Nuôi lợn…liệt truyện

Nuôi lợn trên nhà cao tầng. Ảnh internet

Hôm trước có entry “Tập thể…liệt truyện”, em Vân Linh của WB bên Washington DC đọc xong, liền vào phòng chào anh Cua. Em cười và nói thích những chuyện thời bao cấp. Vân Linh bảo, anh viết truyện nuôi lợn ở nhà cao tầng đi, em giúp cho vài tích. Rồi em vừa kể vừa lau nước mắt.

Người nuôi lợn và lợn…nuôi người?

Những năm cuối 1970, chẳng hiểu ai nghĩ ra nuôi lợn giữa thủ đô đầu tiên. Do đói kém, không có gì ăn đành phải tăng gia, nuôi gà vịt kể cả lợn, dù ai cũng biết là bẩn thỉu cảnh người lợn, lợn người cạnh nhau.

Sau đó, phong trào lên cả những nhà cao tầng. Vào khu tập thể, thay vì hỏi gia chủ có mạnh khỏe không, câu chuyện bắt đầu bằng những chú lợn.

Bác Tâm, hàng xóm ở Thành Công, có ông chồng gầy ho sù sụ cả ngày, nhưng nuôi lợn cực giỏi, béo tốt hơn cả chồng con.

Nhà bác thường nuôi hai con, theo bác nói, để chúng tranh nhau, háu ăn, chóng lớn. Tính bác hơi chan chát, nhưng tốt tính, có lẽ vì thế mà có tay nuôi lợn.

Mang mấy cái xô nhựa đi gửi tầng trên, tầng dưới, lấy nước gạo, thức ăn thừa, rau muống già để không mất tiền thức ăn. Lợi đủ đằng. Mấy ngày Tết thì lợn hưởng như người, có có cả bánh chưng thiu hay giò mốc vì để dành.

Người ta thường chọn lợn cái, ít người mua lợn đực. Bọn thiếu nữ lợn đến tuổi động đực, kêu réo cả ngày không chịu ăn gì, má cứ đỏ hây hây. Các cụ nhìn qua phía đuôi cũng biết là cần kế hoạch hóa gia đình cho nàng.

Mẹ và con. Ảnh: internet

Thế là có dân hoạn lợn từ Gia Lâm qua Long Biên vào thành phố. Đang làm thơ lãng mạn, anh thương yêu em đến cuối đời, anh thề nguyền sẽ chung thủy, thì bỗng có tiếng rao “Hoạn lợn đây, hoạn cả lợn nam, lợn nữ, một phát ăn ngay, không sót trứng, không bỏ tinh hoàn, hoạn xong, lợn lớn như Thánh Gióng”. 

Có lần mình sang chơi nhà bác Tâm, giả vờ khen lợn mới hoạn có vẻ chóng lớn. Bác sa sầm nét mặt vì người ta kiêng khen, nhưng cũng chẳng thích chê. Tốt nhất là ngắm lợn từ xa và tự chiêm nghiệm cuộc đời xem có giống lợn hay không.

Quả thật, hôm sau bác than, chẳng hiểu sao lợn ỉa lỏng, không chịu ăn gì cả. Hai vợ chồng đang lo mất ăn mất ngủ. Nhưng mấy ngày cuối tuần, bác vồn vã gọi, chú Cua vào chơi xơi nước, cứ tưởng do vía chú độc nên lợn ốm, rủa chú oan.

Hóa ra từ hôm chú sang chơi, lợn vật vờ do đau vết hoạn, nay khỏe hơn. Cứt lợn bây giờ khô lắm, tôi có thể bốc tay cho vào chuồng xí được. Chú ăn lạc, uống nước đi.  Lợn ỉa vón cục mừng hơn cả chồng vừa dứt cơn hen.

Vân Linh kể rất tội nghiệp. Bố mẹ cũng nuôi chú lợn trên tầng 3. Thiếu nước ăn, tắm giặt cho người nhưng vẫn phải đủ nước để dội phân, tắm mát cho lợn.

