“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”

Mùa Thu Virginia
Thu vàng Virginia. Ảnh: HM

Sáng nay đi làm, đưa hai cu nhóc ra bến xe bus của trường đưa đón. Chúng chạy tung tăng, đuổi theo những lá vàng mùa Thu của Virginia đang đến. Chợt nghĩ đến email của người bạn tuần trước.

Anh thông báo vừa nhận được thư mời về dự Hội nghị kiều bào toàn cầu lần thứ nhất, tổ chức tại Hà nội vào 20-24/11/2009.  Dự kiến có khoảng 650 đại biểu đại diện cho các giới nhân sỹ, trí thức, doanh nghiệp, tôn giáo về dự và đóng góp những ý kiến tâm huyết cho đất nước.

Anh rủ tôi về cùng cho vui.  Có lẽ do công việc làm ăn, tôi khó mà dứt ra được, trừ phi có chuyến đi của sếp lớn để bám càng.

Không hiểu sao cha này, thời những năm 1970 học ở Mátxcơva, lại lang thang sang tận xứ Mỹ làm ăn và đã có quốc tịch Mỹ hẳn hoi. Ở đây không ai hỏi thu nhập bao nhiêu, nhưng nhìn cái nhà gần triệu đô cũng đoán ra anh thu nhập thuộc loại cao.

Mới đây, nghe chuyện mấy vị trí thức IDS sắp bị đem ra “xử lý” vì những “phát biểu thiếu xây dựng”, anh và vài người bạn gọi điện hỏi tôi, thế này là thế nào, tại sao lại thế. Thông điệp này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh kêu gọi chất xám quay về xây dựng đất nước và lại xảy ra ngay trước thềm hội nghị kiều bào toàn thế giới.

Anh đang lo, bài phát biểu dự định tại hội thảo có vấn đề gì không. Khen xã giao dễ quá, nhưng tham gia chuyên đề “Chuyên gia, trí thức kiều bào, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước”, đôi khi chủ nhà phải nghe những điều khó lọt tai, vai trò của trí thức vốn là phản biện mà.

Các bố Việt kiều này quen sống và làm việc với hệ thống pháp luật rõ ràng, chính phủ minh bạch, nên đôi lúc muốn “đi tắt đón đầu” thật nhanh để nước mình được như Tây. Áp dụng vào Việt Nam đâu có dễ. Cái gì cũng cần thời gian, nhất là con người cần được thay đổi trước.

Tôi khuyên anh, cứ yên tâm, chả có vấn đề gì đâu. Đất nước mình vẫn đánh giá cao sự đóng góp của kiều bào, máu thịt của Việt Nam. Quan trọng là sau hội thảo thì những ý kiến tâm huyết nào được đưa vào thực tế cuộc sống.

Nếu sợ xảy miệng thì thôi đừng nói gì. Tuy nhiên, nên mua vé máy bay về dự, được ăn ở miễn phí, đi du lịch, dành thời gian cho họ hàng, thấy đất nước thay da đổi thịt. Sống xa tổ quốc, nhưng lòng vẫn hướng về cội nguồn, cũng là một đóng góp quan trọng.

Nghe tôi nói thế, anh có vẻ yên tâm. Không hiểu, anh đã đăng ký tham dự hay chưa.

Mấy hôm nay, anh gửi cho tôi những bài thơ của Olga Becgon qua lời dịch của Bằng Việt. Cha này vẫn không quên nước Nga huyền diệu thời trẻ, chắc cũng dăm mối tình vắt vai ở xứ bạch dương. Ngày trẻ, tôi cũng chép thơ của nữ thi sỹ lãng mạn này vào sổ tay. Tuy sai be bét, nhưng gửi cho bạn gái, vẫn được “thêm điểm”.

Theo anh, thơ Olga Becgon là một trong những kiệt tác của nền thi ca Nga. Nhưng thật buồn cười, anh lại dùng cho những lời bình về bản thân, về đời, rất độc đáo, chẳng liên quan gì đến tình yêu lứa đôi mơ mộng trong thơ. Có lẽ bác này hâm hâm kiểu mọt sách rồi.

