Vụ Container đông lạnh: Quê nghèo chui vào chả sao

Vụ người chết cóng trong container đông lạnh khi vào Anh làm tôi nhớ lại gia đình tôi cũng có vài người từng mưu sinh đi xa.

Công dân toàn cầu 1: 13 tuổi lấy vợ, 14 tuổi vượt biên

Bố tôi lấy mẹ lúc ông 13 tuổi và bà 11. Về ở với nhau, bố nằm tràng kỷ, mẹ nằm với bà nội vì ngần ấy tuổi biết gì mà ngủ với nhau.

Những năm cuối 1930, ông nội sai mấy ông con trai đang tuổi lớn trong đó có bố tôi 14-15 tuổi đi bộ sang Lào để làm ăn. Cứ đường rừng mà đi, dọc đường đoàn Trường Yên mấy chục người lếch thếch, vừa đi vừa gõ cái thùng sắt tây để đuổi hổ báo. Lúc hết tiền phải đi ăn xin, thế mà vài tháng cũng tới nơi.

Bố thường kể cho tôi nghe, có lần đi đường rừng, nghỉ lại nấu cơm. Đang đun chỗ gốc cây, bỗng con trăn gấm to bằng cái cột nhà bị nóng quá vùng chạy. Hóa ra nó đang rình vồ một người.

Đang làm ăn khá, bán bánh cao lâu được một thời gian, xảy ra chiến tranh Lào Thái, lính Xiêm (Thái Lan) tấn công, thế là mấy anh em bỏ của chạy lấy người, lại cuốc bộ mấy tháng quay về cố hương.

Có lẽ đó là lớp người hội nhập sớm nhất từ vùng quê này và trong gia đình bố tôi là số 1. Đi qua rừng thiêng nước độc, thú dữ lẩn quất, khác gì chui container.

Thế hệ F3: Suýt nhờ chuyên cơ sang Kim Chi

Nứa thế kỷ sau, cuối 1990, chị Tuyết của tôi có con trai lớn gửi tôi trông nom ngoài Hà Nội cho học và cố thi vào đại học nhưng kết quả được 1 điểm. Hết hy vọng, cháu đi làm thợ nhôm kính (may không phải Vũ) rồi quen một anh.

Anh này bảo muốn đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc cứ bỏ ra 5 cây vàng (1997-1998 = mua vài trăm mét đất ở Đồng Xa) là xong. Cháu ngỏ ý muốn vay tôi vài chỉ để đưa anh này đi ăn rồi ngoại giao karaoke với anh bên dịch vụ. Bà chị ngong ngóng con sẽ đổi đời nếu tôi có 5 cây cho vay, khi nào cháu làm ăn tốt sẽ trả.

Hơi nghi ngờ nhưng tôi vẫn cho cháu vài trăm đi ăn uống rồi về kể lại. Cháu bảo, mọi việc sẽ OK nếu đưa trước 2 cây, sang Hàn rồi họ lấy nốt 3 cây. Đến đoạn này thì tôi bảo, cậu không có 5 cây đâu vì cả nhà tôi lúc đó có 3 cây, đào đâu ra 2 cây kia. Cây xà cừ cũng chả có bọn nó đốn rồi.

Khi tôi muốn nói chuyện trực tiếp thì hai anh cò mồi lại lảng. Đương nhiên đi Hàn không thành và cháu vẻ oán trách cậu ky bo. Biết làm thế nào nhưng nhìn cháu thật thà và dễ tin, tôi nghĩ cháu dễ chui container như thế hệ sau này, còn nhờ chuyên cơ chị Ngân thì sau này mới có.

Thế hệ F2: Công dân toàn…cuốc

Những năm đầu 1990, cô Hiền là em gái áp út, tính thật thà như đếm, cãi nhau với ai không nổi chỉ khóc lại sợ ma. Sinh ra đầu những năm 60s, lúc nhà nghèo khủng khiếp, quần áo lúc nào cũng rách tơi tả, cơm ăn không có, toàn khoai sắn qua ngày.

Tôi đi Ba Lan về mua mấy cái xe đạp để các em đi học xa 6-7km không phải cuốc bộ như ông anh. Nhưng rồi xe hỏng, chẳng ai nên cơm cháo gì. Hiền học cấp 3 được vài năm rồi nghỉ luôn ở nhà làm ruộng. Mẹ thường cho rằng con gái sẽ đi làm dâu nhà người, đầu tư cũng phí, làm cho bố mẹ ngày nào hay ngày ấy. Hồi ấy em ngoài 30 tuổi vẫn chưa chồng, ở quê coi như ế.

Có lần mình về quê và hỏi em Hiền đâu. Mẹ bảo, Hiền đi theo con gái của bác Đuốc với bà vợ hai sắp đi Nam đang đợi ở nhà chị Bích. Bác Đuốc là anh trai của mẹ, từng đi sang Cao Miên (Campuchia) rồi không về, nghe nói lấy vợ khác ở Miên rồi mất từ mấy chục năm trước.

Bác Đuốc gái ở vậy từ lúc 18 tuổi, nuôi con gái là chị Bích xinh đẹp nhất vùng. Bác Đuốc gái cũng mất lâu rồi. Chị Bích lấy anh Hiến ở thị xã Ninh Bình.

Đận ấy bỗng nhiên có bà chị họ “bắn tên lửa” này từ Nam ra nhận họ hàng, được tiếp đãi ân cần. Rồi bà “chị họ xa xa” ấy rủ vài cháu gái ở quê đi theo trong đó có em Hiền là OK luôn.

Tôi linh cảm chuyện không hay liền xuống nhà chị Bích. Hỏi ra thì biết em hôm sau lên tầu vào Nam. Hỏi chuyện, chị người lạ ấy bảo, sẽ đưa em Hiền vào Nam để bán quán café, rồi cưới chồng. Trông mặt và trao đổi tôi không tin lắm. Anh Hiến cũng nói, phải nghĩ cho kỹ vì họ hàng đấy nhưng biết rõ đâu.

Tôi gọi riêng em Hiền ra bảo, em định đi thật à. Em bảo ở nhà không có việc làm, buồn chán, nghề nông, dễ ế chồng. Hỏi, em có biết chị này ở đâu không? Nhà cửa thế nào? Nếu em gặp chuyện gì thì anh lại phải đi tìm em thì biết tìm chỗ nào, nghĩ bụng kiểu gì bố mẹ chả sai lão Cua. Khuyên bảo ân cần, cái được và mất, cuối cùng em quay về.

Giờ tôi cũng không biết bà chị họ này ở đâu. Chú em họ vào đó làm toàn đi rửa bát cho quán, cuối cùng hồi hương vì chán quá. Hỏi anh Hiến thông tin biết thêm về gia đình kia nhưng không tiện kể.

Lúc đó tôi làm ở World Bank (1995) và sang Mỹ công tác hơn 1 tháng nên nhờ em Hiền ra Hà Nội trông nhà, ở một mình không sợ ma. Được người bạn giúp đỡ, đưa đi chơi, cho ăn uống, rồi tặng hàng đống báo cho đọc về chuyện lừa đảo các cô làm quán café rồi ép thành mại dâm, lúc ấy em mới hiểu rõ.

Đi Mỹ về anh làm quà cho em cái đồng hồ nữ xinh xinh mua ở Hồng Kông, Hiền cứ nghĩ nằm mơ và em bảo, may mắn có anh tỉnh nhất. Lạ là ở nhà không ai can ngăn, coi đi xa là chuyện như chui container rồi lại chui ra, bố 14 tuổi đi bộ sang Lào vẫn về được.

Nói thật nhé, tôi tiếc tiền nên không cho em và cháu thành công dân toàn cầu/cuốc. Mất tiền, em vào động mại dâm, cu cháu kết thúc cũng là một kiểu chui đường hầm không có đường ra.

Thế hệ Cua: Công dân đi … cầu

Năm 1989 lão Cua đi London 4 tháng với một số anh em trong viện IT. Có bác VK hỏi thăm có ai chưa vợ thì bác gả con gái cho và ở lại rất dễ. Cả nhóm chỉ vào Cua nhưng y lắc.

Sau cứ tiếc mãi. Nhắm mắt bán mình có khi giờ đang trồng cỏ. Không làm rể London một phần do y tiếc tiền đã mua nhà 13m2 ở Đồng Xa với giá 4 chỉ vàng trong khi ở lại được 400 cây ++.

Lão Cua vào “cái container made in USA” rồi cũng theo đường “hàng không” về Ninh Bình do tiếc cái nhà 4 chỉ. Tóm lại, không có số hội nhập, ky bo tiếc tiền, giờ lão ý là công dân đi…cầu ở hồ Tây.

Kết luận, muốn không bị họa đổ lên đầu, tiếc tiền là điều hay. Thật ý mà 🙂

HM Cua

133 thoughts on “Vụ Container đông lạnh: Quê nghèo chui vào chả sao

  1. ChânĐất

    Thầy chủ nhiệm mê bóng đá một hôm hỏi học sinh ai mê bóng đá như thầy thì dơ tay lên.

    Cả lớp ai cũng dơ cả hay tay. Thầy đếm đếm số tay dơ lên thầy cứ sướng ơi là sướng. Nhưng vẩn thấy chưa đủ vì cu Tèo cuối lớp ngồi im không chịu dơ tay lên như chúng bạn

    Thầy chủ nhiệm hỏi tèo sao em không mê không thích bóng đá ?

    Cu Tèo trả lời : mẹ em không thích bóng đá, bố em chiều mẹ nên cũng bỏ không mê bóng đá.

    Thầy khuyên Tèo phải biết độc lập và làm theo phong trào. Nếu mẹ em ngu, bố em đần thì sao ?

    Tèo trả lời lễ phép rằng trong trường hợp đó thì thưa thầy em sẽ mê bóng đá !

    (sưu tầm trên mạng)

    1. ChânĐất

      Truyện tiếu lâm gốc đó đã không đề cập đến bóng đá mà về chọn lựa giữa hai hệ thống tư bản (trắng) và XHCN (chân chính).

      Tôi đã biên tập lại cho nó lành.

  2. Aubergine

    Tôi thật sững sờ khi nghe tin anh đã ra đi. Xin thành kính chia buồn với gia đình anh Tâm.

  3. Cốt Thép

    Cụ đã đi rồi sao? Cụ Tâm ơi!
    RIP. Cụ.

    Cụ kín tiếng quá!
    Đọc các cmt của cụ TamHmong trong Hang Cua, đọc các bài viết của cụ Trần Công Tâm trong Việt Times … tôi cứ đinh ninh cụ là giáo sư sử học hay xã hội học gì đó…

    Cụ bàn rất rộng, nhiều vấn đề … Cmt của cụ thường dài😀.
    Có lần tôi ngưỡng mộ một Cmt dài của rằng: cụ TamHmong viết dài mà không thừa MỘT CHỮ.

    Tất nhiên cũng có Cmt cụ TamHmong viết dài lê the, thừa nhiều chữ (theo ngu ý của tôi😀.)

    Vì tôi nghĩ cụ là giáo sư sử học … nên tôi cũng hay “soi mói” các cmt của cụ.😀

    Ai ngờ cụ TamHmong là nhà vật lý. Nếu biết vậy, tôi đã ít “soi mói”.

    Nam Mô A Di Đà Phật!
    Cầu Mong Hương Linh Cụ Sớm Về Cõi Tây Phương Cực Lạc.

    1. Cốt Thép

      P/s: Mặc dù tôi hay “soi mói” các cmt của cụ TamHmong nhưng cụ vẫn vui vẻ.