Em là con gái mới 8 tuổi vào đi ị, sợ hết hồn, vừa ngồi vừa run. Con lợn gần tạ cứ ủi em ngã đổ vào tường để tranh thức ăn…thải.

Bây giờ lấy chồng, có hai con, định cư bên Mỹ rồi. Em vẫn có giấc mơ Mỹ không thành là nuôi heo bên xứ cao bồi để dạy con cái. Có trải qua gian khổ mới nên người.

Em kể, hồi đó vào mùa Tết, nhà được phân phối 1 kg thịt bò, sang lắm. Các cụ kho mặn rồi để trên bếp dầu, dành cho các con ăn dần ba ngày Tết. Cạnh đó là chuồng lợn, chính là cái buồng tắm, đã ngăn bằng một cái vỉ tre rất to và chắc. Cả nhà yên tâm đi chơi đón Giao thừa.

Khuya về thấy cái vách ngăn tung lên, nồi thịt bò bị lợn xơi sạch hết sạch. Các con nước mắt ngắn dài, tiếc nồi thịt đứt ruột. Thế là hết Tết.

Nhưng hai cụ còn lo lắng hơn khi thấy con lợn 50kg đang kêu réo, chõ mõm vào cái xô nước đã cạn tới đáy.

Hóa ra cu cậu chén cả nồi thịt bò mặn quá nên khát nước. Uống bao nhiêu nước cũng chẳng ăn thua. Mấy ngày liền toàn nằm thở, bụng chướng, tưởng không qua khỏi. Mà lối đời, thịt lợn ốm không bán được cho ai, có bán cũng như cho.

Run lập cập, các cụ thắp mấy nén hương, khấn trời đất giúp cho lợn tai qua nạn khỏi. Giời có mắt, thương người nghèo, chú lợn khỏi bệnh nan y thời đại “đời lợn ăn mặn, đời chủ tràn nước…mắt”.

Được 80kg, bố mẹ bán cho hàng thịt và lấy cả cái thủ chiêu đãi các con đã phải nhịn thèm mấy ngày Tết vì mất nồi thịt bò.

Nhớ thời lụt lội ở bến Chương Dương, người ta thấy một người đàn ông cởi trần, lội nước đẩy một cái bè, sơ tán cả nhà lên đê sông Hồng. Trên cái bè là bà vợ vung vẩy tay chỉ đạo. Bên cạnh là cậu con trai cởi truồng, rét run nhưng vẫn vỗ tay hoan hô.

Trên cái bè là một cái giường, đủ chăn chiếu, chú lợn to tướng nằm ủn ỉn. Lợn phải tránh nước lũ rất độc, nếu không sẽ ốm, mất cơ nghiệp.

Sự phân chia giai tầng rất rõ thời đó: CỤ LỢN trên giường, ÔNG CON trên bè, BÀ VỢ đứng chỉ huy và THẰNG CHỒNG lóp ngóp đẩy bè.

Giáo sư VNC từng nuôi lợn. Ảnh: internet

Chuyện của Giáo sư Văn Như Cương kể vui về một gia đình trí thức còn thú vị hơn. Hai vợ chồng nhà nọ thấy khổ quá, cũng bắt chước nuôi lợn. Chả biết có lãi gì không nhưng hàng xóm ghen ăn tức ở, báo công an.

Nhà công lực lập biên bản “Giáo sư XXX nuôi lợn, vi phạm qui tắc vệ sinh thành phố. Phạt vi cảnh 5 đồng (lương hồi đó 60 đồng là to lắm), và phải bán lợn ngay lập tức”.

Giáo sư xem xong và đề nghị “Các anh giúp sửa một vài từ trong biên bản, tôi sẽ ký và nộp phạt ngay”.

