Khi người Việt bị cảnh sát Mỹ đánh

Ho Quang Phuong
SV Hồ Quang Phương. Ảnh: NV

Vụ cảnh sát San Jose (đọc là san-hô-dê) còng tay và đánh đập em Hồ Quang Phương đầu tháng 9 vừa qua đang gây xôn xao dư luận. Em Phương, 20 tuổi, từ thành phố Hồ Chí Minh sang Mỹ học kinh tế tài chính.

Blog HM cách nơi xảy ra vụ việc 3-4 múi giờ nên chỉ có thể “bình loạn” thông qua giới truyền thông để hầu bạn đọc.

Vụ việc qua mô tả của báo chí

Tường thuật trên báo Người Việt (NV), em Phương cho biết “Chuyện xảy ra cho tôi hồi 9:15 phút tối ngày 3 Tháng Chín. Lúc ấy, một bạn cùng phòng, Jeremy Suftin (da trắng), rửa chén, và xà bông văng vào thịt bò tôi chuẩn bị để nấu ăn. Chúng tôi lời qua tiếng lại, rồi mọi chuyện cũng xong. Khi cầm con dao chuẩn bị lóc mấy miếng thịt bò có dính xà phòng, tôi nói ‘Ở Việt Nam, tôi có thể giết ông bằng con dao này.’”

Anh Suftin lo ngại cho tính mạng của mình và gọi cảnh sát. Bốn cảnh sát viên đến tại chỗ sau khi nhận điện thoại. Lúc đó, Phương không hề có dao hay vũ khí gì trong tay.

Theo báo cáo của cảnh sát, cảnh sát viên Kenneth Siegel thấy Phương ở hành lang, hỏi tên nhưng không hiểu Phương nói gì.

Siegel bảo Phương đứng yên trong khi ông vào phòng tìm ví của Phương xem căn cước. Tuy nhiên, Phương không chịu nghe lệnh của cảnh sát là phải đứng yên, bản báo cáo cho hay.

Thay vào đó, Phương đi theo cảnh sát viên Siegel vào phòng. Cảnh sát viên Steven Payne Jr. tìm cách còng tay Phương lại. Cảnh sát viên Payne viết trong bản báo cáo rằng anh ta đẩy người sinh viên vào tường khi người này tìm cách chống lại việc còng tay.

Theo báo Mercury News, Phương nói kính cận của anh bị rơi xuống đất. Khi anh tìm cách nhặt lên, các cảnh sát viên đánh anh. Một bạn cùng phòng khác, Dimitri Masouris, dùng điện thoại để quay cảnh tượng này.

Phản ứng nhiều chiều

Cộng đồng người Việt ở đây đang nổi giận và đã có biểu tình. Nhưng có người bình tĩnh hơn, đợi kết quả điều tra của chính quyền.

Bộ Ngoại giao Việt nam nhanh chóng lên tiếng “Dư luận Việt Nam rất bất bình khi biết thông tin về sự việc này. Hành động sử dụng bạo lực và lạm dụng quyền lực của cảnh sát là không thể chấp nhận được và cần phải bị xử lý nghiêm”.

Lâu lắm mới thấy Việt Nam ta phản ứng nhanh như thế khi quyền lợi hay tính mạng công dân của mình bị đe dọa. Giá như ngư dân Việt Nam bị cướp ở Hoàng Sa cũng được lên tiếng đúng lúc thì tốt biết bao.

Ngày 27-10-2009, báo Người Việt phỏng vấn ông Andrew Hall, cảnh sát trưởng của Westminster, và được một lời hứa “Cần kiên nhẫn một chút để bánh xe công lý có thời gian khởi động và quay”.

Các luật sư của đôi bên đang tìm kẽ hở để buộc tội đối phương. Ai thắng không quan trọng, nhưng luật sư vẫn có pay check. Ở nước Mỹ rất hay, không phải bên nguyên hay bị đứng ra trước ống kính tivi hay micro của đám nhà báo, mà họ “nhờ” luật sư “phát ngôn” hộ.