  4. KS

    Xin thắp một nén hương tiễn đưa ông Trần Công Tâm về miền cực lạc. Chúng ta vĩnh biệt Ông, Cua hanger TamHmong, facebooker Tam Tran. Mỗi comment của ông trong hang luôn hàm súc một điều gì hay ho, mới mẻ. Ông là đại diện cho những tinh hoa kế thừa của những thế hệ Tây học, tham gia kháng Pháp và còn giữ trong mình những lý tưởng đẹp đẽ của một thời. Cái chất kẻ sĩ tinh túy của người Việt Nam qua bài viết của Ông về quí tộc Việt Nam trước sự lựa chọn sống chết như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương… Thác là thể phách, còn là tinh anh…Bái biệt Ông.

  5. PV. Nhan

    * Hang Cua nay trở thành nơi mọi người gặp gỡ tâm sự vui buồn. Bỏ qua mọi chuyện…
    – Buồn nhất: Bác Tâm Hmong không còn. Thương mến. Tôi nhớ có còm sĩ gọi bác là Tâm Hở mông…Tôi vẫn đọc bài của bác dù bác viết rất ít. Ngược lại, bác đọc khá kỹ bài tôi viết kèm nhận xét. Tôi không trả lời do phạm vi Hang Cua hạn chế. Nhưng tôi nhận ra bác là người chừng mực cẩn trọng, tôi quý trọng bác. Kính chúc bác yên nghỉ…

    1. Mike

      Tôi đoán cung cách quý tộc có thể thấy được ở con người cụ ấy. Học cao, hiểu nhiều biết rộng, tầm nhìn bao quát từ giáo dục, văn hoá, tới kinh tế và chính trị. Chưa kể kỹ thuật và vật lý là nghề của cụ ây. Trí thức biết phản biện nhưng cư xử điềm đạm và hết sức lịch thiệp. Cụ ấy thuộc mẫu người tinh hoa của nước Nam.

    2. TM

      Điều mà tôi phục ở bác THM là đầu óc rộng mở, sẵn sàng nhận thấy cái hay của người khác, của “phe” khác, không phân biệt địch-ta bạn-thù.

      Xem ra bác ấy không kiên định lập trường bằng cụ Dove, nhưng chính vì thế mà được mọi người quí mến.

      1. CanadaDry

        Bác THM và cụ Dove đều cùng gốc miền nam , THM người Gò Công quê hương Trương công Định , Nam Phương Hoàng Hậu …Dove người Bến Tre quê hương Nguyễn thị Định …

        Gò Công , Bến Ttre chung một dòng sông , bên lỡ bên bồi …nên con người tất khác nhau …Quấc Giang Nam khác với quấc Giang Bắc là vậy …

  6. TM

    https://www.danluan.org/tin-tuc/20191031/hay-chan-cung-da-mem

    Hãy chân cứng đá mềm

    Phan Thị Anh Thơ

    Tác giả gửi tới Dân Luận

    “Trồng cỏ” dưới tầng hầm.
    Linh tính từ phút đầu

    Hai giờ sáng, giờ Vancouver, công việc dường như vô tận. Tôi mệt quá, ngồi xuống nghỉ ít phút. Mở bản tin Reuters thấy: “Police say 39 dead in truck near London believed to be Chinese”

    Cảm giác ớn lạnh chạy dọc tủy sống. Linh tính báo cho tôi biết chuyện không lành. Ba mươi chín kẻ bất hạnh trên hẳn phần lớn là người Việt. Tôi thầm nghĩ khi đọc những dòng đầu tiên của bản tin.

    Tôi ở Canada trên 30 năm. Tôi chưa thấy một người Trung Quốc nào đi “Trồng cỏ” hay làm “Nails”.

    Trồng cỏ

    Để tôi kể bạn nghe. Trước và sau năm 2000, cộng đồng người Việt ở Canada (chỉ Canada thôi, không thấy ở Mỹ) có phong trào trồng cannabis (marijuana, weed, pot, bud, ganja) lậu, trong nhà. Người Việt dùng tiếng lóng gọi là “Trồng cỏ” (trồng cần sa, bồ đà).

    Tôi ít chữ quá, không đủ ngôn từ mô tả phong trào này sâu rộng trong cộng đồng người Việt ở Canada như thế nào.

    Nhà nhà trồng cỏ, người người trồng cỏ. Mở nhà hàng tầng trên, tầng hầm trồng cỏ. Giả vờ giữ trẻ tầng trên, tầng dưới trồng cỏ. Mua cả ba căn nhà cạnh nhau, căn giữa trồng cỏ. Bác sỹ, dược sỹ, người giàu bỏ tiền cho bệnh nhân hoặc người quen trồng cỏ thu lời.

    Tờ báo lớn và uy tín nhất Canada, The Globe and Mail, 25/3/2000 mô tả những vụ đấu súng kéo dài đổ máu và án mạng trong cộng đồng người Việt. Chỉ riêng ở thành phố Vancouver, cảnh sát ước tính có tới 7000 cơ sở trồng cần sa của người Việt, hơn 80% trong số này dưới sự điều hành của các băng đảng người Việt.

    Để phục vụ cho nhu cầu trồng cỏ, hàng loạt các dịch vụ ăn theo. Bán đất trồng, phân bón, hormone kích thích, thùng, chậu, bóng đèn cao áp, ống tưới nước, giống, hạt v.v.

    Những tờ báo tiếng Việt địa phương, quảng cáo, công khai: Có các “chuyên gia” giàu kinh nghiệm, tận tình kín đáo, hướng dẫn cho khách cách gieo hạt, trồng tỉa, tưới, chiết cành, chăm bón, thu hoạch, bảo quản và phần phối ra thị trường.

    Các “chuyên gia” còn hướng dẫn cách câu điện lậu, mắc ống nước chui, cách ngụy trang, cách đánh lạc hướng, cách đối phó khi bị phát hiện, cách đánh lừa cảnh sát.

    Những người trồng cỏ đều hiểu. Hệ thống tư pháp Canada khá nhẹ tay, thậm chí nhân đạo. Tù tội nhẹ nhàng như một cuộc dạo chơi. Hơn nữa, những năm đầu, cảnh sát Canada khá lúng túng vì rào cản ngôn ngữ và văn hóa rất khác biệt.

    Trồng cỏ thường đi liền với nhà hàng và làm nails. Chồng trồng cỏ, vợ mở tiệm nails hoặc nhà hàng, che mắt thế gian, rửa tiền.

    Cộng đồng người Việt trên mọi miền đất Canada, từ thành phố lớn vài triệu dân cho tới những thị trấn nhỏ vài ngàn, từ Montreal tới Vancouver, từ Toronto tới Calgary, từ miền đông qua miền tây, cả những khu tự trị heo hút vùng Bắc Cực, cứ ở đâu có người Việt là ở đó có trồng cỏ, tiệm nails, nhà hàng và bán hàng hot (đồ ăn cắp, bán giá rẻ)

    Thoạt đầu, nó phát triển trong nhóm người “Tàu Bắc”(người Tàu ra đi từ miền Bắc), và ngưới Bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa). Sau đó lan qua cộng đồng người Nam. Phong trào rầm rộ và, sâu rộng. Mỗi dịp tiệc tùng, cưới hỏi, sinh nhật, lễ tết là người ta ngồi bàn, tán dóc, bốt phét chuyện trồng cỏ.

    Người Việt hốt bạc một thời. Tất nhiên những hệ lụy kèm theo băng đảng, cướp, thù hận, thanh toán lẫn nhau, đổ máu, tù đày và tính mạng.

    Phong trào trồng cỏ từ từ tàn lụi khi bước qua thập kỷ thứ hai của thế kỷ này. Đặc biệt, khi chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau thông qua đạo luật được trồng, bán, dùng cannabis (marijuana) công khai. Phong trào trồng cỏ trong cộng đồng người Việt chính thức khai tử. Giờ đây, không thấy ai nói về nó nữa.

    Lan qua Âu châu

    Ngược dòng thời gian, khoảng từ 2001 tới 2007, nhiều người Việt từ Âu châu qua Canada học kinh nghiệm trồng cỏ. Những người Tàu Bắc, người Bắc vẫn là nhóm tiên phong.

    Tiếp theo, là tầng lớp ưu tú của miền Bắc Việt Nam trước đây qua Đông Âu và Liên Xô du học kết hợp với nhóm xuất khẩu lao động. Nhóm này có học, biết cách tổ chức băng đảng, nắm vững địa hình từ Liên Xô, qua Đông Âu, Tây Âu tới Anh quốc.

    Phần lớn họ là những người thuộc các tỉnh Bắc Trung bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, và Quảng Bình. Họ có những mối quan hệ rất rộng trong nước dưới danh nghĩa “Đồng hương.”

    Không cản bước ta đi

    Tại sao “Trồng cỏ” nở rộ ở Canada mà không ở Mỹ? Tại sao Trồng cỏ nhiều ở Vương quốc Anh, mà ít thấy ở quốc gia Âu châu khác?

    Nhường lời cho những nhà xã hội học. Còn tôi chỉ đưa ra đôi lời phỏng đoán. Đó là thị trường béo bở, dễ hốt bạc. Hệ thống pháp lý của Canada rất giống với Vương quốc Anh không quá hà khắc với trồng cỏ. Hệ thống an sinh xã hội nhân đạo với di dân (ngay cả di dân bất hợp pháp).

    Đó là sức hút, lực hấp dẫn vô hạn cho người muốn tới. Hơn nữa, những “Soái”điều hành mạng lưới trồng cỏ, thường thích tuyển dụng những người “Đồng hương”con em ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình là những con người chăm chỉ, kiên cường, chịu đựng, dũng cảm đến mức liều mạng.

    Tôi không tin, sau biến cố này, họ dừng lại. Họ vẫn ra đi. Từ nhỏ, họ đã thuộc long: “Không kẻ thù ngăn cản bước ta đi”. Họ dư thừa bản lĩnh và tài năng để “thua keo này, bày keo khác”.

    Cho tôi chia buồn với gia đình Ba mươi chín nạn nhân. Tôi cầu nguyện cho linh hồn các em. Cái chết của các em là bài ca bi thương cho nhân loại. Các em là những người vô tội. Mưu cầu một đời sống khá hơn là vô tội nếu không nói là rất đáng khâm phục.

    Tôi chúc những em đang chuẩn bị ra đi hãy “Chân cứng đá mền”.

    Cuối tháng Mười, 2019
    Vancouver, Canada
    Phan Thị Anh Thơ

    1. tào lao

      … Tôi nhớ những ngày thu đã xa.
      Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội .
      Những phố dài xao xác heo may.
      Người ra đi đầu không ngoảnh lại !
      Sau lưng thềm nắng, lá rơi đầy…
      Cả bài thơ ” Đất nước ” của Nguyễn Đình Thi khá dài, nhưng tôi chỉ thuộc mấy câu mở bài như vậy đó, vì …hay quá ! Bài thơ được viết rất lâu rồi. Viết cho những người và những trường hợp khác. Vậy mà cái câu” Người ra đi đầu không ngoảnh lại” nghe chừng như không cũ !

  7. Kinh Bắc

    Xin được mượn nơi này để nói lời vĩnh biệt với một thành viên nổi tiếng và có nhiều đóng góp lớn cho cộng đồng hang ta.
    Tạm biệt ngài và mong ngài an nghỉ. Tam H.mongM

      1. Hugoluu

        Cụ đã đi rồi Tam-Hờ -Mông!
        Hang Cua vẫn đợi vẫn chờ mong
        Người về chín suối hồn phiêu lãng
        Lãng đãng chiều đông bông tuyết bay
        Thôi thế từ nay Hang trống vắng
        Một thoáng nước Nga ở chốn này.

        R.I.P.

    1. Trungle118

      lại 1 người nữa ra đi. Chúc Bác lên thiên đường vui vẻ, an lạc.

    2. KS

      R.I.P Ông, thật bàng hoàng. Một trí tuệ lịch lãm, một tâm hồn nhân hậu.

      1. Hoàng Cương

        Lúc bác TamHmong còn tham gia – Hang Cua rất sôi động. Tui cũng châm trích bác vài còm ❤ thế mà nhanh thế!!!!
        Nhẹ lòng nha!