Hỏi ra mới biết ông đề nghị sửa “Lợn nuôi giáo sư XXX” cho đúng hoàn cảnh gia đình nhà giáo nghèo và lương thiện.

Nghe nói mấy anh công an gạt lệ ra về và suy tư về thời đại “Lợn nuôi người”.

Thịt lợn…trộm

Những năm 1960, nhà ai nuôi lợn phải đăng ký với UB. Thịt, mua bán đều làm đơn trình báo, rồi nộp thuế khá cao. Lợn nhà mình bỏ tiền ra mua, nuôi bằng nước gạo và cám nhà mình, nhưng thuộc sở hữu nhà nước.

Dân thì vốn gian. Chả ai dại gì đi nộp thuế vài đồng một đầu lợn, trong khi cả con lợn chỉ được vài chục đồng. Thế là có chuyện thịt lợn trộm, đủ kiểu, đủ bài. Công an hay dân quân, kể cả lính nhà đoan cũng phải lắc đầu.

Ông Thiêm hàng xóm nhà Cua nổi tiếng là đồ tể lợn. Cụ chọc tiết một phát là đầy chậu, lợn chết ngay tắp lự. Quan trọng nhất là lợn không kêu thành tiếng. Eng éc là hàng xóm đi báo công an xã, họ đến tịch thu cả lợn, lại còn phạt tiền, sạt nghiệp, rồi phê cả vào lý lịch, gia đình không gương mẫu, con cái khó vào đoàn Thanh niên.

Lợn thời @. Ảnh: Corbis

Bài giết lợn của cụ Thiêm thật đơn giản. Cho cái vồ vào đầu, lợn ngất, cho ngay bàn lên chọc tiết. Chậm chút là lợn chết, tiết không ra thì thịt đỏ và hôi. Lũ trẻ được giao trách nhiệm trông dân quân đi tuần. Nếu ai lạ thì cảnh báo, chả khác gì ngoài chiến trường.

Một nồi nước sôi cạnh bụi tre, cạo soàn soạt 10 phút xong chú lợn. Chia phần chính xác đến từng khúc ruột kể chim lợn. Các cụ còn gọi là đánh đụng, nhà ông một đùi, nhà tôi nửa đùi, cắt cắt, xẻ xẻ, trong nửa tiếng, con lợn biến mất như chưa từng có trên thế gian này.

Sáng sớm hôm sau, bà già gầm lên, cha tiên nhân năm đời, mười đời nhà đứa nào ăn trộm lợn của bà. Mày ăn rồi mày nôn thốc thốc nôn tháo, chẳng được nên người.

Đó là thông điệp ngầm cho chính quyền địa phương về con lợn “biến mất” đêm qua. Làng Tụ An ấy cứ vài ngày lại có cảnh mất lợn và tiếng chửi vang như hát hay.

Dân quân xã tới lập biên bản và tìm quanh thấy cả một đống lông lợn cùng phân tro ngoài bụi tre. Hỏi, sao bọn trộm giỏi thế, ăn cắp con lợn to tướng, không ai biết, chó không cắn, mang ra bụi tre, đun nước xẻ thịt, không ai hay thì thật lạ. Đây là con dao bầu của nhà bà Ba phải không.

Sau này còn nghĩ ra kiểu cho mấy hạt đậu vào tai lợn, lợn lọng óc không kêu, cứ thế mà chọc tiết.

Thời mở cửa, dân đồ tể châm điện, lợn giật một cái là…đi, không kêu thành tiếng vì sợ ô nhiễm tiếng ồn trong khu phố.

Có lần bà già đánh đụng thịt lợn của hàng xóm, mang về xào nấu thơm lừng. Bỗng dân quân ập vào kiểm tra. Bà vội mang cái chã đầy thịt ra bụi tre giấu. Họ đi khắp trong nhà, dưới bếp cũng không tìm ra.

