muối biển và máu như những nhân vật trong “Đảo chìm”. Nếu không, một người định giấu đảo thì kẻ khác muốn bán cho nước ngoài làm du lịch. Thực sự sống với biển, biết điều gì xảy ra trên mặt nước và cả sóng ngầm thì mới mong bảo vệ được những hòn đảo nong nia.

Để có thế hệ tương lai hiểu cho đúng về biên giới, hải đảo, nền giáo dục nước nhà cần thay đổi trong cách dậy lịch sử. Phần đất nào là của cha ông thì cần nói rõ trong sách giáo khoa. Dù tranh cãi về ngoại giao đôi khi nẩy lửa, người Nhật vẫn để mấy trang sách, muốn học sinh hiểu về chiến tranh thế giới thứ II như họ cần. Không làm gì để định hướng cho thế hệ tương lai, mới bị động trước những biến đổi của thời cuộc.

Chúng ta ai cũng muốn hiểu rõ về lịch sử, biết về mảnh đất cha ông, để có ý thức bảo vệ tổ quốc trong tiềm thức, rồi đến những nơi hải đảo xa xôi, nhìn thấy tận mắt vùng đất thiêng liêng.

Ước mong sao, với thời gian, tầm tri thức của thế hệ trẻ, như cô cháu nhỏ hay bạn thanh niên trên báo Tuổi trẻ với lòng yêu tổ quốc nói trên, được thay đổi. Khi đó, “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa sẽ thành nổi. Chính thế hệ ấy sẽ xắn tay giúp người lính thưở nào cầm xẻng bảo vệ bờ cõi.

Chợt nhớ câu thơ của ai đó “Đảo chìm, đảo nổi, đất nước ơi//Da thịt Việt Nam chẳng thể rời” khi đọc blog trên mạng. Nếu 85 triệu người Việt nam cùng đồng cảm như thế, sẽ nghĩ ra và làm “cái gì” cho đất nước.

Hiệu Minh. 8 June 2009.

Đảo Trường Sa.
Đảo Trường Sa.
Đảo thuyền chài 1988. Ảnh: Nguyễn Vinh Quang
Đảo thuyền chài 1988. Ảnh: Nguyễn Vinh Quang

Tài liệu tham khảo: Đảo chìm trên VN Thư quán

Blog “Học trò trường thuốc”

Blog Osin: Giao thiệp với Trung Quốc

34 thoughts on ““Đảo chìm, đảo nổi, đất nước ơi”

  1. cua đồng

    Sóc ơi!
    Viết hay lắm,trong sáng lắm,sắp vượt cả chú HM đấy.Sóc rủ các bạn trẻ vào đây,chỗ khác là Cam đấy.Có các bạn người lớn đứng đắn hơn.

  2. hungcr

    “Một anh lính trẻ muốn mượn cái xẻng để “có kẻ nào nhòm ngó thì xúc cát hất xuống biển và thế là giấu được đảo”. Nhưng khi lấy được cái xẻng thì chàng lính ấy lại hì hục cậy thêm đá, đắp xung quanh đảo để bảo vệ bờ cõi.”
    Anh đọc thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa anh đã rơi nước mắt, còn tôi đọc entry của anh nước mắt tôi tuôn chảy. Cảm ơn anh đã viết entry này !

  3. Tý sún

    Có bài thơ viết về đảo Việt Nam trên Báo Thanh Niên mới các bác xem!
    “Tổ quốc nhìn từ biển” – Thơ của Nguyễn Việt Chiến

    Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
    Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
    Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
    Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
    Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
    Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
    Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
    Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

    Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
    Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
    Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
    Trong hồn người có ngọn sóng nào không

    Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
    Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
    Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
    Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

    Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
    Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
    Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
    Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

    Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
    Những đau thương trận mạc đã qua rồi
    Bao dáng núi còn mang hình góa phụ
    Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

    Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
    Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
    Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử
    Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

    Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
    Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
    Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
    Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

    Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
    Những chàng trai ra đảo đã quên mình
    Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước (*)
    Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

    Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
    Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
    Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
    Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