Luật sư của cảnh sát Kenneth Siegel cho biết anh ta không làm gì sai trong vụ việc đánh sinh viên “Anh Phương phải chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân vì không tuân theo mệnh lệnh từ cảnh sát. Anh ta đã chống cự và không tuân lệnh, khiến sự việc căng thẳng”.

Phía bên anh Phương cũng có luật sư Nguyễn Hoàng Duyên bảo vệ khi thừa nhận, chính ông là người cung cấp đoạn video quay hình cảnh sát đánh người cho báo chí, vì “cảnh sát có nhiều điểm sai trái trong vụ này”.

Theo luật sư Duyên “Cảnh sát đã không đúng về mặt thủ tục khi bắt nghi can. Cảnh sát đã sử dụng vũ lực không theo các nguyên tắc đã được huấn luyện”. Và ông này bình luận “Tôi cho rằng nhân viên công lực đã đối xử với nghi can như súc vật”.

Trong đoạn video, tuy không rõ mặt những cảnh sát viên đánh em Phương bằng dùi cui, nhưng nghe rõ tiếng khóc, van xin của người bị đánh. Bất luận em Phương đã “chống người thi hành công vụ” như thế nào thì mấy cảnh sát Hoa Kỳ không thể biện minh cho hành động  đánh đập một người “đã bị khống chế”.

Chỉ có điều, vụ việc đã xảy ra gần 2 tháng, mặt mũi anh Phương đã lành lặn, video mới được tung ra. Giá như  video clip ấy được phát tán ngay sau ngày bị đánh thì vụ việc sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Cách hành xử của người Việt

Tôi xin kể lại một trải nghiệm của chính bản thân.  Khi mới sang công tác bên Washington DC, mới biết lái xe, dù có bằng, hiểu luật lệ rõ qua lý thuyết, nhưng ra đời lại…không nhớ.

Một lần đưa cả hai đứa nhỏ đi qua đường gần Pentagon có hạn chế tốc độ 25 miles. Ở đó lúc nào cũng đầy cảnh sát. Khi thấy một xe khác đang bị cảnh sát dừng vì lý do nào đó nên tôi vọt ga đi cho nhanh vì không muốn liên lụy.

Đi được vài phút thì đã thấy một xe cảnh sát lập lòe phía sau, ra hiệu dừng lại. Tạt xe vào mép đường, tôi mở cửa ra khỏi xe, vì theo thói quen ở Việt Nam, phải đến chỗ cảnh sát để trình giấy tờ.

Viên cảnh sát da trắng đã hét lạc cả giọng “Return to your car, return to your car – Vào trong xe ngay”. Và tay anh đã sờ vào súng ngắn đeo bên hông. Đi thêm vài bước là có thể ăn đạn vì cảnh sát tưởng bị tấn công.

Hóa ra, ở đây khi cảnh sát kiểm tra giấy tờ thì tài xế phải ngồi yên trong xe, kéo cửa chắn gió xuống, vẫn đeo dây bảo hiểm, hai tay đặt lên vô lăng để chứng minh không có vũ khí trong tay. Hành khách trong xe phải đặt tay lên hàng ghế phía trước.

Cảnh sát sẽ đi từ phía sau xe lại để kiểm tra giấy tờ. Mọi manh động khác được cho là “chống người thừa hành công vụ” có thể bị bắt, bị đánh hoặc bắn chết mà cảnh sát vẫn vô tội.

Tuy “phạm luật” như thế nhưng tôi chỉ bị viên cảnh sát nhắc nhở, một cuộc thoát hiểm kỳ lạ.

So sánh với vụ việc em Phương

Chuyện gì xảy ra trong nhà thì chỉ có cảnh sát, em Phương và mấy người cùng phòng biết rõ hơn cả. Rõ ràng, em Phương đã đe người cùng phòng “Ở Việt Nam thì anh có thể bị giết”.  Việc đó đủ cho người bị dọa gọi cảnh sát.