Dân quân đi rồi, bà ra lấy lại, thì than ôi, kiến vàng bu đầy. Vừa thổi vừa đuổi kiến, lũ con háu ăn chén tất. Kiến vàng hơi đăng đắng, cũng chẳng sao, so với mùi thịt lợn thơm và nước mắm tép vàng ươm chén với cơm trắng đầu mùa, Tổng Cua chưa thấy cao lương mỹ vị nào bằng.

Bây giờ nuôi lũ con sao mà khó thế. Thịt kho tầu cực ngon, chúng bỏ hết mỡ, chỉ ăn nạc, lại còn chê ỏng chê eo, sao nhà mình toàn ăn pork.

Giá như chúng đọc những dòng này sẽ hiểu tại sao, mỗi lần nhìn lũ con chê cơm, vứt thức ăn vào thùng rác, rồi sợ mỡ trong máu, Tổng Cua rơi nước mắt.

Chả hiểu từ bé sống no đủ,  Bin và Luck có nên cơm cháo gì không. Thằng bố của chúng ngày xưa, cả năm được vài miếng thịt lợn trộm mẹ mua ăn với kiến vàng, rồi cũng nên người.

HM. 11-11-2011

41 thoughts on “Nuôi lợn…liệt truyện

  1. Thông Thương Binh

    HM ơi, có biết ở Thành công dạo ấy có cả người nuôi cóc nữa đấy. Bà ấy là một giáo sư dạy ở trường đại học y dược, chiều nào cũng xuông sân giữa B5 và B6 băt cóc bất kể con to con nhỏ, con to thì về lầm thịt ngay còn con bé thì để nuôi cho đến lớn. Lam thịt xong có được ăn ăn đâu nà đóng để đem bán, thịt cóc bổ nhất hạng mà.Nhưng cung thối kinh khủng mỗi khi vị nữ giáo sư đỏ ruột da coc xuông công, nhưng cũng không ai giám kêu vf đo la nguồn thu nhâp chính của bà ấy mà.

  2. Ngu si

    “Miếng ngon nhớ lâu ,điều đau nhớ đời ” !Quên làm sao được cái thời : “Lợn ta nuôi nó cho lợn
    lậu , thóc ta làm nó bảo thóc gian (!) “

  3. Pingback: Nuôi lợn thời bao cấp « TIN TỨC HÀNG NGÀY – Online

  4. CON KHI

    Ai hỏi ” Bao giờ cho đến Ngày xưa ?”

    Đã có câu trả lời ….

    Hóa ra các các bạn ” ôn nghèo kể khổ”…( Toàn những người đang ở ” cái xứ dẫy chết”
    nhớ về thời cũng chưa xa mấy……
    Cái thời đó ai ai cũng đua nhau ” khoe nghèo”, tự hào vì nghèo… phải tìm ra mọi lý do mà “tự hào”

  5. THANH NGUYEN

    Thời đó gia đình tôi rất khó khăn,Mẹ tôi phải đi mua thêm hạt bobo về cho anh em chúng tôi tranh thủ ngoài thời gian học bài,cùng Mẹ xay ra lấy bột bán cho hàng xóm làm bánh cho dễ ăn,còn cái xác(vỏ)bobo thì nấu lên nuôi lợn.kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học Anh tôi học gỏi đạt giải toán miền bắc,sắp thi đại học thì phải đi lính tiếc rơi nước mắt.Vào lính thi đậu vào trường học viện hậu cần.Học ở trường giỏi nên được nhà trường cử người về quê thẩm tra lý lịch để cho đi học nước ngoài,cả gia đình mừng rơi nước mắt.Một thời gian sau gia đình chúng tôi nhận được thư anh,trông thư viết: Con không được đi học ở nước ngoài vì lý lịch họ ghi là gia đình mình “buôn thúng bán mẹt”,khổ thân Mẹ vất vả nuôi con.

