Những khoảnh khắc dưới Bức tường Chiến tranh

Vietnam War Wall
Vietnam War Wall

Đã có bao nhiêu bài báo, sách vở viết về Bức tường Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War Wall) tại thủ đô Washington DC (Mỹ). Đã có hàng triệu tấm ảnh được chụp. Bao nhiêu nước mắt đã rơi trên con đường nhỏ tại bức tường hình chữ V này. Có chua xót, có tự hào và kể cả căm hận, khi nhìn thấy tên họ những người lính chết trận trên những tấm đá hoa cương.

Anh Nguyễn Vinh Quang, Báo Ảnh Việt nam, đã tới đây dăm lượt. Mỗi lần anh khám phá ra một điều mới mẻ tại một nơi tưởng đã cũ này. Theo anh, đề tài chiến tranh không mới, nhưng viết về nó cho hôm nay và ngày mai thì lúc nào cũng mới. Với một nhiếp ảnh gia như anh thì ngay cả người làm tình nguyện tại đây cũng là pho sử sống về một thời tàn khốc Việt Nam.

Từng là phóng viên với những trải nghiệm chiến trường , anh Quang thấy rằng, mỗi người tới thăm bức tường đều nhìn thấy, cảm nhận được gì đó cho riêng mình, dù đứng bên này hay bên kia của cuộc chiến, thậm chí cả những người không biết gì đến chiến tranh.

Ngày 24-05-2009 là ngày tưởng niệm (Memorial Day) những người lính đã ngã xuống cho nước Mỹ và đồng minh của họ. Ngày lễ này giống như ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7 của Việt nam. Cả nước được nghỉ để nhân dân tới viếng thăm và tỏ lòng tưởng nhớ những người lính chết trận

Thử vào trang web của Bức tường chiến tranh, lọc theo ngày tháng, thì riêng ngày 24-5-1969, cách đây 40 năm, đã có 54 lính Mỹ ngã xuống tại chiến trường. Rất nhiều người ở lứa tuổi mười chín đôi mươi, ra trận trên dưới một năm thì đã bị chết thảm thương.

Người lính già nhất là Anastacio Montez, khi đó 39 tuổi, đã phục vụ trong quân đội 16 năm, lần đầu đi tuần tra tại Kontum và bị du kích bắn hạ. Hiện vẫn mất tích.

Chàng lính trẻ nhất là Emmett Larue Davis 18 tuổi. Emmett tham gia chiến trận ngày 6-5-1969 và bị hạ sát 18 ngày sau đó tại Quảng Ngãi do đụng mìn của đối phương. Số ngày tham gia chiến trường bằng đúng số tuổi 18 của anh.

Vài ngày cuối tuần vừa qua, những cựu binh Mỹ từ khắp các bang đổ về National Mall (Quảng trường Quốc gia) tại Washington DC để tưởng nhớ, thăm viếng những khu tưởng niệm nổi tiếng như bức tường chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, rồi cả chiến tranh Thế giới II hay nghĩa trang quốc gia Arlington.

Họ có một kiểu ăn mặc giống nhau, áo da, đi giầy săng đá, râu ria lởm chởm, chân tay, lưng đầy những hình xăm kỳ dị, biểu tượng của những binh đoàn con ó, lính thủy đánh bộ hay trinh sát đặc biệt. Hàng chục ngàn mô tô hiệu Harley Davidson và những tên hiệu khác, từ vài trăm đến vài ngàn phân khối chạy rầm rầm trên phố Thủ đô Hoa Kỳ.

Chỉ cần nhìn họ cũng biết cuộc chiến ngày xưa, người lính quả cảm mũ tai bèo và dép cao su phải đối đầu với một lực lượng tinh nhuệ và chuyên nghiệp như thế nào.

Bức tường Chiến tranh Việt nam được xây dựng với 9 triệu đô-la, do các tổ chức nhân đạo, cựu chiến binh và tư nhân đóng góp tự nguyện, do cô Maya Ying Lin, sinh viên kiến trúc trẻ 21 tuổi, người Mỹ gốc Hoa thiết kế.

Bức tường dài 75m gồm 72 tấm đá hoa cương đen quý hiếm chuyển từ xứ Bangalore (Ấn Độ) ghép lại, tấm thấp nhất 20cm, cao nhất 3m, được đánh số thứ tự rất khoa học. Họ tên của hơn 58 ngàn lính Mỹ tử trận tại cuộc chiến tranh Việt Nam được khắc lên mặt đá với ước mong sẽ tồn tại mãi với thời gian.