Thu vàng trên đại lộ nước Nga. Ảnh: internet

Từng là một thanh niên đầy nhiệt huyết, làm khoa học, sau bao năm cơ chế, chẳng phát triển được gì, ngoài mấy đồng lương còm cõi, vừa đủ nuôi thân. Bỏ đi, lang thang bao xứ người, để rồi một hôm, anh nhận ra “Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn//Em mới hiểu bấy giờ anh có lý//Chuyện cũ xa rồi, mình cũng xa cách thế//Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa”. (Không đề)

Những đề án tâm huyết gửi cho sếp, nhưng lại bị xếp xó, anh phê lên trang đầu “Chỉ có một lần thôi//Em hỏi anh im lặng//Thế mà em hờn giận//Để chúng mình xa nhau”. (Câu chuyện mười năm).

Mùa hè rớt” tả đúng tâm trạng người trí thức sống đời hiu quạnh ở nước người “Sao ơi sao, sao sắp lặn vào đêm//Ta biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt//Nhưng chỉ mãi bây giờ ta mới biết//Yêu đương, giận hờn, tha thứ, chia tay”.

Ở Mátxcơva, thời của Olga những năm 1930, vào mùa Thu sẽ thấy những tấm biển trên các đại lộ “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”. Không hiểu sau 70 năm, biển đó có còn không, nhưng bài thơ đi mãi cùng năm tháng.

Những người trí thức lúc xế chiều thì kho báu mới bắt đầu bộc lộ. Họ như những lá mùa Thu rực rỡ, đóng góp cho đất nước những chắt chiu giá trị như vàng ròng lúc cuối đời. Nhưng họ cũng mong manh, động vào, sẽ rụng xuống như lá thu kia.

Nguyên khí quốc gia, nhất là những cây cao bóng cả, cần được trân trọng, lắng nghe, như người Nga nâng niu những chiếc lá sắp rơi trên đại lộ. Dân tộc ấy vĩ đại hơn người vì biết nghe hơi thở của cây khi Thu tàn Đông đến.

Xin kết thúc entry bằng khổ đầu của bài “Mùa lá rụng” mà anh email cho tôi sáng nay. Bỗng thấy rất hợp với cảnh Thu vàng Virginia đang bắt đầu.

Những đàn sếu bay qua//Sương mù và khói toả//Mátxcơva, lại đã Thu rồi//Bao khu vườn như lửa chói ngời//Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ//Những tấm biển treo dọc theo đại lộ//Nhắc ai đi ngang, dù đầy đủ lứa đôi//Nhắc cả những ai cô độc trong đời//Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng.”

Mùa Thu lá đổ. Ảnh: HM.

Bài và ảnh: Hiệu Minh. 22-10-2009.

Đánh giá bài viết (di chuột trên hình sao và chọn…)

33 thoughts on ““Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”

  1. Pingback: Tiến sỹ Phạm Gia Điền và cây thanh hao hoa vàng | Hiệu Minh Blog

  2. nguyenvn

    Cho em góp một phiên bản (Bằng Việt dịch) nữa có vẻ cũ hơn do từ ngữ trong đó:

    Những đàn sếu bay qua sương mù và khói tỏa
    Trên Mạc Tư Khoa lại đã thu rồi
    Những khu vườn cây như lửa chói ngời
    Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ

    Những tấm biển treo dọc theo đại lộ
    Nhắc những ai đi qua, dù đầy đủ lứa đôi
    Nhắc những ai từng cô độc trong đời:
    – Tránh đừng động vào cây ! Mùa lá rụng…

    Ôi trái tim tôi, trái tim một mình tôi
    Đập hồi hộp trên phố hè xa lạ
    Buổi chiều kéo lang thang qua mưa gió
    Khẽ rung lên bên khung cửa sáng đèn

    Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình?
    Tôi có thể yêu ai – ai làm tôi hạnh phúc?
    Tránh đừng động vào cây ! Mùa lá rụng…
    Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi.