  6. ti4mat

    Nghe máy bác nói tới chuyện heo lợn sao tôi nhớ cái ngày ngăn sông cấm chợ, mình thì ốm tong ốm teo, cứ phải bó thịt heo, ở bụng, ở đùi, mắt la mày lét trốn chui, trốn nhủi khi đi qua trạm để mang được mấy ký thịt từ Long An về Sài gòn để gia đình cải thiện, hay có miếng thịt để nấu bánh chưng vào ngày tết, về nhà tắm không biết bao nhiêu lần mà mùi thịt sống vẫn bám vào da thịt cứ muốn nôn ói ra, nhớ lại còn sợ chết khiếp. Vậy mà khi, món ăn ngon nhất với tôi chắc là ăn vụng được miếng tóp mỡ chan với cơm, nước mắm sao mà ăn thấy sướng thế không biết.

  7. QH

    Nhà em cũng có chuyện vui về nuôi lợn. vào năm 76 có đứa em con chú đi bđ sau nhiều năm bặt tin tức vừa từ nam ra không những khoẻ mạnh lành lặn lại có huân chương đeo ngực, đi xe đạp nữ khung võng mua được trong sài goòng. Bố em mừng quá liền tóm con lợn giống chưa đầy 20kg mổ thịt, ai cũng sợ tiếng nó kêu, có người bày cách lấy tro bếp bỏ vào bao tải chụp vào đầu nó rồi chọc tiết, con lợn chỉ hộc ặc ặc chứ không kêu được, kinh!
    Cả gia đình đang phấn khởi vì nhiều lý do bên mâm cơm thì ông bí thư chi bộ cùng ông đội trưởng sản xuất xách cặp đến thông báo ” đồng chí là đảng viên 30 tuổi đảng mà không gương mẫu, vi phạm qui định, lợn nghĩa vụ chưa nộp cho nhà nước mà dám mổ thịt, chúng tôi đến lập biên bản” bố em trình bày lí do rồi mời 2 ông ăn cơm chia vui với gia đình việc biên bản làm sau, 2 ông kiên quyết từ chối và bảo gia đình cứ ăn cơm chúng tôi chờ được ( trong cái nhà 3 gian bé tí tẹo) mấy cụ cao niên mời ” gãy lưỡi” cũng không ăn thua bố em liền bảo mọi ngưòi chờ tí rồi ông ra bàn hí hoáy viết một hồi đưa qua, đến lượt 2 ông thất kinh vì đó là cái đơn xin ra khỏi đảng!

    1. Ban IT

      Tôi không nghĩ là năm 1976 khi làm thịt lợn lại phải nộp nghĩa vụ. Những năm 1960 thì có thể. Bác xem lại chút về thông tin này.

      1. QH

        Đúng đấy bác bạn IT ạ, những năm đó ở nông thôn miền bắc hằng năm các hộ nông dân trong HTX vẫn phải nộp nghĩa vụ 1 số lượng thực phẩm cho nhà nước như lợn hoặc gà,ngan, vịt., chó mèo thì không được. Sau khi nộp rồi trong chuồng còn lợn muốn mổ( có lý do chính đáng) phải xin cấp phép-nộp thuế sát sinh hoặc bán cho nhà nước theo giá “cân đối”, gà vịt thì mổ thoải mái.