Việc Phương không nghe rõ mệnh lệnh của cảnh sát cũng gây ra phiền toái. Miscommunications, thiếu hiểu biết về pháp luật sở tại, dân ta lại hay đùa chết người, như hành khách dỡn tếu mang bom lên máy bay ở Việt Nam. “Dọa chơi” dễ bị rơi vào vòng lao lý.

Việc phân tích đúng sai hãy để cho các luật sư đôi bên và tòa án làm việc. Chỉ có điều, ra trước tòa cần có những chứng cứ cụ thể. Không thể dùng tình cảm quê hương để kêu gọi tòa phán xét có lợi cho mình. Người đồng bào là luật sư Nguyễn Hoàng Duyên đang có dịp chứng minh khả năng bảo vệ “thượng đế” của mình trước “thiên đường” luật pháp Hoa Kỳ.

Về phần cảnh sát San Jose có thích dùng bạo lực hay không và nhất là phân biệt đối xử với người Việt thì ông cảnh sát trưởng của Westminster sẽ tìm ra câu trả lời. Chuyện cảnh sát từng “quá tay” giết người Việt trong quá khứ đã khoét sâu hố ngăn cách nơi đây.

Việc em Phương bị đánh đập đã dấy lên nỗi lo ngại tại một nơi được gọi là mơ ước của tự do, dân chủ và nhân quyền nhất thế giới. Hãy xem pháp luật của nước Mỹ được thượng tôn như thế nào qua vụ việc này.

Nếu em Phương sai, không nghe lời cảnh sát, dẫn đến vụ việc đáng tiếc thì chính em phải rút kinh nghiệm và học được một bài làm thế nào sống ở thiên đường.

Nếu cảnh sát đã lạm dụng quyền lực, đánh người bị khóa tay thì đến lượt họ phải bị phạt, xin lỗi, đền bù. Khi đó, ai bàn chuyện Việt Nam đưa Hoa Kỳ vào danh sách CPC, Cu Ba phải đứng ra canh tự do và nhân quyền cho nước Mỹ thì cũng không oan 🙂

Có điều chắc chắn, ở xứ Mỹ này, vụ việc không thể bắt đầu bằng…khủng long và kết thúc bằng…thạch sùng.

Hiệu Minh. 28-10-2009

Tham khảo: Video Clip trên YouTube và báo Người Việt online

Đánh giá bài viết

21 thoughts on “Khi người Việt bị cảnh sát Mỹ đánh

  1. Pingback: Nước Mỹ tuần qua – số 10-2011 « Hiệu Minh Blog

  2. Pingback: Vụ SV HQ Phương: Hủy cáo trạng « Hiệu Minh Blog

  3. Minh Đăng

    Ôi dào! ồn ào quá! sống ở Mỹ mà cứ sống đàng hòang như anh Hiệu Minh thì có ai làm khó dễ gì đâu nè.

  4. Hào Hoa

    Tracy nói cũng không đúng lắm! Ở đời không có khói sao có lửa. ở Việt nam tôi thấy đôi khi họ giết người cũng rất dễ dàng chỉ vì một cái nhìn đểu hay pha đèn vào mặt nhau nhiều người đi đường lưng có lận hung khí và sẳn sàng giết người vì những chuyện không đâu vào đâu, nếu công an Việt Nam mà dữ dằn như cảnh sát Mỹ thì có lẽ những vụ như vậy ở Việt Nam sẽ bớt rất nhiều.

  5. Tracy!

    Tôi đã chứng kiến nhiều việc mà cảnh sát Mỹ làm. Nhiều người polite nhưng cũng có nhiều người rất mean and rude. Trong trường hợp này, dù Phương ko nghe theo mệnh lệnh của họ lúc đầu. Nhưng một khi họ đã khống chế được him, thì họ ko cần phải đánh đập him như thế. Mục đích của việc đánh này là gì?

    Có thể họ cần dùng đến bạo lực để khống chế him, nhưng khi đã giữ được him, he mất khả năng chống cự, thì họ đánh đập him chỉ là cách họ trút giận vì he ko nghe lời.