    Nguyễn Việt Chiến
    (*) Mới đây người dân huyện đảo Lý Sơn đã tìm thấy một sắc chỉ của vua triều Nguyễn năm 1835 cử dân binh ra canh giữ đảo Hoàng Sa

  4. hoa Lài

    Có lẽ anh đã ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ đối với tổ quốc. Nhưng tìm về thông tin chính thức gần như rất khó. Đang bàn về ““Ngày biển Đông và Hải đảo Việt Nam” mà vẫn có người lần đầu biết “đảo chìm, đảo nổi” dù sách xuất bản hàng chục năm rồi.[trích]

    Với một chế độ lấy “Tam quyền gom một ” thì cái việc “Yêu nước ” cần thông tin trung thực ,thực trạng về Tổ Quốc là chuyện của “người Lớn …mà cái đầu thì .. bé ” .Phận “dân đen ” chỉ nên biết chấp hành và nghe những gì Ta [bạn người “Lạ “] làm , đừng nghe những gì ” Nó “nói !

    Lời của UV Uỷ ban quanh quẩn TP !

  5. Daqui

    Mình cũng đã đọc ” Đảo chìm ” từ rất lâu rồi . Đó là một quyển sách rất thú vị và có nhiều ấn tượng với mình . Và tuy rất lâu sau mình ko gặp được quyển nào hay đến thế , nhưng cũng từ đó mình đã luôn hướng về nơi Đảo xa tuyến đầu của Tổ quốc với rất nhiều tình cảm yêu thương .

  6. Pingback: “Đảo chìm, đảo nổi, đất nước ơi” | Y2B Group new Daily

  7. Pingback: “Đảo chìm, đảo nổi, đất nước ơi” | phamdinhtan

    1. Squirrel

      Trời! Đúng là hãng trục vớt này xài đồ made in china. Giờ mới trục vớt được sao?
      Ngay trên blog của chú Hiệu Minh có đường link tới kìa.

      1. qx

        Dạ, cái link đó là của chủ nhà. Cái link của em là do em đọc lúc trước save lại post lên. Âu cũng là có nhiều hãng trục dzớt mà hà hà.

        qx

      2. Squirrel

        Ha ha ha. Bác xôi thịt đúng là xôi thịt quá.
        @ qx : Từ khi Sóc “bước chân vô giang hồ” tới nay, toàn phải gọi chị, anh, chú, bác. Giờ mới kiếm được 1 em QX. 3 giờ sáng nay sang Absam thấy bà con ngủ hết, một mình Qx nói, Qx chơi luôn còm dài 780 từ cực kỳ rực lửa đấu tranh. Qx ” ở bển” có đi ngày 5/6 này không “em”.

      3. Người quan sát

        @ Squirrel @ QX

        Squirrel cẩn thận đó, QX tầm tuổi Tổng Cua ++

      4. Squirrel

        Hic! Đa tạ Người Quan sát, Sóc không biết, tại QX xưng em trước. Xin lỗi bác ( trên chú Hiệu Minh ) QX ạ. Lần sau cháu không dám vậy nữa.

  8. Squirrel

    Cả ngày tránh chị Hà Linh vì muốn kể cho chị Hà Linh một câu chuyện vui ngoài đảo. Để thay đổi không khí chút xíu. Mà thấy mẩu chuyện nào cũng cười ra nước mắt. Nên Sóc không kể nữa cho chị Linh ngủ ngon.
    Chúc chú HM và bà con 1 ngày tốt lành.
    Sóc đang trăn trở có nên đến ĐSQ TQ ngày 5/6 này không, đến giờ vẫn không quyết được.

    1. Hà Linh

      Chị thì nghĩ có thể Sóc không nên đến Sóc ạ, không phải vì mình không đủ can đảm, nhưng chị e rằng sẽ có những điều gì đó mà mình không biết trước được… Những gì Sóc làm và nghĩ đủ để chứng tỏ tinh thần ái quốc của Sóc rồi.Có nhiều cách Sóc ạ.
      Sao Sóc không kể chị nghe chuyện vui ngoài đảo đi!