  8. TC Bình

    Phong trào nuôi heo cũng lan ra cả miền Nam nữa các bác ạ. Mới vào trường mình đã nếm “đòn lợn” này. Số là cơm tập thể thì học sinh ăn không hết, vì ít đồ ăn quá, nên hay mang về phòng để tối ăn. Từ khi thầy hiệu phó nuôi heo thì có lệnh cấm mang cơm về phòng. Cấm thì cấm chứ bọn mình cũng vẫn cứ… như cũ. Sau này khi ở khu tập thể ở chỗ khác thì có thầy cũng nuôi heo. Này nhé, chồng làm trưởng phòng giáo vụ, vợ là giáo viên chính trị, có hai con còn nhỏ, khu tâp thể là căn nhà lầu 3 tầng thế mà nuôi được mấy con heo mới hay. Ông này hách, bọn mình ghét nên tìm cách phá. Cứ nhè lúc đứa nhỏ đang ngủ là chọc heo cho nó réo ầm lên hoặc là chẻ củi trên sân thượng. Mới đầu thầy còn chửi, sau không thấy hiệu quả mới dùng chiêu tình cảm. Bọn mình quý mến rồi thì bồng con, phụ giúp lặt vặt cho. Có lần heo bệnh chết mà thầy đi phép về quê, bọn mình túm vào làm thịt, lại nhờ mẹ thằng bạn bán thịt ở chợ bán dùm cho, đỡ biết bao. Bây giờ thì thầy giầu lắm rồi, ở biệt thự và có nuôi chăng là nuôi …gái. Khi ra trường thì sếp phó của mình cũng nuôi heo trong khu tập thể. Nhìn cảnh sếp ở cơ quan về là xắn quần móng lợn gánh nước tắm heo thật tội.
    Mấy người mình vừa kể đều ở ngoài Bắc vào công tác. Thấy họ chăm chỉ, có khi lam lũ mình phục và thương. Mình nghĩ họ đã từng sống trong môi trường XHCN miền Bắc, không chăm chỉ như thế có mà chết đói. Bây giờ thì khác xưa nhiều lắm, người ta làm giầu bằng đủ cách mà đa phần là bất chính. Chợt nhớ đến thầy Văn, cuối năm 1975 từ ngoài Bắc tăng cường vào dạy môn văn năm mình học lớp 12. Thầy ốm yếu xanh xao, quần áo thì sạch sẽ nhưng không giấu được sự nghèo khó. Giữa đám học sinh quần áo tinh tươm thầy vung tay giảng : chế độ ta là chế độ ưu việt của xã hội loài người. Nhà thầy ở quê chắc cũng nuôi heo. Con heo còn biết là ai thường cho nó ăn thì đến chuồng nó mới kêu. Bác nào đã nuôi heo thì biết.
    Lan man vài dòng, mong rằng se giải trí cho các bác trong chốc lát.

  9. Như đã kể bên entry về khu tập thể, nhà XT tăng gia không được mát tay: gà, lợn hay thỏ cũng chỉ được 1 lứa là dẹp. Bà cô ruột thì bù lại lứa nào lợn cũng ~90 cân.Cô thông báo xin nước gạo và thức ăn thừa để nuôi lợn nên nhà tôi luôn có 1 chậu unwgj nước gạo và các đồ người ăn không nổi. Nhà mình không nuôi lợn nhưng trong buồng tắm thì vẫn có mùi của nhà nuôi lợn 🙂 .

    Hàng ngày thằng em họ mình vác 1 cái xô nhựa to đùng qua các nhà để thu thập đồ về nuôi lợn. Có lần hắn vác cái xô chứ danh qua bếp nhà tôi nhà tập thể qua bếp nới vào được buồng tắm) và trượt chân ngã. Hôm ấy lợn nhà hắn thì no gấp đôi còn cả nhà tôi thì đói. Tôi hậm hực mãi cho đến khi bà cô bán lợn mời mọi người đến làm 1 bữa thì mới nguôi một chút.

  10. Kính chào các bác,

    Cuối tuần, nhân đọc được “liệt truyện Lợn nuôi người” này của bác Hiệu Minh, tôi, thật đúng… “gạt lệ ra cười”, nhất là khi đọc được câu văn này: “Nghe nói mấy anh công an gạt lệ ra về và suy tư về thời đại “Lợn nuôi người”.“!

    Thấy: hồi xưa sao mấy anh công an lại “yêu… đồng bào” quá không biết!

    Nghĩ: ngày nay họ có còn như thế nữa không?