        1. Hoàng Cương

          Tui không nghĩ là cụ Phan Bội Châu, cụ Phần Chu Trinh, ông Hồ Chí Minh, cụ Trần Đại Nghĩa, cụ Lương Đình Của…. phải quay về nước để thực dân cầm tù, mà không chọn cuộc sống tha hương , thoái thác nghĩa vụ cho người khác?

          ….Sau đó sẽ trở về, Đương nhiên là một Việt kiều yêu nước, tui không có ý định coi thường ai. Nhưng cũng phải nhìn nhận sòng phẳng!

      2. Ngọ 1000 ngàn usd

        Vĩnh biệt Anh, một còm sĩ trí tuệ và chuẩn mực của hang.

    3. TM

      Ồ đau buồn quá! Bác THM chưa lớn tuổi lắm mà sao vắn số thế?

      Cảm ơn bác Kinh Bắc đã cho biết. Bác có biết vì sao bác THM lại ra đi sớm thế không?

    4. Khan

      Xin vĩnh biệt TamHMong! một người hiểu và yêu nước Nga tận Tâm; Có nhiều bài viết để hang cua hiểu thêm về tình hình nước Nga hiện nay

      1. ChânĐất

        Yêu, có chừng mực.

        Không yêu mù quáng đến độ cho rằng đồng hồ LX tốt hơn đồng hồ TS.

    5. huu quan

      xin vĩnh biệt một Hangper có tiếng. Xin chia buồn với gia đình bác Hơ- Mông

      1. ChânĐất

        Anh Trần Công Tâm nổi tiếng lắm nhưng kín tiếng. Quá khiêm nhường. Con của một cựu bộ trưởng, thời toàn người BT tài giỏi.

      1. PV. Nhan

        * Vô cùng thương tiếc bác Tâm- Hmong. Con người chừng mực cẩn trọng. RIP!!

  8. ChânĐất

    Thỉnh thoảng tôi có còm phải đợi duyệt. Do tôi đưa còm qua ngả ấy.

    Thử xem Cụ chủ nhà vạch lằn đỏ nơi đâu.😀

    Chung chung thì khá xa, đủ thoải mái rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn nên kiểm lại ? 😁

  9. huu quan

    Một bài rất buòn của nhỏ em viết về quê hương. Trình các cụ:
    “THƯ TỪ MIỀN TRUNG
    Mẹ tôi nói, mấy ngày ni, tin tức 39 người chết trong thùng container tại Anh được báo, đài, loa phát thanh ở nhà đưa liên tục. Một ngày đưa mấy lượt. Đầu xóm tới cuối xóm, ở mô, người ta cũng bàn tán chuyện ni. Đi cũng chết, mà không đi rồi cũng héo mòn mà chết con ạ. Ở cái xứ “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ni, biết làm chi mà sống?
    Mẹ cũng nói, tuần trước bão về cuốn mất 5 sào ngô của mẹ (một sào ruộng ở Trung bộ tương đương 500m2). Mẹ lẩm nhẩm, nếu thời tiết mà ổn, Noel ni là mẹ có mấy chục triệu đồng. Nghe giọng mẹ qua điện thoại, lại hình dung ra cái dáng lúi cúi xuống đồng sớm để nhặt cỏ, bón phân ấy, rồi nghĩ về số tiền mà mẹ tôi gọi là “tiền của mẹ”, bỗng dưng thấy xót xa. Có tiền nào của mẹ, tiền của trời đó chứ!
    Cũng là quê tôi, mới cách đây hơn một tháng, dịch lợn châu Phi bùng phát, người dân lại thêm một phen dáo dác. Con lợn không phải là đầu cơ nghiệp nhưng chúng là của để dành, phòng những khi nhà có việc hoặc hoạn nạn thì bán lấy tiền. Nhìn dãy xe tải chở xác lợn, nối đuôi nhau đi tiêu hủy, tôi biết, có không ít người chảy nước mắt, trong đó có mẹ. Tuần trước gọi điện về hỏi người ta đã hỗ trợ tiền chưa, mẹ nói, nửa năm đến một năm mới có. Nhà người khác “dính” đợt dịch lợn trước đến bữa rày còn chưa nhận, nói chi nhà mình. Nhà mình nuôi 5 con nhưng có nhiều nhà làm trang trại, nuôi hàng trăm con, có lẽ người ta điêu đứng lắm.
    Người ta vẫn nói, làng quê Việt Nam yên bình, kiên cố sau lũy tre làng. Nhưng giờ đây, điều đó không còn đúng nữa. Nằm dọc quốc lộ 1A sầm uất, tốc độ đô thị hóa diễn ra ở Diễn Châu quê tôi chóng vánh hơn những địa phương khác của tỉnh Nghệ An một cách đáng kinh ngạc. Sau kinh ngạc chính là không có cách nào đỡ được. Không còn một bụi tre nào, cây cối càng ngày càng ít đi, những con đường xi măng trải từ đầu làng tới cuối làng. Nghe đâu, bê tông hóa thì mới đạt chuẩn nông thôn mới! Trong khi đó, đất nông nghiệp càng ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho trung tâm thương mại, xây chợ, mở đường,… Sau khi “ném” một khoản tiền gọi là tiền đền bù đất nông nghiệp khoảng 80 triệu đồng/ một sào, không ít người nông dân tự nhiên thành người vô công rồi nghề trên mảnh đất mà cha ông họ canh tác từ đời này qua đời khác. Người nhanh nhạy thì dùng tiền đó mua một ki-ốt để bán hàng ngoài chợ. Có người vay mượn thêm ngoài số tiền đó xây nhà cao tầng mà bên trong không có một vật dụng gì giá trị. Có người đổi xe, rồ ga chạy ầm ầm từ đầu làng tới cuối làng. Có người nướng hết vào bài bạc, ăn chơi phè phỡn, hút chích… Chẳng mấy chốc, quê tôi trở thành một trong những điểm nóng về tệ nạn xã hội của tỉnh. Cái làng quê đó, giờ đây đã không còn yên bình và đã biến mất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Còn nhớ một bữa gọi về, mẹ đang lụi cụi làm đồng một mình. Mẹ nói, ngày xưa đi làm đồng đông người, nói chuyện ríu rít vui lắm. Giờ nhìn đi nhìn lại, chỉ có vài ba người, mỗi người một góc. Những nhà còn ruộng, có không ít người bỏ hoang vì mùa màng thất bát, thu nhập bấp bênh.
    Đất ấy, người ta không tìm cách bỏ đi mới lạ.
    Trong thực tế, trừ bộ phận viên chức có đời sống ổn định, những người phất lên nhờ làm ăn buôn bán, những người già, trẻ em, những thanh niên ăn chơi lêu lổng sống tầm gửi vào bố mẹ, những người nông dân còn bám trụ lại, đa số thanh niên bỏ đi mang theo giấc mơ đổi đời. Tôi tin, 39 con người trên chuyến xe định mệnh ấy, đều ra đi với một giấc mơ đẹp đẽ của mình.
    Vì vậy, đừng ai hỏi, với số tiền tỉ đó, sao không ở quê mà “khởi nghiệp”, vì sao lại chọn cách vứt bỏ chính mình, vứt bỏ xuất thân, lai lịch, để bước chân vào số phận của những kẻ “buôn không gian”, mở đầu bi kịch của những “người rơm” mắc kẹt giữa những mảnh đất xa lạ. Vì không còn con đường nào khác! Ra đi để được sống, có ai nghĩ ra đi để rồi chết bi thảm như thế? Vì vậy, mới có những làng xuất khẩu trải khắp từ Bắc vào Nam. Nhưng ở những vùng đất càng khắc nghiệt, số người lựa chọn ra đi càng lớn; vì thế, Nghệ An cùng với Hà Tĩnh, Quảng Bình, … trở thành những địa phương có tỉ lệ lao động bất hợp pháp cao nhất nước ta, bị một số nước Châu Âu, châu Mỹ lẫn Hàn Quốc “dán thẻ đỏ”.
    39 thi thể đông cứng trên hành trình mang theo khát vọng đổi đời. Không ít người vin vào đó để công kích chính quyền, thể chế. Có người nói, nếu sinh ra ở một quốc gia khác, có khi họ không có một cái kết bi thảm như vậy. Bạn có chắc không? Cần nhớ, nhập cư trái phép đang trở thành vấn nạn toàn cầu; không chỉ ở Việt Nam.
    Tuy nhiên, quản lí nhà nước cũng không thể nào đứng ngoài cuộc. Câu chuyện 39 người chết trong chiếc container định mệnh ấy, đặt ra nhiều thách thức liên quan đến nền kinh tế nông thôn mà Việt Nam đang phải đối mặt, giải quyết. Làm thế nào để giải quyết công ăn việc làm, phát huy năng lực sản xuất của người dân tại chỗ – câu hỏi đó không dễ trả lời. Và liệu những thành tựu về chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới trong thời gian qua được đăng tải nhan nhản trên các phương tiện truyền thông, dựa trên số lượng bao nhiêu đường bê tông được xây, bao nhiêu số nhà cao tầng được mọc… hay dựa trên sự phát triển bền vững nội tại từ chính địa phương đó?
    Chúng ta từng có cả một hệ thống tái phân bổ nguồn lực quốc gia, chứ không phải không có. Chẳng hạn như: Chính sách 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là chương trình 135); Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020,… và nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo khác… Vấn đề ở đây, với những chương trình này, mức độ phân bổ đủ chưa? Sử dụng nguồn ngân sách hợp lí, hiệu quả chưa? Có bộ phận giám sát, kiểm tra điều đó không?
    Khi đến một vùng đất nào đó, tôi thường có thói quen để ý, hỏi han người dân ở đó làm gì. Không giống như những đô thị, thị trấn sầm uất, khi đặt chân đến những làng quê xa xôi, hẻo lánh, một cảnh tượng thường thấy nhất đó là bộ phận thanh niên lêu lổng ngồi ở đầu làng; ở các đảo nhỏ, là cảnh những tốp người cả già lẫn trẻ, chờ khách du lịch đến là xúm đến để hỏi anh/chị/cô muốn đi đâu, để họ chở đi. Họ sống qua ngày đoạn tháng nhờ cái gật đầu của khách.
    Vì nếu không, họ cũng chẳng biết làm gì.
    Từ trên cao nhìn xuống, Sài Gòn, Hà Nội, hay bất cứ thành phố phát triển nào đều lấp lánh những ngôi sao. Những ngôi sao tỏa ra nhờ ánh điện, nhờ tiện nghi, vật chất và sự đủ đầy. Ở quê tôi, đêm về, đã không còn vẻ tĩnh mịch yên bình trong đêm sâu nữa. Từ trên cao nhìn xuống giờ đây có cả những vì sao mới, những vì sao tỏa ra nhờ ánh điện của club, của những nhà hàng karaoke, bar, vũ trường ăn chơi thâu đêm, kế đó là những ngôi nhà ánh đèn leo lét, cửa vẫn mở và những ông bố bà mẹ bạc tóc chờ những cậu con trai, những cô con gái đến tuổi lớn, đi chơi chưa về”.
    Đậu Đậu

  10. ChânĐất

    Và cũng đừng quên nạn đánh giầy hét giá lường gạt du khách, taxi dỏm với công tơ chạy vù vù.

    Dẹp luôn BOT ăn gian bắt chẹt.

    Dẹp luôn nạn buôn tâm linh cầu vong mê tín, phá đồi xây chùa to.

        1. ChânĐất

          Micha vẫn còn tiêu sang, chưa tôn trọng môi trường hay chưa hà tiện bằng tôi.

          Máy di động của tôi đã cũ cũng gần 10 năm. Thuê bao mỗi tháng chỉ tốn 1,99 Ơ-Rô.