      1. Squirrel

        Vấn đề là em thật sự không đủ can đảm đấy chứ. Vẫn còn sân si nhiều thứ.
        Chuyện vui ạ? Để em kể cho chị bên blog của chị nhé, vì chỉ nói thầm được thôi :-d, tiếu lâm 5 sao luôn. Nhưng cười xong, lại ứa nước mắt.
        Thôi chị ngủ đi chị .

  9. qx

    Bài hay ghê, thanks lão HM.
    Có bài này mới chôm được trên Internet của một người đã nếm Trường Sa, ở nhà lão Nguyên:

    Trường Sa Hành

    Trường Sa! Trường Sa! Đảo chếnh choáng!
    Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
    Lính thú mươi người lạ sóng nước,
    Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.

    Mùa đông bắc, gió miên man thổi
    Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
    Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
    Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ.

    Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỷ,
    Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
    Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
    Lên xác thân người mãi đứng yên.

    Bốn trăm hải lý nhớ không tới
    Ta khóc cười như tự bạo hành
    Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục,
    Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh.

    Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế.
    Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
    Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
    Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.

    Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt,
    Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi.
    Đám cây bật gốc chờ tan xác
    Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

    Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
    Những cụm rong óng ả bập bềnh
    Như những tầng buồn lay động mãi
    Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.

    Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
    Vầng khói chim đen thảng thốt quần,
    Kinh động đất trời như cháy đảo…
    Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.

    Ta ngồi bên đống lửa man rợ,
    Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi,
    Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
    Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.

    Chú em hãy hát, hát thật lớn
    Những điệu vui, bất kể điệu nào
    Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
    Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.

    Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
    Như người bị bức tử canh khuya
    Xé toang từng mảng đời tê điếng
    Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.

    Ta nói với từng tinh tú một
    Hằng đêm tất cả chuyện trong lòng
    Bãi lân tinh thức, âm u sáng
    Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng.

    Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
    Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng.
    Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc.
    Con chim động giấc gào cô đơn.

    Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa.
    Ánh sáng vang lừng điệu múa điên.
    Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
    Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên.

    Ôi! Lũ cây gầy ven bãi sụp,
    Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh,
    Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
    Hay đến ngày bờ tái tạo xanh.

    San hô mọc tủa thêm cành nhánh
    Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
    Thời gian kết đá mốc u tịch
    Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.

    Tô Thùy Yên (Đinh Thành Tiên)
    3. 1974
    (Tạp chí Văn, Sài Gòn)
    Link: http://phamxuannguyen.vnweblogs.com/post/1958/183478

  10. Hà Linh

    Giáo dục nội bộ về lòng yêu nước, hiểu về biển đảo thì không thể đợi ai đó ở bên ngoài bật đèn xanh. Mong họ nhất trí với mình chỉ là ảo tưởng. Và đừng nên coi việc nói ra tên miền đất này, tên đảo nọ là quyền ban phát của vài người. Đó là quyền của cả dân tộc này, từ người ở trong nước đến người Việt ở nước ngoài. Đôi lúc tôi nghĩ, người Việt ở Cali nổi giận vì Hoàng Sa bị lấn chiếm, ngư dân bị giết cũng nên được dân Lạng Sơn biết đến
    ———
    Em cũng nghĩ vậy.

  11. Hà Linh

    Cảm ơn anh Hiệu Minh, em chắc cũng tìm ” đảo chìm ” để đọc.
    nghĩ thương những người lính bám trụ ngoài đảo xa!

    1. Trần Đạt

      “Đảo chìm” hay và đáng đọc lắm. Hà Linh nên cố tìm đọc sớm.

  12. Bài viết của bạn làm tui cảm động lắm, lâu nay mới có người tâm huyết với quê hương

  13. Cảm ơn chú vì một bài viết rất hay. Theo giới thiệu của chú, cháu đã tìm đọc Đảo chìm của Trần Đăng Khoa, đọc xong thấy yêu biển đảo đất nước mình hơn và thấy thương các chiến sĩ hải quân vô cùng.

    Chúc chú khoẻ và tiếp tục có nhiều bài viết hay.