    Nhớ: nhà thơ Nguyễn Duy có một bài thơ rất hay về “ngày nay”, tôi chép ra đây để các bác cùng đọc cho… “dzui”! 🙂

    cứ ấn tượng bàn tay bậc thầy mổ cá
    bái phục giáo sư vặt lông vịt thiên tài
    Tiết vịt sống hài hoà lòng vịt chín
    món tiết canh thần tiên lấp lỗ hổng sọ dừa

    Có một “hiệu ứng” khá lí thú xảy ra như thế này, nếu chúng ta thay “vịt” bằng “lợn”:

    cứ ấn tượng bàn tay bậc thầy mổ cá
    bái phục giáo sư vặt lông lợn thiên tài
    Tiết vịt sống hài hoà lòng lợn chín
    món tiết canh thần tiên lấp lỗ hổng sọ dừa

    Có mấy dòng “suy tư về thời đại” như thế muốn chia sẻ với các bác.
    Xin chúc các bác một cuối tuần thanh thản!
    Trân trọng.

    1. Oops.. Lâu lắm mới thấy bác Trương Đức lên tiếng. Tay Roland kể say sưa về thành Buda và Pest, kể cả cái lâu đài bên sông.

      Dạo này, KD đang buồn. ANDT bỏ nhà đi xa.

      Quí Vũ đang lo cho gia đình. Bạn ấy đang bên Mỹ mà không gặp nổi nhau. Mong QV mọi việc đâu vào đó.

      1. Daqui

        DQ thì có khá nhiều kỉ niệm về chuyện nuôi lợn . Chả thế mà có hẳn 1 biệt danh từ thời ấy là ” Nữ hoàng nước gạo ” . Nhưng ko biết có phải bị lây bệnh … buồn của nàng KD hay ko mà lại ko thể viết được gì . Huhu !

  11. chinook

    Khoảng năm ’76. Ban chỉ huy trại cho chúng tôi nuôi heo. Nhà nuôi heo được cất gần nhà bếp , nền trang xi măng rất sạch sẽ. Mấy người trong tổ anh nuôi(nấu bếp) được bố trí chăm sóc heo. Thức ăn heo trên nguyên tắc là đò dư thừa của nhà bếp.

    Nhìn đàn heo mập tròn , khỏe mạnh. được chăm nom cẩn thận mà bọn tôi phát thèm. Vào mùa nắng , nước giếng gần trại vì nằm trên cao nên cạn. Đám anh nuôi phải gánh nước cả 200m để tắm cho heo. Vào lúc khó khăn, chúng tôi được cấp khoai sùng. Chúng tôi phải nhằn bỏ phần sùng khi ăn hoặc gặp những trường hợp tệ hơn, cắt bỏ thêm và nấu lại với lá giang hay lá me tây để dễ nuốt. Mấy con heo , có lẽ vì là giông heo tư bản(Yorkshire) ,không chịu ăn .Báo hại đám anh nuôi phải lựa nhưng củ tôt nhất nấu riêng cho chúng.

    Đến dịp lễ 2/9 , đươc thông báo sẽ giết xx con heo, yy con bò ,zz con dê , cộng thêm nai, mễn cán bộ đi săn… bọn tôi háo hức chờ đợi. Đến ngày lễ , trong phần ăn bon tôi,mỗi người được thêm một miêng heo , hay chi chi đó băng ngón tay út.

    Sau dịp đó , chung tôi bớt hồ hởi mỗi khi tới dịp lễ lớn.

  12. chuoinguw

    Ngày đó con lợn nhà em ăn nhiều rau quá suy dinh dưỡng lông gáy dựng đứng . .còn con mèo cho gặm xương thì nó cứ đứng liếm láp cục xương một cách tội nghiệp .