          Tôi vừa mới mua một chiếc di động nữa. Cùng một kiểu để phòng hờ khi máy cũ bị hỏng không còn linh kiện để sửa. Máy mới mua hoàn toàn mới nhưng đời cũ nên rất rẻ, chẳng ai điên đi mua máy mới nay không còn sản xuất nữa. Mà nếu điên điên muốn mua cũng khó tìm ra được nơi còn hàng chưa cắt chỉ.

          Không phải tôi hà tiện nhưng không muốn chạy theo quảng cáo hay phong trào lúc nào cũng phải dùng kiểu mới nhất.

      1. ChâbĐất

        Gần 20 “bài” viết ấy kể lại kinh nghiệm sống và nhữnh mảnh đời tha hương làm ăn nơi xứ người. Không xa chủ đề nhiều.

        Nếu tinh mắt sẽ tìm thấy trên phây-búc đó một bài 100 % dính đến chủ đề nóng bỏng mà Cụ Cua đã đưa ra.

        Tb: tôi chỉ tiếc rằng Cụ chủ nhà đã phải đợi đèn xanh còn Cụ trẻ 70 tuổi thì đã quá vội thổi “tò te tí te, tò te tí te:. Trong khi đa số còm sĩ vẫn lạc đề nhưng không ai đã lạc điệu. Ai cũng hay, mỗi người một vẻ như những nghệ sĩ trong một giàn giao hưởng. Đa đa là Thế ? 😀

        1. ChânĐất

          It’s my pleasure.

          Tôi không biết viết, không biết đọc. Có đọc cũng chẳng hiểu.

          Tò mò, nhưng ngớ ngẩn nên thường trúng ……mối vì trời thương.
          😀

  11. Ngọ 1000 ngàn usd

    Cạnh nhà tôi ở quê có một cậu khi còn 5-6 tuổi hay ôm con gà chọi nhỏ sang gạ mẹ tôi mang gà ra chọi với gà nó. Khổ nỗi, mẹ tôi có gà chọi đâu. Lớn lên, ông bố là trưởng CA xã lo cho nó được một suất XKLĐ Hàn. Sau vài năm nó cõng được một chị và một em sang. Năm xưa tôi về quê đi qua nhà ông bố mời vào nhà uống nước. Hỏi thăm thằng cháu hay gà sang đòi chọi đã về chưa? Lão hãnh diện ra mặt: các cháu còn phải tiếp tục ở bên đó chú ạ, chúng nó đã mua được mấy miếng đất ở thị trấn rồi…
    Sang Hàn bắt người Hàn phải trả tiền để mua đất, dựng nhà…là một niềm kiêu hãnh của người Việt. Cũng như người Hàn đang tự hào, người Việt phải trả tiền cho lão HLV Pak đang phải thất nghiệp để nuôi gia đình ở Hàn. Đời là rứa, có chi mô.

    1. Hoàng Cương

      Tui có đứa em học xong đại học, ra làm giúp việc tối học thêm tiếng Nhật, được một công ty Nhật có chi nhánh ở Bình Dương tuyển dụng, 02 năm sau qua Nhật được đi học tiếp và được giữ lại Nhật . Phải ký kết vài điều khoản bắc buộc trong đó có điều khoản không thể lấy vợ Nhật…

      Sau đó nó về Vn cươi vợ , mang vợ sang. Nó nói kiếm được tiền sẽ trở về Vn ( nó không mê gà đá 😁)
      P/s : Đưa một nhóm sang, một phần 3 chốn học đi làm thêm nên bị đuổi về hoặc chốn ở lại)

      1. Hoàng Cương

        Bố nó phải đóng góp thêm tiền cho công ty Nhật khoản 6 nghìn đô

    2. ChânĐất

      Thời “Mỹ Nguỵ kìm kẹp”, tôi đã ra đi chẳng tốn tiền. Bộ quần áo, bạn bè cho. Bí tất cũng không phải bỏ tiền ra mua.

      Chẳng cần chạy chọt phong bì hay quen biết ai. Nộp đơn đủ giấy tờ và điều kiện là đi.

      Đi nhanh, sang trước ngày nhập trường, chắc vì tôi “chân đất” ?

      1. Hoàng Cương

        Theo báo Tuổi trẻ hôm nay đưa tin, gia đình nạn nhân ở Hà Tĩnh / một trong 39 nạn nhân tại Anh đã được nhóm môi giới hoàn trả lại số tiền hơn 01 tỷ đồng Vn

        1. TM

          Chính quyền VN còn chờ gì mà không truy tìm đường dây và bắt trọn gói? Tổ chức bị đập tan thì số người nhẹ dạ đưa con vào hiểm nguy không bị lừa gạt nữa.

        2. Hoàng Cương

          Vụ này chính quyền không quên đâu… và có thể chính quyền ra một yêu cầu còm sĩ TM phải xin lỗi chính quyền?

        3. ChânĐất

          Nếu CP ra tay dẹp mấy đường dây xuất khẩu lường gạt thì nhân dịp dẹp luôn bán buôn đa cấp, cho vay nặng lãi, bán bất động sản ma, bán bằng giả hay thật, bán thuốc dỏm, ….

        4. TM

          “Xuất khẩu lạo động là thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương”?

          Tại sao việc gì cũng có nhiệm vụ chính trị dây vào nhỉ?

          Có thể nói:

          Xuất khẩu lao động:

          – mang lại lợi tức đáng kể cho gia đình
          – mở mang kiến thức cho người lạo động
          – giúp có tay nghề chuyên môn
          – góp phần đóng thuế giúp phát triển kinh tế địa phương và trung ương

          Những lợi ích trực tiếp trên sẽ thiết thực và đánh động vào tâm lý người dân mạnh mẽ hơn.

          Và nếu nhà nước muốn thúc đẩy xuất khẩu lao động thì tại sao người dân lại phải đóng lệ phí (hay lo lót) vài nghìn đô? Những người nghèo làm sao chạy được số tiền đó?

        5. A. Phong

          Hồ Chí Minh khẳng định: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hoá lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hoá tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân”
          ( http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/ArticleDetail.aspx?articleid=22&sitepageid=425#sthash.moWeuNNR.dpbs )

        6. Ngọ 1000 ngàn usd

          Quá chính xác. XKLĐ mang lại rất nhiều lợi ích cho gia đình và đất nước. Không phải chính quyền không quan tâm đến lĩnh vực này mà đang có nhiều biện pháp để đẩy mạnh XKLĐ. Tuy nhiên trong hệ thống từ trung ương đến địa phương đang có nhiều tiêu cực như chị TM biết. Ngay cả người dân được đi XKLĐ cũng vậy, xuất khẩu cả những thói hư tật xấu, đặc biệt là hết thời hạn hợp đồng thì bỏ trốn không chịu về. Chính vì vậy mà Hàn đã nhiều lần tạm ngưng nhận lao động của Việt Nam, khi mở lại thì họ công bố những địa phương không được XKLĐ sang Hàn. Dân lại đối phó bằng cách làm hồ sơ có xác nhận của chính quyền địa phương khác…Bộ LĐTBXH đã có nhiều biện pháp để giải quyết những mặt xấu đó, làm lành mạnh XKLĐ nhưng hình như vẫn còn chậm.

        7. A. Phong

          Như vậy nhiệm vụ chính trị của chính quyền là cấu kết với bọn tư bản ngoại quốc để bóc lột sức lao động của giai cấp công nhân, ngay trên quê hương của Sô Viết Nghệ Tĩnh?

      2. ChânĐất

        Trong khi ở đó ở miền Bắc du học sinh được ưu đãi hơn : nhà nước cấp cho một bộ quần áo mới và một đôi giầy. Chỉ …..quên không cấp cho bí tất. 😀

        1. ChânĐất

          Hồi đó tôi đã chỉ mang theo quần áo cũ vì biết rằng kiểu áo quần của mình sẽ lạc điệu.

          Sang đến nơi xem bạn bè cùng lớp họ ăn mặc ra sao thì mình ráng bắt chước cho đỡ ….nổi trội ! 😀

        2. ChânĐất

          Hai kiểu khác nhau : một bên tự lo liệu tất cả, một bên nhà nước lo hầu như toàn bộ kể cả môn học và nơi …. ăn chỗ ở ?

        3. ChânĐất

          Trường học, nơi ăn chốn ở, áo quần, … chúng tôi, ra đi từ miền Nam, hoàn toàn ai cũng phải tự lo liệu, không có chuyện học qua thông dịch, ….

        4. ChânĐất

          Không có kiểm soát hay cấm đoán liên hệ hay yêu đương, với nhau hay với người bản xứ.

          Phim ảnh, báo chí, âm nhạc, …, ngoài chương trình học, …hoàn toàn được tự do chọn đọc, không bị cấm đoán, kiểm duyệt hay báo cáo kiểm thảo.

        5. TM

          Bác CĐ thiếu người lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, nên ông Trời mới gửi đến cho một bà.

          Từ đó là vô khuôn vô phép.

        6. ChânĐất

          Số tôi lận đận. Đi học tập, bị quản rồi cũng có ngày được thả tìm lại được tự do.

          Tôi bị “án” nay đã 50 năm. Chưa biết bản án sẽ kéo dài bao nhiêu năm nữa.

          Nhưng khi nào đi công tác xa vợ thì tôi không bao giờ ngủ ngon được.

      1. Ô Mễ

        Đúng là vô liêm sỉ ,chẳng biết ai thuê thằng hề này vào đây lảm nhảm

    1. Mời đọc tiếp: Fact & Opinion: Sự thật và Quan niệm
      https://hieuminh.org/2018/04/03/fact-opinion-su-that-va-quan-niem/

      Post lại cho quý vị đọc lại rồi tự suy ngẫm trước khi mắng chửi ai đó, thậm chí là mắng chửi chính phủ vô lương tâm, vô trách nhiệm

      1. Cho đến nay, 30/10/2019, chưa có thông tin chính thức của chính quyền Vương quốc Anh (UK) về danh tính, nơi xuất thân của 39 nạn nhân.

      2. T+ ngay lập tức tuyên bố: Hỏng phải dân của Ngộ!
      3. VN bình chân như vại.

      4. Từ 1+2+3, Cao thủ bàn phím nhảy ra yêu cầu chính phủ VN phải xin lỗi ?
      Xin lỗi cái Opinion trong khi cái Fact chưa có?

      p/s: Cao nhân, Hang sĩ Hang Cua mà cũng a dua theo tin đồn?

      1. Mike

        Đừng quên rằng vụ hoả tiển Nga bắn rơi máy bay dân sự trên vùng trời Ucraina đã được báo chí loan tin một thời gian rất ngắn sau đó nhưng cuộc điều tra mất hơn một năm để khẳng định.

        Khi thông tin báo chí sôi sùng sục (BBC, Sun) về chuyện ít nhất 6 người VN (27/19), rồi 20 người, …, rồi có thể 30 người là VN, …. Khi người dân trong nước sốt ruột. Khi thân nhân đau đớn, mà nhà nước VN “bình chân như vại” được sao?

        Tại sao giấy tờ tuỳ thân là người TQ mà TQ họ khẳng định đuợc ngay là không phải người TQ, trong khi VN lại “bình chân như vại”. Ung dung quá hỉ. Dân chết thì mặc dân chứ mắc mớ chi tới chính quyền hè.

        Hôm trước bác hỏi nghe rất chi “thông thái” rằng liệu bọn buôn người để cho họ có phone chăng? Tôi hỏi lại là tại sao không? Họ không phải là những người bị bắt cóc. Họ cũng sợ bị phát hiện. Bọn buôn người cũng không phải là loại gian ác mà chỉ là dịch vụ như buôn lậu vậy thôi.

  12. Aubergine

    Người ta thành công, phần lớn dựa vào may mắn (70%).

    Một người bạn cùng lớp, lúc đi học college, điểm rất thấp (1, 2 môn được B, còn bao nhiêu C). Lúc ra trường nhờ may mắn liên tiếp, anh ta sau này lên làm Vice President của một công ty điện tử khá lớn ở vùng này.