  14. Hoàng Sa ơi !
    =========

    Hoàng Sa ngủ vùi trong biển sóng

    Vô tận dập dồn con nước trong

    Cù Lao Chàm thương yêu vẫy gọi

    Đà Nẵng bến cảng tình chờ mong

    Bắc phương cướp rồi quân xâm lược

    Hoàng Sa máu thịt Việt Nam hồng

    Đảo nửa nụ cười nửa giọt lệ

    Ngày mai giải phóng hận đảo vong

    Nguyễn Hữu Viện

    Paris,
    Đông 1985 – Đêm chợt nhớ tiếng gọi Hoàng Sa

    Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn
    =========================

    Trần Đăng Khoa

    Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn

    Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy

    Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy

    Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời…

    Ôi ước gì được thấy mưa rơi

    Mặt chúng tôi ngửa lên như đất

    Những màu mây sẽ thôi không héo quắt

    Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên

    Đảo xa khơi sẽ hoá đất liền

    Chúng tôi không cạo đầu để tóc lên như cỏ

    Rồi khao nhau

    Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt

    Ôi ước gì được thấy mưa rơi …

    Cơn mưa lớn vẫn rập rình ngoài biển ánh chớp xanh vẫn lấp loáng phía chân trời..

    Ôi, ước gì được thấy mưa rơi

    Chúng tôi sẽ trụi trần nhảy choi choi trên cát

    Giãy giụa tơi bời trên cát

    Như con cá rô rạch nước đón mưa rào úp miệng vào tay, chúng tôi sẽ cùng gào

    Như ếch nhái uôm uôm khắp đảo

    Mưa đi ! Mưa đi ! Mưa cho táo bạo

    Mưa như chưa bao giờ mưa, sấm sét đùng đùng

    Nhưng làm sao mưa cứ ngại ngùng

    Chập chờn bay phía xa khơi…

    Chúng tôi ngồi ôm súng đợi mưa rơi

    Lòng thắc thỏm niềm vui không nói hết

    Mưa đi ! Mưa đi ! Mưa cho mãnh liệt

    Mưa lèm nhèm chúng tôi chẳng thích đâu

    Nhưng không có mưa rào thì cứ mưa ngâu

    Hay mưa bụi … mưa li ti… cũng được

    Mặt chúng tôi ngửa lên hứng nước

    Một hạt nhỏ thôi cát cũng dịu đi nhiều…

    Ôi đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu

    Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo

    Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão

    Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong đập trái tim người

    Như đá vững bền, như đá tốt tươi…

    Mưa vẫn dăng màn lộng lẫy phía xa khơi

    Mưa yểu điệu như một nàng công chúa

    Dù mưa chẳng bao giờ đến nữa

    Thì xin cứ hiện lên thăm thẳm cuối chân trời

    Để bao giờ cánh lính chúng tôi

    Cũng có một niềm vui đón đợi…

    1982- Trần Đăng Khoa

    Sinh Tồn – tên một điểm đảo nằm ở vĩ độ 9’ kinh độ 114’21 giây 00 Bắc và Đông có ý nghĩa chiến lược đối với quần đảo Trường Sa.

  15. hieuminh

    Một người bạn gọi phôn nhắn rằng, chỉ cần mỗi người đọc “Đảo chìm” một lần thì hiểu biết và cách nhìn về biển đảo Viêt Nam sẽ thay đổi.

    Đôi khi sức mạnh mềm nằm trong sự hiểu biết hơn là vũ khí hay la lối om xòm.

    Anh cũng tip, nên theo dõi người đọc trên VN Thư quán.

    Ngày 11-6-2009 @ 2:00 sáng. Đảo Chìm. Số lần đọc: 18708.

    Để vài ngày quay lại xem số bạn đọc có khác không.

  16. Văn Tư

    Anh đúng là một người VIỆT NAM, yêu Tổ quốc dù anh ở xa quê. Trân trọng tấm lòng của anh. Cảm ơn anh nhiều lắm.

  17. duymanvu

    “Đảo Chìm” của Trần Đăng Khoa thật hay. Mình đọc đã từ lâu lắm rồi. Cuối cùng Hiệu Minh cũng vẫn viết được về đảo mặc dù chưa bao giờ ra đảo, mà lại viết hay. Chúc mừng.

Comments are closed.