Tầm nhìn kiến trúc đông tây của Maya Ying Lin đã thổi hồn cho bức tường. Ba triệu du khách tới thăm hàng năm, dù mùa Đông giá lạnh hay ngày Hè nóng bức, đang mùa Xuân hoa nở hay mùa Thu lá vàng, mỗi người nhìn vào những cái tên, sẽ thấy sự khốc liệt của cuộc chiến và tự tìm cảm xúc riêng cho mình.

Có những lời cảm ơn, những lời chia biệt, những trang nhật ký, vài tấm ảnh hay những bông hoa xếp dưới chân tường. Có ai để lại một tấm hình vẽ chiếc Harley, biểu tượng của cựu binh Mỹ, và bóng của chiếc xe trên bức tường như hiện ra ở thế giới bên kia, đưa món quà cho người đã khuất.

Lạ lùng năm nay, một người cựu binh nào đó mang mấy khúc tre đặt dưới chân tường. Chắc hẳn họ là những lính trinh sát năm xưa. Và người bạn của họ đã nằm lại vĩnh viễn tại xứ Đông Dương của những bụi tre xanh xa lạ này.

Cuộc chiến đã để lại mất mát vô cùng to lớn cho Việt Nam, hàng triệu người đã ngã xuống. Khắp dải đất nước hình chữ S, đâu đâu cũng có những Nghĩa trang liệt sĩ với dòng chữ trang trọng: Tổ quốc ghi công !

Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, vậy mà hậu quả nặng nề của nó vẫn còn hiện hiển khắp nơi. Bom mìn còn sót lại vẫn là nỗi ám ảnh của người dân Việt Nam, phải… 440 năm nữa các vùng đất ở Việt Nam mới được rà phá sạch bom mìn và kinh phí cần để làm được việc này mất khoảng 51 tỷ USD. (Thông tin được công bố tại hội thảo về ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam ngày 21/11/2008 tại TPHCM). Chưa hết, vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam giữa lòng nước Mỹ hiện vẫn còn đang là vấn đề thời sự nóng hổi.

Và người Mỹ cũng bị cuộc chiến tranh này ám ảnh suốt chiều dài lịch sử mấy thập kỷ. Chắc rằng, bức tường kia sẽ còn tiếp tục nói với nhiều thế hệ tương lai về chiến tranh và hòa bình, về đau thương và mất mát.

Trong mỗi cuộc chiến, có người thắng và người không thể thắng. Tuy thế, người nằm lại trên chiến trường, dù có được ghi danh trên bảng vàng, và dù ai đó hương khói thường xuyên, thì họ vẫn là những người mất mát nhất.

Có thể vài người được nhiều sau chiến tranh. Nhưng có người lính không còn gì khi quay về với quê hương.

Hình ảnh một người cựu binh Mỹ, cởi trần, cầm gậy, nhìn lên bức tường với những cái tên, bỗng làm người xem lặng một nỗi đau. May mắn còn sống nhưng ông chả còn gì ngoài tấm lưng trần, tóc bạc phơ, đôi giầy đã cũ. Biết chăng, người đã chết nằm trên tường và người còn sống đứng in bóng vào những tấm đá hoa cương, ai mất mát hơn.

Người phóng viên chiến trường Nguyễn Vinh Quang thưở nào không nói anh đang nghĩ gì. Anh gửi cho tôi những bức ảnh chụp trong ngày Tưởng niệm. Đó chính là những cảm xúc dâng trào trong lòng một người đến từ Việt Nam, đã trải nghiệm qua chiến tranh mấy chục năm, trước những tấm đá hoa cương. Vài tấm ảnh nói điều mới mẻ về một bức tường chiến tranh 30 năm tuổi tưởng như đã cũ.

Bài: Hiệu Minh.  Bài đăng trên Tiền phong Online

Phóng sự ảnh trên Báo ảnh Việt Nam

Bài liên quan cùng tác giả: Những tấm đá hoa cương trên bức tường chiến tranh

Ảnh: Nguyễn Vinh Quang.

Thế hệ tương lai dưới chân tường
Thế hệ tương lai dưới chân tường

Người cựu binh già

Harley Davidson
Harley Davidson
American Vet
American Vet

One thought on “Những khoảnh khắc dưới Bức tường Chiến tranh

  1. Pingback: Những phi công B52 trên bức tường chiến tranh « Hiệu Minh Blog

Comments are closed.