    Nếu không còn gì mơ ước nữa trong tôi
    Thì có nghĩa chẳng còn chi để mất
    Anh từng ở đây – từng là người thân yêu nhất
    Sao lúc này làm người bạn cũng không
    Không hiểu vì sao tôi cứ nghĩ ngẫm trong lòng
    Rằng sẽ phải xa anh vĩnh viễn
    Anh con người không vui – con người bất hạnh
    Con người đi cô độc quá trên đời
    Thiếu cẩn trọng chăng hay chỉ đáng nực cười ?
    Thôi hãy kiên tâm, mọi điều đều phải đợi…

    Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi
    Cơn mưa rơi thầm thì lúc chia ly
    Mưa thấm đẫm mà ấm áp nhường kia
    Mưa run rẩy trong ánh trời chớp lóa
    Anh hãy vui lên dẫu đường đôi ngả
    Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp cơn mưa…

    Tôi ra ga, lòng lặng lẽ như xưa
    Một mình với mình thôi, không cần ai tiễn biệt
    Tôi chưa nói cùng anh cho đến hết
    Nhưng lúc này cần phải nói gì thêm

    Cái ngõ nhỏ con tràn ngập màn đêm
    Những tấm biển dọc đường càng thấy trống
    – Tránh đừng động vào cây ! Mùa lá rụng…
    Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi.

    1. Bác Bằng Việt dịch bài này hay và có hồn. Cảm ơn tâm hồn lang thang Nguyễn.

      Đọc lại bài này, thấy thời đó bỗng hiện lên. Mùa thu Virginia lại đang đến rồi.

      1. nguyenvn

        Em chép sai vài chỗ:
        “Các vườn cây như lửa chói ngời”
        …”Anh từng ở nơi đây _ từng là người thân yêu nhất…”
        Là một trong những bài thơ yêu nhất của em, nên xưa nay vào blog HM mà em chưa dám còm, đêm bang khuâng không ngủ được lại vào. Khi nào các bác bình thơ em lại xin góp đôi chút.

  3. Pingback: Perestroika – Cái nhìn của người Việt từng trải qua « Hiệu Minh Blog

  4. Đào Hiếu Liêm

    Ở VN, trí thức phải biết nghe lời. Nếu không, trí thức chỉ là … trí ngủ.

  5. Nguyễn Tử Thư Điền

    HM ơi,
    Ba năm qua rồi, quay lại tìm thấy nguyên bản “Mùa lá rụng” và bản dịch của Bằng Việt. Cảm ơn bác Tân Tân có công sưu tầm và nhà thơ Bằng Việt đã dịch. Phải là tác giả “Bếp lửa” mới dịch được như vậy, cho đến nay mình chưa thấy bản nào hay hơn, chớm thu Hà Nội đọc thích thật. Gần đây có HTQ dịch lại nghe thế nào ấy.

    Đọc lại nhận xét của HM: “Những người trí thức lúc xế chiều thì kho báu mới bắt đầu bộc lộ. Họ như những lá mùa thu rực rỡ, đóng góp cho đất nước những chắt chiu giá trị như vàng ròng lúc cuối đời. Nhưng họ cũng mong manh, động vào, sẽ rụng như lá thu kia”, thấy thích quá.

    Cả nước đang chống tham nhũng kéo mình về với thực tế và tự nhiên nảy ra ý nghĩ rất phàm tục về những quan tham. Mình kém, không biết diễn tả sao, cứ đạo đoạn văn trên, áp vào thấy tức cười quá. “Những người tham nhũng lúc xế chiều thì kho báu mới bắt đầu bộc lộ. Họ như những rễ mùa xuân phồn thực, rút ruột của đất nước những chắt chiu giá trị vội vàng lúc đương quyền. Nhưng họ cũng mong manh, động vào, sẽ rụng như lá thu kia”. Văn hòn văn cục cứ lổn nhổn như bản dịch lại kia. Nghe không đươc thì chữa lại giùm nhá, đừng cười đấy.