    Tôi ko nghĩ rằng Phương đúng. Nhưng cũng ko thể nào chấp nhận cách hành xử này của cách sát. 4 tay cảnh sát với những cây súng trong tay, khống chế 1 người ko có vũ khí, đã bị mất khả năng kháng cự, rồi sau đó đánh đập người đó dù him đã van xin. Đó là cách cảnh sát đối xử với 1 con người sao?!

    Nói tiếp chuyện kiện tụng ra tòa. Luật pháp Mỹ chặt chẽ, công bằng nhưng lại có quá nhiều lối để trắng thành đen và đen thành trắng. Nếu anh có đủ CHỨNG CỚ HỢP LÍ để biến đen thành trắng, biến guiltiness thành innocence, anh đem nó ra toà, bồi thẩm đoàn và chánh án thấy đúng và có lí, họ chịu nó là trắng, là innocence nhưng thực chất nó là đen là guiltiness.

    Blog HM: Ý kiến của quí vị rất chuẩn xác. Nhất là luật pháp Mỹ và tòa án. Vì thế mới cần luật sư giỏi. Nếu không thì rất khó thắng kiện.

  6. Sự việc thì đã xảy ra rồi. Nhà chức trách Mỹ cũng chủ động điều tra từ trước khi Bộ NG VN yêu cầu họ phải làm như vậy. Kết quả thế nào phụ thuộc vào phân xử của tòa án.

    Nhân chuyện này, tôi thử lý giải nguyên nhân gốc của sự việc như sau:

    1) Có thể Phương không hiểu hết luật pháp Mỹ: em sinh viên này có thể rất ngạc nhiên khi thấy một sự việc “nhỏ” như thế mà cảnh sát cũng phải xuất hiện làm nghiêm trọng hóa vấn đề – một điều có thể chưa bao giờ xảy ra ở đất nước VN của em. Sự không hiểu này có thể làm cho em nghĩ rằng sự có mặt của cảnh sát là vô lý khi em mới chỉ đe dọa chứ chưa giết ai, dẫn đến tâm lý phản ứng bực tức với cảnh sát ngay từ đầu. Tâm lý này rất dễ gây ra các hành động không tuân theo mệnh lệnh cảnh sát. Phương không hiểu rằng khác với ở đất nước em, cảnh sát ở Mỹ luôn xuất hiện rất nhanh khi nhận được những tin báo về một vụ gây rối, một vụ đe dọa giết người. Khi cảnh sát ra lệnh thì cứ phải làm theo cái đã, kể cả việc đưa tay cho họ còng trong khi bản thân mình thấy chẳng phạm tội gì, rồi hạ hồi phân giải sau. Trong trường hợp này, Phương có thể là nạn nhân nếu đúng là cảnh sát hơi quá tay, nhưng những người như Phương nói chung thực ra đang sống trong một môi trường rất an toàn ở đây, khi mà nguyên tắc thượng tôn pháp luật được tuân thủ không chỉ trên giấy tờ. Việc cảnh sát Mỹ xuất hiện ngay khi chỉ nhận được tin báo có sự đe dọa giết người là 1 minh chứng cho sự an toàn cá nhân được đảm bảo cao như thế nào trong xã hội Mỹ. Và việc nhà chức trách đình chỉ công việc và tiến hành điều tra hành vi của các cảnh sát liên quan mà chưa cần phải có yêu cầu của Bộ NG VN cũng là 1 minh chứng cho sự thượng tôn pháp luật của nước Mỹ. Các em sinh viên VN khi du học ở Mỹ rất cần phải học 1 khóa cơ bản về môi trường pháp luật của Mỹ. Cưỡng lại mệnh lệnh cảnh sát ở Mỹ có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc khôn lường.