    Riêng tôi thì học hành tầm thường, đi làm không lười không chăm. Hồi cuối thập niên 90, các bạn cùng sở thi nhau xỉn nghỉ vì ra ngoài lương cao hơn, được cổ phiếu (stock option) . . . Cũng vì lười nên tôi ngồi ỳ một chỗ, ai muốn làm giàu thì kệ họ, tôi vẫn sáng cắp ô đi, tôi cắp về. Khoảng 2000–2005, bao nhiêu hãng ở Silicon Valley sa thải nhan vien, tôi thoát được cảnh này (mất việc, mặt nhà, vợ chồng ly dị . . .). Với bản tính an phận thủ thường, lương thấp nên tôi một mình không mua nổi nhà. May có cậu em giúp đỡ, dần dần tôi mua được nhà ở khu tương đối khá. Khoảng 2009-2013, giá nhà xuống thê thảm, tôi mua 1 căn foreclosed (bị nhà băng kéo). Từ đó đến nay căn nhà tăng lên 3 lần. Nhân tiện xin nói thêm là bây giờ người ta quên chính TT Obama đã vực Mỹ ra khỏi khủng hoang kinh tế.

  13. Mike

    Lại nói về chuyện phiêu lưu. Tại sao vùng Sillicon Valley trở thành trung tâm kỹ nghệ thế giới?

    Thưa ở đây có đầy những người thích phiêu lưu. Nhiều người khởi nghiệp công ty thất bại năm bảy lần là thường.

    Nhiều thất bại lại được coi là có “đẳng cấp”. Được nể vì. Các tổ hợp đầu tư vẫn chi tiền mà chi 10 lần thì chỉ 1 là có lời, 1, 2 lần huề vốn còn 7, 8 lần lỗ.

    Vậy, thứ nhất là sẳn tiền, thứ hai là có một văn hoá kinh doanh tốt. Nhưng những thứ ấy sẽ không có nếu không có một nền tảng pháp luật và một chính quyền dân chủ.

    Thử hình dung nhà nước Mỹ dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của đảng … Mỹ nào đó mà nhảy vào quản lý thì thôi rồi đời em.

    Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật. Người dân đói khổ chấp nhận hiểm nguy thì trách nhiệm của nhà nước không phải nhỏ. Trách nhiệm gì?

    1. Giáo dục: Ngay từ lớp mẫu giáo trở lên, giáo dục ở Mỹ dạy cho trẻ em biết suy nghĩ độc lập. Thay vì tin vào những điều sách vở bắt phải tin, họ khuyến khích trẻ tự suy nghĩ tìm tòi để mà quyết định. Ví dụ, thay vì tin vào lãnh tụ anh minh này nọ, họ để trẻ em tự quyết định người nào đó có anh minh hay láu cá.

    2. Quản lý: Trách nhiệm của nhà nước là quản lý chặt chẻ khâu thi hành pháp luật và tránh tối đa chuyện người dân bị lừa. Khi dân đổ tiền một cách liều lĩnh, khi bọn đầu nậu hoạt động nhộn nhịp, đừng nói rằng nhà nước vô can.

    3. Thông tin: Tại sao nhà nước không có nhiều thông tin về chuyện đi ở, chuyện làm việc nước ngoài? Tại sao nguời Phillipines họ có thể đổ sang Mỹ, sang Anh làm nghề Y tá với công việc ổn định và thu nhập cao? Tại sao VN không để cho các trường nước ngoài vào mở trường/lớp đào tạo y tá chẳng hạn? Tại sao Ấn độ có các thông tin nhanh nhạy về thị trường IT khắp thế giới mà VN không có gì cả? Đúng là “Cái cứt gì cũng đòi quản mà quản thì như cứt”.

    4. Nói lại và nói thêm, trách nhiệm lương tâm là việc phải làm và phải có. Trong luật thì có trường hợp không gây ra cái chết cho người khác, không bị trách nhiệm hình sự, những vẫn phải có trách nhiệm dân sự, là đền bù đáng kể. Trong cái chết của con dân trong nước, dầu chưa nói đến trách nhiệm trước pháp luật thì cũng phải chịu trách nhiệm về lương tâm. Cái kiểu nói sự việc “đáng tiếc” là rất vô duyên. Coi như mình hoàn toàn vô can.

    1. Ngọ 1000 ngàn usd

      Mai ơi, ở quê nhà mấy năm nay đã có chương trình đào tạo Điều dưỡng cho XK điều dưỡng viên sang Nhật và Đức… Theo tôi được biết thì thu nhập tháng củanghề này vào khoảng 3 ngàn đô.

      1. Mike

        Tốt, đó là cách nên phát huy. Cần nâng cao tay nghề với loại hình đào tạo y tá 4 năm. Nếu tiếng Anh tốt thì sang các nước Canada, Mỹ, Anh, sống sung sướng hơn. Sang Mỹ thì vui hơn, nhưng sang Canada cuộc sống thanh bình hơn, môi trường sạch, văn hoá hiền hoà. Sang Anh chắc hơi buồn. Xứ sương mù suốt mấy tháng.

        1. Ngọ 1000 ngàn usd

          Tôi không rõ,VN đã ký với Canada chưa nhưng về xuất khẩu điều dưỡng sang Đức và Nhật thì đã có chương trình của Chính phủ

    2. TM

      Tôi cũng nghe Nhật thiếu người điều dưỡng chăm sóc người già và muốn thuê nhân công từ VN.

      Theo bạn tôi cho biết thì trở ngại là ngôn ngữ. Họ buộc người sang Nhật làm việc phải khá thông thạo tiếng Nhật. (Làm công nhà máy máy thì có thể tạm “câm điếc” một chút, nhưng chăm sóc người thì phải biết tiếng kha khá để biết biết bệnh nhân cần gì, muốn gì.)

      Học cách chăm sóc thì người Việt học được, nhưng học tiếng thì họ rất ngán ngại và không vượt qua khảo thí.

    3. Aubergine

      Người Phi (Phillipines), Ấn Độ và Singapore học tiếng Anh từ tiểu học. Khi Anh rút khỏi Singapore, một số người gốc Trung Quốc đòi thay tiếng Anh bằng tiếng Trung ở học đường nhưng ông Lý Quang Diệu không chịu. Người Phi và Ấn dùng tiếng Anh để giao dịch trong công sở, buôn bán, hãng xưởng. Tôi nhớ hồi ba Ghandi vận động tranh cử, bà toàn nói tiếng Anh. Vì thế người Phi và Ấn không mất nhiều thời gian để gia nhập giọng chính. Các bác sĩ Ẩn khi sang Mỹ thi bằng tương đương thì đậu cái rụp, trong khi bác sĩ VN (nhất là các vị học trường Y Khoa sau 1975) phải học hành vất vả. Chỉ học xong các từ y khoa bằng tiếng Anh thì cũng đủ mệt rồi.

      1. ChânĐẩt

        Dân của mấy xứ đó bỏ chạy, chê lương ít. Cụ muốn dân Việt đến thay ?

        1. Cốt Thép

          Thêm một lựa chọn cũng tốt.
          Người công nhân sẽ so sánh điều kiên làm việc, lương bổng … ở Đông Âu với điều kiên làm việc ở VN, ở Malaysia… họ sẽ quyết định nên đi hay không.

          Làm hợp pháp vẫn an toan hơn là sang Anh làm no lê trông cần sa.
          Kính Cụ

        2. Hugoluu

          Lương công nhân bên Bul,Ru , trừ thuế bảo hiểm các cái cũng bằng lương làm ở các khu công nghiệp bên VN.

  14. Cốt Thép

    Thưa Tổng Cua!

    Các cụ có câu: CÒN NGƯỜI CÒN CŨA.
    Lại có câu: CỦA ĐI THAY NGƯỜI.

    Như vậy kinh nghiệm của cụ Cua: MUỐN KHÔNG BỊ HỌA ĐỘ LÊN ĐẦU, TIẾC TIỀN LÀ ĐIỀU HAY!

    Cần sửa lại:
    MUỐN KHÔNG BỊ HỌA ĐỘ LÊN ĐẦU, QUÝ MẠNG MÌNH LÀ ĐIỀU HAY.
    😀😀😀

  15. vn

    Chúng tôi có quen và giúp tìm việc làm cho vài người (cũng là dân Hà Tĩnh, Nghệ An) đi chui qua bên này. Người thì làm ăn thua lỗ, nợ chồng chất, không còn đường nào nuôi vợ con, phải vay mượn để ra đi. Cha mẹ cầm đất ruộng, cầm nhà vay nặng lãi (10% hay hơn) cho con đi. Họ có bằng ĐH tin học hết, nhưng ở quê, đã vào SG kiếm sống, mà cũng khg đến đâu cả. Có nhiều ngày khg có đến 2 đô mua thịt cá, nhà có gạo, có rau, nhưng mẹ già, chị yếu, làm sao đây? Thấy họ khổ quá thì chúng tôi giúp thôi. Làm ngơ sao đành.

    Nhiều người bên VN, lên facebook chê bai, nói họ ham giàu ! Trời ơi, sao ng ta ác miệng thế ? Xin đừng trách những ng đã mất. Có ai muốn như thế đâu! Khg ai nghĩ mình sẽ bỏ mạng, bỏ cha mẹ đau thương thế này. Họ tính qua đây, sống lậu, làm chui cũng được ít $ giúp gđ, ở lại VN thì đói cả nhà.
    Vả lại, ai trong chúng ta có thể vỗ ngực nói mình chưa từng thích giàu hơn hôm qua?

    Đời thì nhiều cảnh khác nhau, nhưng riêng tôi nghĩ đi chui làm lậu thì khó làm giàu. Vấn đề định nghĩa giàu là thế nào, tiêu chuẩn gì.
    Khi không có quy chế, họ bắt buộc phải làm chui, như làm nông trại, nấu bếp, chạy bàn, hay làm nail. Họ cũng biết nếu bị bắt, là bị trục xuất về VN. Họ làm việc cực và không có cơ hội thăng tiến. Cũng khg có cơ hội học thêm tiếng Anh.
    Chủ nhân phải trả tiền mặt, không được trừ phí tổn, nên chỉ trả lương tối thiểu, hay ít hơn nữa! Họ cũng không được trả overtime và ngày nghỉ như các nhân viên chính thức, cũng không được tăng lương. Chẳng những thế, hôm qua vừa nghe các em nói 1 chủ người Việt (vùng tôi ở) giựt tiền lương của 4 em nọ hết 4-5 ngàn!  Chắc không phải là người duy nhất. Vâng, chính ng Việt làm giàu trên xương máu của nhau.

    Mỗi tháng giỏi tằn tiện, không sắm sửa giày dép, áo quần gì cả, không ăn tiệm, đi làm bằng xe bus, có thể sẽ dư $1000 – $1200. Có thể đối với trong nước đó là giàu rồi?

    Ngày xưa thuyền nhân ra đi, cũng liều 1 sống 1 chết, bị tuyên giáo và dân theo cộng sản chửi qua đây ăn cơm thừa, sữa cặn, đến nay vẫn còn chửi!  Ngày nay con dân của họ (cộng sản) cũng liều mạng trốn khỏi thiên đường, chúng tôi nghĩ không nên bắt chước dân tuyên giáo, mà xin hãy thương họ!

    Có người hỏi vì sao dân Mã lai, Thái Lan, v.v.. không đi như thế ? Vì đơn giản thôi, họ xin visa vào các nước âu mỹ dễ dàng, còn VN thì khó như lên trời! Và ng Mã, Thái cũng qua đây làm chui, nhưng họ đi máy bay qua đây, nên không chết bờ chết bụi, chết trên biển!

    Có trách thì phải trách chính phủ VN mà thôi! Họ đã làm gì cho dân ra nông nỗi thế này, cho đất nước tàn lụi, passport ít giá trị, nếu khg muốn nói là khg giá trị !