  6. Pingback: IDS: Khi trí thức…từ chức « Hiệu Minh Blog

  7. Pingback: Gs. Phan Đình Diệu bàn về Toán học và Dân chủ « Hiệu Minh Blog

  8. Pingback: Ly Café đắng trước cửa Bộ Ngoại giao « Hiệu Minh Blog

  9. Chuoi ngư

    ”Những người trí thức lúc xế chiều thì kho báu mới bắt đầu bộc lộ. Họ như những lá mùa thu rực rỡ,đóng góp cho đất nước những chắt chiu giá trị như vàng ròng lúc cuối đời . Nhưng họ cũng mong manh ,động vào ,sẽ rụng như lá thu kia ”
    Ước gì các nhà lãnh đạo đất nước hiểu được lời tâm huyết ấy và biết lắng nghe ,làm theo những lời nói phải . Như nước Nhật đã khôn ngoan đón nhận rất nhiều ” nguyên khí quốc gia ” của người Việt làm niềm vinh danh cho đất nước mình .

    .

  10. Pingback: Làng khoa học Việt Nam ở Nhật Bản | Dinhtan's Blog

  11. Pingback: Làng khoa học Việt Nam ở Nhật Bản « Hiệu Minh Blog

  12. Pingback: Thông báo của Tòa soạn Cua Times « Hiệu Minh Blog

  13. đọc đến những dòng chữ cuối cùng chợt nước mắt vô ý lăn dài… chỉ còn biết đếm thời gian mong chờ đến giây phút đất nước tự do hay phồn vinh như người ta vẫn hứa

  14. Hình ảnh những trí thức Việt Kiều được bác so sánh như chiếc lá thu vàng mong manh trên cành “đắt” nhỉ? Lá muốn rụng về cội, nhưng liệu có được trân quý, nâng niu? E vẫn còn là một câu hỏi lớn!
    Chúc bác một tuần mới nhiều niềm vui.

  15. Pingback: Tin 24-10-2009 « BA SÀM

  16. binh thuong thoi

    Cảm ơn bác, bài rất hay. đọc xong thấy lòng buồn man mác, rồi đất nước sẽ thay đổi thôi.

  17. Dong

    Lá này rụng thì lá khác mọc lên. Anh bạn của anh Hiếu Minh cứ việc đụng vào cây, lá rụng có khi nào làm u đầu chảy máu đâu mà sợ !

    Riêng bài thơ thì hay tuyệt rồi !

    1. hieuminh

      Đợi lá khác mọc lên và rụng xuống là khoảng thời gian một đời người, cái giá phải trả quá lớn.

  18. Hà Vinh

    Cám ơn nhiều về bài viết chí tình chí lý của HM. Tôi vẫn đọc Bạn đều. Có những dòng này là vì muốn hưởng ứng lời mời to Check bản dịch bài thơ Mùa lá rụng..

    Sau đây tôi chép bản dịch bài thơ từ cuốn Thơ Trữ tình TK Thế giới TX XX ( NXB Văn Học Hn. 2005 ):

    Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả
    Maxcơva, lại đã thu rồi!
    Bao khu vườn như lửa chói ngời
    Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ,
    Những tấm biển treo dọc theo đại lộ
    Nhắc ai đi ngang, dù đầy đủ lứa đôi
    Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
    “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”

    Ôi trái tim tôi, trái tim của một mình tôi
    Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ
    Buổi chiều kéo lang thang trong mưa giá
    Khẽ rung lên bên khuôn cửa sáng đèn
    Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình
    Tôi có thể yêu ai, ai làm tôi vui sướng?
    “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”
    Nhắc suốt đời cũng chỉ bấy nhiêu thôi.

    Nếu không còn gì ao ước trong tôi
    Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất
    Anh từng ở nơi đây, từng là người thân nhất
    Sao phút này làm người bạn cũng không?
    Tôi chẳng hiểu vì sao cứ ngùi ngẫm trong lòng
    Rằng tôi đã phải xa anh vĩnh viễn…
    Anh – con người không vui, con người bất hạnh
    Con người đi cô độc quá trên đời!

    Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười?
    Thôi hãy biết kiên tâm. Mọi điều đều phải đợi
    …Dịu dàng quá ,dịu dàng không chịu nổi
    Cơn mưa rơi thầm thĩ lúc chia ly
    Mưa tối rầm nhưng ấm áp nhường kia
    Mưa run rẩy trong ánh trời lấp loá…
    Anh hãy cố vui lên,dù con đường hai ngả,
    Tìm hạnh phúc yên bình trong ấm áp cơn mưa…

    Tôi ra ga. Lòng lặng lẽ như xưa
    Một mình với mình thôi, không còn ai tiễn biệt.
    Tôi không biết nói cùng anh đến hết
    Nhưng bây giờ cần phải nói gì thêm?
    Cái ngõ con đã tràn ngập màu đêm
    Những tấm biển dọc đường càng thấy trống…
    “Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng!”