    2) Cảnh sát Mỹ chưa hiểu hết người VN và những tính cách của họ được hình thành từ rất lâu từ khi họ được sinh ra và giáo dục trong một môi trường hoàn toàn khác biệt với nước Mỹ, khi mà những việc rất bình thường ở Mỹ dưới con mắt của họ lại là bất thường và ngược lại. Vì vậy cảnh sát Mỹ cũng rất nên tham dự các khóa học về văn hóa và môi trường pháp luật ở những nước khác biệt với Mỹ nếu có nhiều sinh viên ở các nước đó sang Mỹ du học.

    Vì thế tôi đoán rằng nếu cả 2 bên hiểu nhau hơn thì sự việc có lẽ không đến mức như vậy. Từ vụ việc này, rất cần rút ra những bài học cần thiết.

  7. Small

    Chú thật là…có tài. Câu nào viết ra cũng thâm thuý 🙂
    Cảm ơn bài viết này của chú vì đã giúp mọi người hiểu thêm về nước Mỹ.
    Tối qua cháu xem film “có kẻ theo dõi” của Mỹ, có đoạn ngay khi cảnh sát ra lệnh, hai cậu trai giơ tay lên, mặt tái xanh, run rẫy, ú ới ko ra tiếng nhưng ngoan ngoãn theo lời cảnh sát trong khi kẻ bắt cóc đang mang em gái mình đi, giây phút này rất căng thẳng.Cháu cứ thắc mắc sao 2 cậu này ko bỏ chạy đi? ko nói rõ với cảnh sát để tóm lấy kẻ bắt cóc hoặc vùng vẫy thoát ra khỏi cảnh sát để cứu lấy em gái mình?…giờ đọc bài viết này của chú HM, cháu đã hiểu vì sao rồi.

  8. Pingback: Ngoclinhvugia's Blog

  9. meogia

    уго чавес, hihi, nick hay the! Tong thong Venezuela cung vao blog cua anh HM do!

    1. hieuminh

      уго чавес là “anh hùng” của xứ Mỹ la tin. Bất kể Mỹ làm gì anh đều chống lại. Đất nước Venezuela của anh rất nhiều dầu hỏa, tiền như đất, nên уго чавес nói gì dân cũng nghe 🙂

  10. Cubo

    Buồn cười nhất là tờ báo tuổi trẻ đăng cái tít giật gân ” Cú đánh chết người nhắm…” nghe hết hồn tưởng Hồ Phương tiêu rồi chứ??? một số người trên các diễn đàn còn thành kính phân ưu với gia quyến Hồ Phương nữa chứ!? té ra anh vẫn còn sống nhăn răng mà kiện tụng cảnh sát Mỹ. Đăng báo mà như báo tuổi trẻ không ổn chút nào nếu không muốn nói là đánh lận con đen cố ý gây hiểu lầm phải không các bác?

    Cám ơn anh Hiệu Minh. Xem blog của anh nhiều mà chưa bao giờ bình lọan gì cả. Anh viết rất hay, đúng là văn phong của kẻ có tài.

  11. Tùng Tùng Quát

    Nếu Phương ở VN và trong tình huống tương tự bị cảnh sát VN đánh thì sao? Chắc là lại được nghe giọng điệu quen thuộc ” Cảnh sát trật tự đã vung tay nhưng không may chạm phải Phương”

  12. Flan

    Ở nước Mỹ rất hay, không phải bên nguyên hay bên bị đứng ra trước ống kính tivi hay micro của đám nhà báo…”
    —–
    Cái này hay, chứ ở VN báo chí cứ theo gót công an, mặc nhiên đăng hình người ta như là có tội rồi. Nhớ mấy em sinh viên bị bắt trong vụ phát tán “Vàng Anh” đấy

  13. Flan

    Em nghe vụ này hôm trước, giờ có bác HM bình lựng lại rõ ràng. Cám ơn bác.
    Khen BNG ta lên tiếng bảo vệ quyền lợi công dân ở nước ngoài sớm, chứ không như hầu hết các vụ khác.

    Em Phương một phần không hiểu tiếng Anh và nắm vững luật lệ Mỹ lắm…trường hợp này cũng là 1 bài học nữa cho các em, các cháu đi du học đây.