    Chúng tôi chỉ nói lên những gì được họ chia sẽ. Không phải ai cũng đi xuất khẩu lao động được, vì khg đủ tay nghề, vì sức khỏe, nhât là dân Hà Tĩnh, bị Formosa đầu độc, nên nhiều người bị rớt khi khám sức khỏe.

    Phải gì nước mình được như Philippines hay Ấn độ! Họ nói tiếng Anh khá, qua đây làm việc lương khá, xin vào dân dễ dàng hơn dân VN nhiều. Bên này có chương trình live-in caregiver, toàn người Phi qua, giữ em, giữ người già, làm việc nhà, sau 2 năm là có quy chế. Bên Phi họ có trường đào tạo dân làm những việc đó, để hội đủ điều kiện Canada đòi hỏi! Họ cũng qua làm y tá, làm những việc về y tế như chạy máy mammogram, máy Xray, vừa nhàn, vừa lương cao.
    Tại sao chính phủ Vietnam không mở trường dạy dân như vậy ?

    Có lần tôi nói với mấy tay Ấn độ, chúng mày hên được Anh đô hộ, nước tôi xui. Họ nhìn tôi ngạc nhiên, vì họ cũng chống thực dân! Nhưng tôi nói, lịch sử khg thay đổi được, trước sau ta cũng bị đô hộ, Anh đô hộ bạn, giờ bạn nói tiếng Anh giỏi, bạn có đường sống, và bạn lại học được truyền thống tham gia chính trị , nên bạn qua đây bạn khá hơn chúng tôi bị Pháp đô hộ. Và giờ thì bị cộng sản đô hộ, ngẩng đầu mãi cũng không hơn Lào, Miên!

    Phong trào bây giờ là cho con đi du học, miễn sao con qua được, sau đó cha mẹ sẽ xin qua thăm con, nhưng mục đích là qua để làm việc chui. Con cái qua đây tiếng là học, mà trường thì toàn dân Việt, nói chuyện với nhau toàn tiếng việt, cô giáo thì da màu, nên các em cho tôi biết chúng chả học được gì. Cha mẹ có visa rồi là chúng ở nhà, khg học nữa, đi làm, đi chơi. Họ thật sự không phải là dân giàu hay dân ham học. Thật là phí đời con trẻ.
    Có bao thế hệ bị tàn phá rồi từ sau 1975?

    Cho nên mang tiếng là có du học đó, mà nghe các quan nói tiếng Anh, tiếng Pháp dở ơi là dở! Sự suy nghĩ của họ cũng quá cổ hủ. Tôi nghĩ có qua Âu Mỹ, chỉ đi học vài năm thôi, mà không học chung và làm việc với dân bản xứ, không đọc các mục bình luận, hay bạn đọc phản hồi trong “báo chí – cao- hơn – trung – bình” thì cũng không học được sự suy nghĩ, cách đối xử của họ. Bên này báo chí có nhiều loại, cho nhiều tầng lớp độc giả khác nhau. Báo cho giới bình dân thì hành văn dễ, nhiều hình khêu gợi, viết về thể thao, xe hơi… Báo cho giới trung lưu thì viết khó hơn chút, nhiều chủ đề hơn. Báo cho giới thượng lưu, văn khó nhất, nhiều chính trị, nhiều bình luận, nhiều ý kiến bạn đọc. Lạc đề mất rồi …nhưng mặc kệ vậy …

      1. Hugoluu

        Cả chị TM và anh vn đều mù tịt về đời sống trong nước” Có nhiều ngày khg có đến 2 đô mua thịt cá, nhà có gạo, có rau, nhưng mẹ già, chị yếu, làm sao đây” Có thật những nhà cho con sang Anh lậu nghèo đến mức không có nổi 2 đô mua thịt không?
        Có thật ” dân Hà Tĩnh, bị Formosa đầu độc, nên nhiều người bị rớt khi khám sức khỏe.” không ? Mời anh chị về Vũng Áng Hà Tính ăn Mực sống.
        Có thật “‘Phong trào bây giờ là cho con đi du học, miễn sao con qua được, sau đó cha mẹ sẽ xin qua thăm con, nhưng mục đích là qua để làm việc chui. Con cái qua đây tiếng là học, mà trường thì toàn dân Việt, nói chuyện với nhau toàn tiếng việt, cô giáo thì da màu, nên các em cho tôi biết chúng chả học được gì. Cha mẹ có visa rồi là chúng ở nhà, khg học nữa, đi làm, đi chơi. Họ thật sự không phải là dân giàu hay dân ham học. Thật là phí đời con trẻ.”Không? – Mời anh chị hỏi bác KTS Trần Thanh Vân có con đang du học bên Anh xem có đúng không?
        Còm của anh vn chỉ lừa phỉnh được người như chi MT mà thôi.

        1. KTS Trần Thanh Vân

          Anh Hugo nhắc đến tên thì tôi phải trả lời.
          Đúng, tôi có thằng út đang du học bên Anh.
          Năm 2010, vợ chồng tôi vì đã già, tiền không dư dật, nhưng khu nhà đất bên Hồ Tây lại quá rộng, chúng tôi đã bán đi cho thằng út học 7 năm trường Quốc tế Hà Nội Acâdemy và 3 năm du học ở Anh quốc. Cháu được đào tạo nghiêm túc 10 năm, học giỏi, Hè năm tới thì học xong. Sau đó cháu có thể sẽ học nâng cao, có thể sẽ đi làm việc ở đâu đó.
          Số tiền còn lại, tôi dùng phần lớn chăm sóc chồng tôi bị căn bệnh hiểm nghèo, nhưng chúng tôi vẫn có biệt thự nhà vườn rộng rãi, không ở đất vàng Hồ Tây mà ở trong Hòa Lạc, vợ chồng anh CĐ Trần Văn và chị Cà Tím đã đến thăm. Các anh chị ấy đều rất khen .
          Gia đình tôi không giống những gia đình như anh Vn nói.

        2. ChânĐất

          Không những khen mà còn phục sát đất. Một chọn lựa khôn.

          Nhà rộng, đẹp, đầy đủ tiện nghi và yên tĩnh.

          Biết tổ chức và có phương tiện di chuyển thì tốt hơn khu Hồ Tây nay hơi lu bu, hỗn tạp, bụi bậm nhiều vì quá tải.

    1. KTS Trần Thanh Vân

      Tôi không thích còm này, vì câu chuyện kể ra tuy đều là những câu chuyện thật, con người bị sống khốn khổ vất vưởng thật.
      Nhưng các câu chuyện chỉ kể đến hoàn cảnh, mà không thấy sự phấn đấu giành lấy sự sống của mỗi con người.
      Không kể chuyện nhà ai xa lạ, mà chính gia đình tôi.
      Theo kháng chiến chống Pháp, năm 1953 ông ngoại tôi bị quy là địa chủ phản động ở Đức Thọ Hà Tĩnh, bà ngoại tôi, mẹ tôi bị đấu tố, cả nhà liêu xiêu
      Năm 1955, mẹ con tôi theo cha tôi là cán bộ Bộ ngoại giao, được đến tá túc tại Nhà tập thể Bộ ngoại giao số 7 Chu Văn An Hà Nội, thì bị Cán bộ CCRĐ đến khu TT tố giác, chúng tôi lại bị đuổi ra khỏi nhà.
      Chúng tôi phải đi ở nhờ, ở đậu, bản thân tôi mới 13 tuổi, mà 5 giờ sáng đã phải ngồi ở vỉa hè bán hết thúng xôi, rồi mới được cắp sách đi học…. những năm tháng tiếp theo, chúng tôi phải cặm cụi đan len thuê, đi làm dấm, ngâm giá… để bán kiếm tiền ăn học.
      Nhưng chúng tôi vẫn sống, tôi và em gái vẫn học giỏi, vẫn trưởng thành và vẫn làm được những việc mà giới mày râu không làm được. Em gái tôi hiện là một Ts sĩ Y học, nổi tiếng là một bác sĩ Tai Mũi Họng ở VN và nhiều hội nghị QT trên thế giới.
      Còn tôi, xoàng xoàng thôi, khổ, vất vả, vẫn được việc phết

      1. TM

        Gia đình chị TV đã vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ, xứng đáng hưởng được thành quả ngày nay.

        Trong những khó khăn tương tự, có người đã không khuất phục được hoàn cảnh. Bác CĐ có kể chuyện về lại quê cũ thăm người bạn thuộc gia cảnh trung lưu như bác ngày xưa, gặp lại người bạn bần cùng đạp xích lô, bệnh hoạn, sống bám vào một phụ nữ nạ giòng (gái làng chơi?).

        Không biết gương vượt khó và vươn lên dựa vào nỗ lực như chị được bao người?

        – Nếu chị không có ông bố làm cán bộ ngoại giao, mà cả hai bên phụ mẫu cùng bị liệt hàng địa chủ, thì chị có phấn đấu đến thành công, có suất học bổng đi học đại học nước ngoài được chăng? Hữu Loan bị xếp vào hàng phản động, phải đi đẽo đá kiếm sống, con cái chỉ sống làng nhàng ngoài vòng chế độ, chẳng ai được học hành đến nơi đến chốn. Các con bà Nguyễn thị Năm cũng trần thân chẳng đi đến đâu. Ông bác tôi là con nhà giàu Hà nội, bỏ nhà thoát ly đi kháng chiến rất sớm, nhưng thành phần đại tư sản đã cản đường tiến của bác, chỉ làm một chủ ga xép heo hút lúc cuối đời.

        – Nếu mẹ chị không có cái nhìn sáng suốt và giáo dục các con phải khắc phục hoàn cảnh, cố gắng học hành để tự mình vươn lên, nếu bố mẹ chỉ là dân giả bình thường, thấy đâu có cơ hội đổi đời là lo cho con đi như bố mẹ các thùng nhân, thì một cô bé 13 tuổi mỗi ngày bê thúng xôi đi bán có tự mình vươn lên được như ngày nay?

        – Thời của chị, chỉ có một chọn lựa: theo chế độ để kiếm một chỗ đứng, hoặc là ở ngoài chế độ đạp xích lô, đi đẽo đá, làm con buôn chịu sự khinh rẻ, v.v. Không có chuyện vượt biên làm thuyền nhân, thùng nhân đâu cả. Thời nay có nhiều đường khác nhau. Người dân bình thường chỉ biết nhìn thấy cái lợi trước mắt: thấy con nhà hàng xóm đi gửi tiền về cho bố mẹ xây nhà thì cũng vay mượn cho con mình đi, không có ai giáo huấn họ hãy phân biệt sáng suốt và phấn đấu học hành. Có nên trách họ chăng?

        Tôi may mắn được nhận vào Mỹ diện tỵ nạn nhưng không dám dùng hoàn cảnh cá nhân của mình để đánh giá người khác. Tôi nhìn những người đang lăn lóc tại trại giữ người châu Mỹ La tinh vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ mà ái ngại: cũng là con người, sao Thượng đế không mở cho họ một cánh cửa cứu rỗi?

        1. Hoàng Cương

          Đến khổ , đọc còm của quí bà TM nhão nhẹt, não lòng… Toàn ngày sửa ngày xưa ngày còn thơ dại ….mà thấy Kỳ

          Quí bà về một chuyến Vn, rồi suy ngẫm thêm nha. Hay thích ngề thầy bói mù sở voi!???