    1938

    Blog HM: Cảm ơn anh Hà Vinh thật nhiều vì đã đọc blog và kỳ công chép lại bài thơ. Tôi tin bản này mới là gốc. Internet có sức mạnh tuyệt vời vì khả năng kiểm chứng và chia sẻ tri thức

  19. meogia

    Bai tho “Mua la rung” song mai voi thoi gian, du 70 nam hay ca tram nam.

    Cam on anh nhieu.

  20. Giả sử chấm điểm văn thì cho 10 bài này
    Tý thời cuộc vào cũng là đương nhiên và đưa vào cũng nhuyễn đấy chứ
    Mùa thu Nước Nga nao lòng lắm, nhắc lại làm tôi thấy hiện về 1 mùa cũ không quên đã xa – có : những chiều vàng như mái tóc, xõa trên vai nàng cùng lá thu rơi ( trích thơ ký niệm của tôi với bạn gái Ludmila thường đi dạo rừng thu ngoại ô maxcova )

    Ngày xưa giá bác HM đi học nghệ thuật thì cũng không uổng

  21. Trình tiếng Nga của anh cũng nể nhỉ. Hôm nọ có đứa bắt gõ tiếng Nga tôi cứ nhặt insert từng ký tự một.

    Còn cái hội nghị Việt Kiều, vì nó mà tôi phải tự đục bỏ nát be bét bài của mình trên diễn đàn khác. Vậy tốt nhất là không phát biểu ở đây.

    Tuy nhiên có kinh nghiệm dự vài cái hội nghị có nhiều Việt Kiều tham dự thì họ cứ phát biểu thoải mái, chẳng ai làm gì đâu. Ngay cả những người sống ở VN như bác Bùi Kiến Thành cũng nói thoải mái. Có ai nghe theo không mới là vấn đề!

    Ông bạn tôi đi một vòng từ khi chia tay nhau ở Liên Xô bây giờ lại về đây đeo hộ chiếu ngoại lấy vợ tập 2 (vợ nội)!

  22. Bố cu Bill

    Đọc bài của bác mà chợt thấy buồn man mác, tự nhiên nhớ bài viết “Nỗi lòng trí thức mùa vu lan” của bác Vũ Ngọc Tiến, chắc là sự chồng lấn hay đan xen của cảm xúc, cũng là một chữ than của trí thức.

    “Nếu sợ xảy miệng thì thôi đừng nói gì. Tuy nhiên, nên mua vé máy bay về dự, được ăn ở miễn phí, đi du lịch, dành thời gian cho họ hàng, thấy đất nước thay da đổi thịt. Sống xa tổ quốc, nhưng lòng vẫn hướng về cội nguồn, cũng là một đóng góp quan trọng.”

    Bác HM làm tuyên huấn được đấy nhỉ, đọc vài dòng đấy thôi bác cũng hướng được bao nhiêu tấm lòng về đất Việt.

    Rất thích đọc những bài viết của bác, nó nhẹ nhàng và sâu sắc. Chúc bác và gia đình cuối tuần vui vẻ !

  23. Flan

    Người trí thức hay nguyên khí quốc gia, nhất là những cây cao bóng cả, cần được trân trọng, lắng nghe, như người Nga nâng niu những chiếc lá mùa Thu trên phố. Dân tộc ấy vĩ đại hơn người vì biết nghe hơi thở của cây khi Thu tàn Đông đến.

    chà, bác không thể nào ngắm cảnh mà không quên nhiệm vụ được nhỉ? hihihi

  24. Flan

    Được đọc lại thơ Olga Becgon, ngắm lá vàng mùa Thu của Virginia chợt thấy lòng sao mà xao xuyến. Cám ơn anh HM.