    Hiện tại chưa rõ tòa án sẽ phán quyết ra sao, nhưng em tin Mỹ sẽ xử đúng người , đúng tội ( em Phương cũng may mắn là có LS Việt bào chữa cho).
    Nhớ ở Hà nội cách đây vài nam, có trường hợp mây em HS phổ thông bị tai nạn xe hơi, kiện tụng mãi ..hóa ra người gây án là môt cậu ấm”…

  14. thuy

    Cậu Hồ này nguyên là HS trường chuyên Lê Hồng Phong, trường trung học số 1 của toàn miền Nam. Đủ trình độ để đi du học Mỹ, có thể xem cậu như là tinh hoa của giới học sinh VN.
    Vậy mà chỉ có 1 chuyện bé xíu, cậu sẵn sàng giơ dao dọa xin tí huyết bạn cùng phòng, nói tiếng Anh cảnh sát Mỹ không hiểu, họ ra lệnh, cũng không hiểu nốt !!!! Như vậy là về ngôn ngữ lẫn tư cách cậu Hồ đều có vấn đề. Ở VN, người ta dạy cho HS những gì ???

    1. Hồ Giáo

      Bạn Hồ Phương này nên về hỏi thăm thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương làm thế nào để có “Cỏ non” cho bò Texas hơn là đi học, dọa đâm bạn để rồi bị trừng trị…

  15. Rau Sang

    Bác Hiệu Minh ơi, tui khoái nhất cái câu cuối của bác “Có điều chắc chắn, ở xứ Mỹ này, vụ việc không thể bắt đầu bằng…khủng long và kết thúc bằng…thạch sùng.” Đúng sai thế nào có tòa phân xử nhưng dứt khoát không thể biến khủng long thành thạch sùng được, phải không bác.

  16. Bộ ngoại giao VN đã nhanh chóng phản ứng là “Dư luận VN rất bất bình về sự việc này…” song tôi thấy chẳng ai quanh tôi tỏ ra bất bình cả, họ còn đang rất bất bình với việc BNGVN im lặng quá lâu trước việc ngư dân miền trung tránh bão tại qd hoàng sa VN bị lính trung quốc xua đuổi bằng súng đạn thậm chí còn đánh đập cướp bóc dã man khi tan bão nhằm triệt hạ không cho họ ra khơi kiếm sống. không biết nhà cầm quyền nghĩ sao khi cả người Indo, malay gần đây cũng vây bắt ngư dân ta?

    Quân đội, Hải quân anh hùng của ta đâu rồi?

  17. Lưu Văn Say

    Dear bác HM,

    “Ở nước Mỹ rất hay, không phải bên đơn hay bị đứng ra trước ống kính tivi hay micro của đám nhà báo…”

    – Sao lại “bên đơn hay bị” mà phải bên “nguyên” hay bên “bị” chứ nhỉ?

    – Em cũng nghĩ như bác về chuyện tốc độ và mức độ phản ứng của BNG trong so sánh với vụ ngư dân tránh bão. Và cả chuyện President ta khẳng định lúc thức lúc ngủ canh giữ hòa bình thế giới nữa…!

    Bác cứ khỏe và hóm nhé!
    LVS

    Blog HM: Cảm ơn bác LVS đã chỉ ra chỗ “đơn” vì quen là nguyên đơn mà…

  18. Nhiều khi thần khẩu hại xác phàm! Mọi chuyện bắt đầu từ cái bọt xà phòng, nếu ngay từ đầu bạn Ph biết kiềm chế một chút, dùng lời lẽ ôn hòa một chút thì đâu đến nỗi rắc rối như thế. Vừa cầm dao vừa đe dọa ngay sau cuộc cãi vã(dù đó có thể là lời nói giỡn) thì ông bạn da trắng cùng phòng hãi là đúng rồi.

  19. уго чавес

    em này còn may chán, nếu em không học ở mỹ mà ở nga thì không biết cái gì xảy ra và chẳng ai lên tiếng bênh em cả.

Comments are closed.