        2. A. Phong

          Trích nghị quyết Số: 274/2009/NQ-HĐND (https://thuvienphapluat.vn/van-ban/lao-dong-tien-luong/nghi-quyet-274-2009-nq-hdnd-thong-qua-chinh-sach-khuyen-khich-xuat-khau-lao-dong-101472.aspx)

          2.2. Mức khen thưởng:

          a) Đơn vị có giấy phép xuất khẩu lao động trực tiếp đưa được 500 lao động của tỉnh /năm đi làm việc ở nước ngoài thì được UBND tỉnh tặng Bằng khen và thưởng 10 triệu đồng. Nếu vượt số lượng trên, thì cứ tăng thêm 100 lao động được thưởng bổ sung 02 triệu đồng.

          b) Đối với các đơn vị cung ứng lao động: Nếu cung ứng được cho các đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động 500 lao động /năm là lao động tỉnh Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài được UBND tỉnh tặng Bằng khen và thưởng 05 triệu đồng. Nếu vượt số lượng trên thì cứ 100 lao động tăng thêm được thưởng bổ sung 01 triệu đồng.

          c) Xã, phường, thị trấn liên kết với các đơn vị XKLĐ nếu đưa được 100 lao động /năm của xã đi XKLĐ được UBND tỉnh tặng Bằng khen và thưởng 05 triệu đồng;

          d) Các cơ quan, đơn vị liên quan có đóng góp tích cực để thực hiện chương trình XKLĐ hàng năm của Tỉnh thì được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

        3. KTS Trần Thanh Vân

          Chị TM có đôi chút hiểu lầm đấy.

          – Ví dụ cha tôi hồi năm 1955 làm ở Bộ ngoại giao thật, nhưng khi bị phát hiện gia đình bên mẹ tôi là Việt gian phản động, ông bị “Xử lý kỷ luật” ngay

          – Ví dụ chị nói chúng tôi “lựa chọn theo chế độ để tìm một chỗ đứng…..” là không đúng đâu.
          Chỗ đứng của tôi là KHÔNG VÀO đảng CS là KHÔNG NHẬN BẤT CỨ MỘT CHỨC QUYỀN GÌ.
          Vậy “Lựa chọn chỗ đứng” của tôi là gì?
          Là không ngừng HỌC TẬP & NGHIÊN CỨU KH, tôi không chịu thua ai, nay đã già rồi tôi vẫn KHÔNG CHỊU THUA AI
          Và có kẻ muốn dìm tôi, thậm chí cướp công tôi, nhưng cuối cùng họ có danh mà không có thực, họ vẫn thất bại trong cuộc đời

          Còn mấy chục con người bị chết thảm thương trong thùng lạnh vừa qua, có phải ai cũng bị rơi vào hoàn cảnh cùng quẫn không?
          Không hẳn thế đâu
          Nhưng tôi không muốn lên án họ.

        4. TM

          Cảm ơn chị TV đã tâm sự thêm. Tôi luôn ngưỡng mộ gương thành đạt của gia đình chị trong nghịch cảnh .

      2. Mike

        Tôi cũng có quá khứ khổ nhưng tôi nghĩ nếu tôi vẫn còn ở VN thì tôi vẫn lẹt đẹt. Nói cách khác, tôi có thể nhìn thấy hình ảnh của tôi qua các bạn tôi còn ở lại: nghèo, khổ, bệnh tật, và nát rượu.

        Ở Mỹ, tôi cũng phải học rất cực. Buổi sáng đi bỏ báo. Về đi học. Cuối tuần còn đi phụ cắt cỏ, trồng cỏ (không phải trồng cần sa nhé). Nhưng tôi không coi là tôi giỏi hơn các bạn của tôi. Tôi chỉ coi là tôi may mắn hơn rất nhiều.

        Các bạn mà tôi nói ở trên, họ là những người học giỏi hơn tôi rất nhiều. Văn hay, toán giỏi. Khi tôi vẫn nói chưa ra 1 câu thì họ đã đứng trước nhà thờ nói năng lưu loát. Thế rồi sao? Họ lấy vợ mà nhà vợ cũng nghèo. Sống bằng nghề nông thì xoay xở cách gì cũng nghèo. Nghèo thì đau khổ và thích tìm vui ở men rượu. Tiền không có thì phải uống bia uống rượu loại rẻ, men TQ, hay pha hoá chất. Thuốc lá cũng là thứ tìm vui. Rược độc thuốc hại, cộng thêm cái chán nản cuộc đời thì sức khoẻ tổn hại. Bệnh xuống thì lại phải bán đất bán non hoa màu mà chạy chữa. Cả cái vòng luẩn quẩn bi đát. Nghèo và khổ đến thê thảm.

        Tôi có khá gì hơn họ đâu. Tôi thật thà nên buôn bán rất kém. Làm rẫy thì cũng chẳng siêng năng tháo vát gì, mà tháo vát cái gì ngoài mấy món hoa màu, sắn, mía, chấm hết? Có chăng, nếu tôi may mắn thì lấy trúng cô vợ giỏi buôn bán hoặc có “rẩy” Mỹ.

        Vậy cho nên, tôi quan niệm rằng nếu không có cơ hội thì có cố hay có giỏi bằng giời thì cũng vứt.

        Những người “ra đi tìm đường cứu nhà” ấy là những người đi tìm kiếm cơ hội. Muốn đổi đời mà cứ ngồi nhà thì xoay xở cái gì? Giỏi lắm thì lên blog HM chém phầm phập rồi về nốc rượu thải chửi đổng.

      3. ChânĐất

        Không phải ai cũng may mắn hay có điều kiện sửa đổi lý lịch cho hợp với tiêu chuẩn.

        Nếu CD mà ở lại chắc giờ này vẫn còn phải đi làm thợ may hay thợ cắt tóc dạo.

        Mà có một thời chỉ được đi hành nghề loanh quanh thôi.

        Lao động tay chân tôi không ngại. Nhưng thấy tương lai bị kìm kẹp, bị trù dập thì chắc tôi cũng liều ra đi. Đi vào miền Nam thôi chứ chắc không đủ tiền để đi chui quá xa.

        1. ChânĐất

          Nay tôi cũng “trồng cỏ” mà không được chủ trả tiền công. Bị bóc lột 24/24 7/7 :

        2. ChânĐất

          Xưa phải 3 ngày mới làm xong. Nay có máy nên nhanh và đỡ mệt. Nửa ngày là xong. Đợi vài ngày sau là sẽ có sân cỏ mới.

        3. Hugoluu

          Người rơm trồng cỏ làm giàu
          Bạn tôi trồng cỏ chỉ cầu yên thân
          Quanh năm chân đất đầu trần
          Vui cùng ngọn cỏ ngoài sân trong vườn.

        4. TM

          Năm nào bác CĐ cũng phải trồng lại cỏ vất vả quá nhỉ? Cỏ nhà tôi không biết loại gì mà từ ngày mua nhà đến nay tôi không hề phải trồng lại. Mùa xuân & hè thì có công ty đến xịt thuốc chăm sóc, thỉnh thoảng xới đất lên cho rễ “thở”, thỉnh thoảng rải thêm hạt giống chồng lên những nơi bị “trọc”.

          Nhiều nhà sân cỏ đến mùa đông thì úa vàng, sang xuân mới xanh tốt trở lại. Cỏ nhà tôi xanh ngắt quanh năm.

        5. ChânĐất

          Bên này cấm không bán thuốc trừ cỏ dại. Nếu thấy có nhiều cỏ ba lá nhiều hoa là tôi làm lại toàn bộ sân cỏ. Tốn tiền mua hạt nhưng nhanh hơn nhổ cỏ dại.

        6. TM

          À ra vậy. Vậy là bảo vệ môi trường ở Pháp tốt hơn ở Mỹ. tôi cũng biết thuốc diệt cỏ rất độc hại, và xịt thuốc vào sân cỏ thì thuốc sẽ theo nước mưa chảy xuống cống rảnh, đổ ra sông biển, giết hại cá.

          Bên này có 2 hệ thống cống rảnh:

          1. nước thải trong nhà sẽ đi vào nơi xử lý cho sạch rồi mới đổ ra sông biển.
          2. nước mưa chảy xuống sân, xuống đường sẽ vào hệ thống chảy thẳng ra sông biển, không qua lọc.

          Nói chung trồng cỏ cho đẹp là một việc hại môi trường.

        7. ChânĐất

          Nay trên hè phố cũng có cỏ dại mọc tùm lum vì không còn được nhập và dùng thuốc trừ.

          Đề tài cuộc thi chụp ảnh năm nay muốn ghi lại sức sống và xâm chiếm của thiên nhiên trong thành phố.

          Tôi đã gửi một tấm đi dự thi. Cả hai vợ chồng cùng đồng ý chọn một trong ba tấm mà tôi đã lựa ra.

          Hy vọng sẽ lại được tuyển chọn như những năm vừa qua.

          Ban tổ chức mỗi năm ra một đề tài. Thỉnh thoảng đổi toàn bộ ban giám khảo, nhưng tôi gặp may nhiều. Giải thưởng rất to : một tuần ăn ở nơi nghỉ mát cho người về hạng nhất. Tôi chỉ mới leo cao hất đến hạng 3 hay 2. Chưa đến mức tột đỉnh.

    2. A. Phong

      …”chúng tôi nghĩ không nên bắt chước dân tuyên giáo, mà xin hãy thương họ!”…

      Cảm ơn Bác.

      1. Hoàng Cương

        Thưa với các bác rằng/ chúng tôi nói theo giọng tuyên giáo vơi dân trong nước / họ đánh giá chúng tôi là ngô nghê …còn nói với các còm sĩ Hang Cua giọng tuyên giáo thì bị …châm điện. Chúng tôi không hề rảnh

        Nói về vụ 39 nạn nhân bị đông lạnh tại Anh.
        Tôi có quan điểm thế này , người bình thường làm cha làm mẹ sẽ hiểu rằng kiếm đồng tiền cái ăn không dễ. Nên phải bí bách học hành đen sách / càng cao danh vọng càng dài gian nan.
        Thế mà ôm vài chục nghìn USD không miếng giấy tờ tùy thân, tiếng nước người không biết… mà liều
        Vài ngàn người cũng ôm 5_6 nghìn USD đi sửa mũi miệng cũng đang nằm chùm mền.
        Facebook cũng phiền phức, sống ảo giác

    3. TM

      Gia đình tôi chỉ có hai anh em, từ bé rất thân thiết với nhau, khi có quà bánh hay tiền họ hàng cho (ngày bé các bà đến chơi với bà nội tôi hay cho $5-10 đồng ăn quà) đều chia đội cho nhau. Sau này anh đi lính rồi bị đạn bay mất một chân, trở thành phế binh VNCH. Anh làm kỹ sư trưởng xưởng chế tạo ống xay lúa, sau 75 vất vả đối đầu với lý lịch cựu sĩ quan ngụy. Đến thời mở cửa anh mới tìm được việc làm khá với một công ty người Anh.

      Kể sơ lược để cho biết anh em chúng tôi rất thương yêu đùm bọc nhau. Khi anh có việc làm tốt với công ty nước ngoài, anh có tiền gửi con trai lớn đi du học Canada. Cháu cũng túm tụm với bạn Việt, thuê nhà ở chung, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi, v.v. Lúc ấy các cán bộ cao cấp ở VN đã có phong trào gửi con đi du học, nhưng thường cho sang Canada vì sợ sang Mỹ thì “mang tiếng”. Bạn bè cùng đi du học với cháu phần đông có gốc gác lớn ở VN. Có lần cháu bảo trong nhóm có anh T con đại cán ở VN, sau này ra trường sẽ có việc làm dành sẵn. cháu sẽ bám theo anh, nhờ bố mẹ bạn giúp việc làm. Tôi nghe mà hỡi ôi.