  25. Tân Tân

    Xin phép bác gữi bài thơ với các bản dịch khác.
    http://forum.sachhay.com/showthread.php?t=907

    Blog HM: Sợ mất đường link nên chép bản tiếng Nga do bác Tân Tân sưu tầm để bạn đọc tham khảo. Bài thơ viết năm 1938 và không hiểu sau 70 năm thì những dòng chữ kia còn trên phố Moscow. Nếu độc giả nào bên Nga chụp được cái ảnh và gửi lên mạng cho mọi người chiêm ngưỡng. Cảm ơn bác Tân Tân

    Ольга Берггольц

    ЛИСТОПАД

    Осенью в Москве на бульварах
    вывешивают дощечки
    с надписью
    “Осторожно, листопад!”
    ———————————————————————————
    Осень, осень! Над Москвою
    Журавли, туман и дым.
    Златосумрачной листвою
    Загораются сады.
    И дощечки на бульварах
    всем прохожим говорят,
    одиночкам или парам:
    “Осторожно, листопад!”

    О, как сердцу одиноко
    в переулочке чужом!
    Вечер бродит мимо окон,
    вздрагивая под дождем.
    Для кого же здесь одна я,
    кто мне дорог, кто мне рад?
    Почему припоминаю:
    “Осторожно, листопад”?

    Ничего не нужно было,-
    значит, нечего терять:
    даже близким, даже милым,
    даже другом не назвать.
    Почему же мне тоскливо,
    что прощаемся навек,
    Невеселый, несчастливый,
    одинокий человек?

    Что усмешки, что небрежность?
    Перетерпишь, переждешь…
    Нет – всего страшнее нежность
    на прощание, как дождь.
    Темный ливень, теплый ливень
    весь – сверкание и дрожь!
    Будь веселым, будь счастливым
    на прощание, как дождь.

    …Я одна пойду к вокзалу,
    провожатым откажу.
    Я не все тебе сказала,
    но теперь уж не скажу.
    Переулок полон ночью,
    а дощечки говорят
    проходящим одиночкам:
    “Осторожно, листопад”…

    1938.

    Đây là bản dịch của nhà thơ Bằng Việt. Xin độc giả kiểm tra lại xem có đúng bản gốc hay không. Lưu truyền trên internet dễ bị tam sao thất bản.

    MÙA LÁ RỤNG

    Những đàn sếu bay qua sương mù và khói tỏa
    Mátxcơva lại đã thu rồi
    Bao khu vườn như lụa chói ngời
    Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ

    Những tấm biển treo dọc theo đại lộ
    Nhắc ai đi ngang qua dù đầy đủ lứa đôi
    Nhắc cả những ai cô đơn trong đời
    Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng

    Ôi trái tim tôi, trái tim của một mình tôi
    Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ
    Buổi chiểu kéo lang thang mưa giá
    Khẽ rung lên bên khung cửa sáng đèn

    Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình
    Tôi có thể yêu ai – ai làm tôi vui sướng
    Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng
    Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi

    Nếu không có gì ao ước trong tôi
    Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất
    Anh từng ở đây – từng là người thân nhất
    Sao lúc này làm người bạn cũng không

    Không hiểu sao mãi ngùi ngẫm trong lòng
    Rằng tôi đã phải xa anh vĩnh viễn
    Anh con người không vui – con người bất hạnh
    Con người đi cô độc quá trên đời

    Thiếu cẩn trọng chăng hay chỉ đáng nực cười
    Thôi hãy biết kiên tâm mọi điều đều phải đợi
    Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nỗi
    Cơn mưa rơi thầm thì lúc chia ly

    Mưa dịu dàng nhưng ấm áp nhường kia
    Mưa run rẩy trong ánh trời lấp lóa
    Anh hãy cố vui lên con đường hai ngả
    Tìm hạnh phúc yên bình trong ấm áp cơn mưa

    Tôi ra ga lòng lặng lẽ như xưa
    Một mình với mình thôi không cần ai tiễn biệt
    Tôi muốn nói cùng anh đến hết
    Nhưng lúc này còn phải nói gì thêm

    Cái ngõ con đã tràn ngập màn đêm
    Những tấm biển dọc đường càng thấy trống
    Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng

Comments are closed.