      Đến khi ra trường, cháu rất mặc cảm về tiếng Anh của mình, lúng túng và sợ hãi khi xin việc. Lúc đó bố mẹ cháu đã qua Mỹ theo diện gia đình bảo lãnh, nên cháu không còn cơ hội trở về VN nhờ vả anh T. Một dạo cháu ở cùng với tôi trong khi tìm việc làm, cháu bị khủng hoảng tinh thần nặng. Sau cùng có một công ty ở New York gọi lên phỏng vấn, cháu vào phòng nhân sự nói chuyện, kể lể hoàn cảnh mình có bằng cử nhân mà vẫn kém tiếng Anh, nhưng từ nay sẽ quyết chí khắc phục bằng mọi giá. Không biết có phải vì tâm sự “trải lòng” đó không mà cháu được nhận vào làm. Lúc đó chúng tôi mới nghe gia đình quen ở Canada nơi cháu đi học và từng cưu mang giúp đỡ cháu kể lại là cháu luôn trốn tránh tiếp xúc với người bản xứ nói tiếng Anh, bất cứ một việc nhỏ đến đâu cũng nhờ gia đình ấy gọi phone thu xếp dùm.

      Tôi nghe qua thật bất ngờ và thấy tội nghiệp cháu vô cùng. Ngày nay cháu thăng tiến nhanh chóng, thi đậu cả 7 chứng chỉ đòi hỏi của ngành thống kê bảo hiểm (actuary), lên chức, thăng thưởng đều đều, điều mà các bạn cùng lứa vẫn lục đục chưa đạt được. Cháu đã hoàn toàn hội nhập và thích ứng với đời sống Mỹ, vẫn có nhiều bạn Việt, nhưng là thanh niên gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ,

      Hôm nay nghe bác vn nhận xét:

      “Tôi nghĩ có qua Âu Mỹ, chỉ đi học vài năm thôi, mà không học chung và làm việc với dân bản xứ, không đọc các mục bình luận, hay bạn đọc phản hồi trong “báo chí – cao- hơn – trung – bình” thì cũng không học được sự suy nghĩ, cách đối xử của họ.”

      tôi thấy hoàn toàn đúng.

  16. Hugoluu

    Thời những năm 8x , dân lao động bên Đông Âu có câu thơ ai oán dành cho những người đi lao động chẳng may chết (do bệnh ,tai nạn)
    Sang tây đi dễ khó về
    Khi đi hộ chiếu,khi về vận đơn

  17. Hugoluu

    Mấy năm trước visa lao động Séc còn mở với lao động VN, những lần về VN chơi ,tôi và bà xã hay hỏi những đứa cháu trong nhà mới học hết cấp 3 ,đang ôn thi vào đại học có muốn đi sang Séc làm ở nhà máy không ,tôi đón sang (tất nhiên tôi cũng nói trước làm việc trong nhà máy vất vả thế nào). Cuối cùng chẳng đứa nào chịu sang ,chúng vào đại học hết(ở VN bây giờ cứ nộp hồ sơ thi là đỗ ,không như thời bọn tôi) bây giờ ra trường đứa có việc làm ,đứa đang thử việc,có 2 đứa giờ muốn sang thì visa lao động đã đóng lại , cho chúng sang qua ngả Balan,Hung,Sloven thì tôi không muốn(là đi hợp pháp vì mấy nước đó vẫn cấp visa lao động cho người VN)

  18. Ngọ 1000 ngàn usd

    Theo báo chí thì Trà My đã 26 tuổi, từng XKLĐ ở Nhật 2 năm rồi. Nếu bình thường thì cũng đã có ít vốn tiền và vốn kinh nghiệm xuất ngoại rồi bác ạ.
    Tin mới đọc: 39 người không phải bị cấp đông mà bị chết ngạt. Phù hợp với thông tin một số trong họ không mặc quần áo.

    1. Anh Ngọ triệu đô:
      Anh đọc tin: 39 người không phải bị cấp đông mà bị chết ngạt
      Rùi kết luận: Phù hợp với thông tin một số trong họ không mặc quần áo

      Thật là sai (my opinion): Người chết ngạt, chết do thiếu 0xy chả bao giờ biết mình sắp chết!

      Trích Opinion của giang hồ mạng:
      Khi sắp sửa chết rét, con người sẽ bắt đầu xuất hiện những hành vi kỳ lạ mà khoa học vẫn chưa thể đi đến kết luận cuối cùng. Trong đó có hành vi tự lột bỏ áo quần của mình để rồi ra đi trong tình trạng khỏa thân.
      Ngoài ra chưa có bằng chứng về hiện tượng ” đào hang lần cuối cùng”

  19. Cốt Thép

    Cmt cuối:
    Lên án chính quyền là không sai. Việc nhắc nhở các gia đình có con còn trẻ chuẩn bị đi làm ăn xa thì không nên, tuyệt đối không đi theo con đường môi giới việc làm bất hợp pháp là vô cùng cần thiết.

    1. huu quan

      em ủng hộ đi hợp pháp. Nhưng mấy công ty môi giới Việt Nam thì ăn quá dày.
      Em nhớ đi giúp việc nhà bên Đài cũng tới 4000- 5000 đô, đi Nhật Hàn thì hơn chục ngàn đô. Công ty cứ nhận tiền rồi tống qua bển. Sang bển, êm xuôi thì cày bạc mặt cả năm mới hết nợ môi giới, lỡ chẳng may trục trặc bị đuổi về thì lại có món nợ to tướng. Đó là chưa kể mấy công ty lừa đảo, đem con bỏ chợ. Mà để thành lập được công ty môi giới việc làm thì phải thông qua bộ hay sở Thương binh Xã hội. Nhưng khi gặp sự cố thì Bộ sở nói “Nỏ bít”

      1. Cốt Thép

        Thưa nhà báo Hữu Quân!
        Đúng vậy! Một số công ty có pháp nhân môi giới hợp pháp nhưng vẫn lừa đảo người lao động.

        1. Nếu tính trị số tuyệt đối thì sô người bị công ty môi giới hợp pháp lừa đảo có khi nhiều hơn số người bị công ty môi giới bất hợp pháp lừa đảo.
        – Không có số liệu chính thức, những đọc báo thì lâu lâu lại có vụ lừa đảo lao động xuất khẩu từ các công ty môi giới lao động hợp pháp. Kiên cáo ì sèo.
        – Đi xuất khẩu chui thì người đi xuất khẩu bị lừa đảo cũng đành ngậm miệng. Không kiên cáo gì. Báo chí cũng không biết, nên không đăng tin. Xã hội cũng không biết. Những người chuẩn bị đi xuất khẩu chui không biết có lừa đảo nên không có đề phòng . Nguy hiễm

        Tính tỉ lệ: số người bị lừa đảo/ số người không bi lừa đảo của các công ty môi giới hợp pháp có thể là thấp hơn nhiều so với môi giới bất hợp pháp. Một năm môi giới hợp pháp đua đi mười mấy ngàn người ( số bị lừa, tôi đoán mò 100 – 200)

        Còn đi chui thì tỉ lệ bị lừa không có số liệu, nhưng không thấp đâu.

        Điều quan trọng là nếu đi xuất khẩu theo công ty môi giới hợp pháp, nếu bị lừa thì có thể mất tiền, không mất mạng. Nhiều trường hợp kiên cáo đòi lại đuợc tiền.

        Đi bất hợp pháp thì may rủi rất cao: thành công thì kiếm đuợc nhiều. Không thành công, nhiều lắm đấy, thì mất mạng, hoặc thành nô lệ.

        Rất mong các nhà báo, trong đó có nhà báo Hữu Quân, vạch mặt, lên án các công ty môi giới (hợp pháp) lừa đảo lao động xuất khẩu. Mang các công ty này ra tòa để xã hội ngày càng tốt hơn.

      2. Cốt Thép

        Hữu Quân!
        Có nhiều nhà báo như Huy Sản, Nguyễn Thông, Đoàn Bảo Châu… v..v.. họ là những facebookers nôi tiếng, có cả trăm ngàn followers.
        Theo cá nhân tôi, họ có nhiều bài viết hay, một số bài tôi cho là kém ( cũng là lẽ thường tình). Tuy nhiên, tôi quý trọng họ ở chỗ công khai… ai vào cmt cũng đuợc.

        Không biết Fb của nhà báo Hữu Quân là gì? Có thể công khai cho bàn dân thiên hạ biết đuợc không?

  20. Cốt Thép

    Sự việc 39 nạn nhân chết bi thảm trong thùng Container là loi cảnh báo trước tiên cho các bậc cha mẹ có các con đi làm ăn xa đó môi giới không rõ nguồn gốc.

    “Nói chuyện với phóng viên CNN tại nhà, ông Phạm Văn Thìn kể rằng “rất đau đớn” khi nhận tin nhắn của con gái. Cô gái hẳn biết rằng mình sắp chết nên mới nhắn như vậy.

    “Tôi đã mất đi con gái và cả tiền”. Ông Thìn nói rằng những kẻ môi giới lao động đã đánh lừa gia đình. “Chúng nói rằng đây là một lộ trình an toàn, mọi người đi bằng máy bay, ô tô. Nếu tôi biết con gái phải ngồi trong container, tôi sẽ không bao giờ để con đi”.

  21. Cốt Thép

    Cmt này vừa đăng bên NGƯỜI TÀI… nay chuyển sang đây.

    Thấy mọi chuyện đã tạm lắng xuống, tôi moi dám nói suy nghĩ thực của mình về vụ 39 nạn nhân này:
    – Đầu tiên là vô cùng đau xót trước thảm cảnh này. Thực sự là úa nuớc mắt khi đọc những dòng tin nhắn trước khi chết thảm của cháu Trà Mỹ.
    – Đúng là đất nuớc nghèo khổ thì là lỗi tại chế độ, chính phủ… mọi người nói nhiều rồi. Tôi không nói nữa.
    – Ngoài ra chúng ta cũng phải thấy rằng bọn buôn người có thu đoạn rất tinh vi lừa gạt người nhẹ dạ cả tin.
    – Nạn nhân là người trẻ tuổi…suy nghĩ còn nông nổi. Có người nghi là nạn nhân 19 – 20 tuổi đang làm việc tại Pháp vậy mà vẫn bỏ trốn sang Anh để làm việc bất hợp pháp mong kiếm nhiều tiền hơn. Để rồi mất tích. Đang thương hơn đáng trách.
    – Trách nhiễm của gia đình các nạn nhân: tôi nhớ không nhầm thì có báo đưa tin cháu Trà My là con út trong gia đình có 6 người con. Thời buổi này chỉ nên sinh 2-3 con. Nhà nghèo mà sinh 5 – 6 con thì nghèo mạt rệp luôn. Những người con thì không có lỗi. Còn bố mẹ đẻ nhiều như vậy thì bo tay.
    – Những người bình thường khi viết Tút hoặc Cmt như thế nào thì tôi cũng tôn trọng suy nghĩ của họ.
    – Người mang danh nhà báo như Đoàn Bảo Châu mà viết một Tút đao to búa lớn như vậy thì khó chấp nhận.

    Kính.

    1. Cụ Cốt Thép:
      Lâu lâu, Tui đóng góp chút lạc đề, ( Phải phạm luật một chút để hòa đồng với Hang sĩ):

      1. Thông tin nào cho biết TM ở trong thùng 39 nạn nhân?
      2. Thông tin nào cho biết TM đã chết / Mất tích? (Gia đình không liên lạc được, không có nghĩa TM đã chết / Mất tích!)
      3. Bọn buôn người ngu dốt đến mức để cho “Thùng nhân” mang theo điện thoại và /hoặc thiết bị liên lạc? Rồi cung cấp cả nguồn để sạc pin? Cung cấp cả sim 3g/4g để liên lạc với gia đình ở VN?

        1. CanadaDry

          Hê Hê …mình có sao người ta mới để ý …trù ẻo chứ !!! Chúc mừng chị TM có người để ý …

    2. Cốt Thép

      Hôm trước đọc tờ báo nói Trà My là con út trong gia đình 6 người con.
      Hôm nay tim lại không thấy thông tin trên. Tìm thấy báo nói Trà My là con út trong gia đình 3 người con.
      Thông tin lại để rộng đường dư luận.

      Chào Tf.
      Xin sửa lại: NẠN NHÂN thành NGHI NẠN NHÂN.

Comments are closed.