    Cụ già nói vui : Nhà mình nuôi thế nào mà lợn biến thành .. dê , mèo thì gặm xương như … chó

  13. em nghĩ ai cũng có những ký ức/ám ảnh về cái thời đó.
    nhà em cũng có thời nuôi lợn như vậy, nhưng may ở nông thôn nên có thể làm cái chuồng con con cạnh phòng ở tập thể. Em nhớ mãi một con lợn của nhà em khi bị bắt đi bán làm thịt( vì đã lớn) đã nước mắt lưng tròng, dãy dụa mãi vì phải từ biệt con lợn con ” kế nhiệm”. Thường mẹ em hay nuôi vậy, nếu 1 con lợn đã lớn lỡ cỡ thì sẽ nuôi một con bé tí teo kèm theo để khi bán con lớn là có con nhỡ nhỡ khác rồi. Ban đầu khi mới cho con lợn bé ấy vào chuồng thì con lớn cắn, ức hiếp con bé nhiều lắm. Sau này lớn hơn, quen hơn thì chúng nó quấn quýt bên nhau..và ngày người ta bắt con lớn đi thì con lớn đã khóc vậy đó.
    Một thời gian khó..để tồn tại ..người ta phải kiếm bao nhiêu cách để kiếm tiền một cách lương thiện như thế…những đồng tiền cơ cực..Nhưng có lẽ vì thấm nỗi khổ của cha mẹ nên con cái cũng phải cố gắng hơn, trân trọng bát cơm, miếng thịt nhọc nhằn mới có…
    Em cũng có nỗi khổ như anh Cua khi con cứ chê thịt chẳng muốn ăn..bảo con là ” có nơi các bạn không có cơm mà ăn, ước mơ miếng thịt đó con”, thì con lại trả lời:” ừ thì con gửi tặng các bạn thịt đó đó “!
    nghĩ tới cuộc vận động ” Cơm có thịt cho trẻ con vùng cao” của anh Trần Đăng Tuấn mà thấy rơi nước mắt, nhớ lại thời xưa xưa của chính mình…

  14. Anh Kiệt

    Thời đó có câu: “Con ốm đi bệnh viện/ Lợn ốm đánh điện chồng về ngay”

      1. Taans

        Chắc cũng về ngay thôi, vì hồi đó điện tín thường không dấu. 🙂

  15. TEO

    Các bác bảo thời bao cấp ngừời vn sống tình nghĩa thế mà bây giờcác bác kể chuyện đi tố nhau vì miếng thịt.Dân ta xấu từ ngày ấy kìa,giống như căn bệnh vậy,nó lên bệnh lâu rồi bây giờtới thời điểm cộng với môi trừơi nó bùng phát

    1. Cái bệnh ấy nó lây lên cả internet rồi bác Tèo ạ. Nhiều người chỉ thích tìm cái xấu để nói xấu nhau, nhưng cũng có người tìm ra cái xấu để chúng ta sống tốt hơn. Cái đó thuộc về nhân cách của cả người viết lẫn người đọc.

  16. TC Bình

    Hồi đó ba má mình sống bằng nghề nuôi heo nái, cho ăn bằng bắp vàng (dân mình chỉ trồng bắp nếp, luộc ăn chơi không phơi khô) và gạo Mỹ viện trợ (sau này biết là gạo mua của Thái Lan) mà dân mình chê không dẻo nên không ăn, hoặc bằng gạo đỏ mùi vị rất nồng giá rẻ bèo (hình như bây giờ người ta lại nói gạo này ăn bổ lắm hi hi). Khi tập ăn cho heo con thì nấu cháo trộn sữa Mỹ viện trợ. Loại sữa này béo và lạt. Có điều lạ là hầu như chả ai thích uống, mà có uống cũng bị tiêu chảy. Bọn trẻ con chúng mình thường lấy trộm gói vào mấy vở học trò rồi kê dưới chân giường cho nó đóng thành bánh thì ăn ngon và không bị tiêu chảy. Chả biết sao nhưng bọn mình cứ cho là nó bị hả hơi thì ăn không sao. Có lần mình ăn nhiều quá nên tiêu chảy kịch liệt. Má mình sợ quá đem lên quân y của quận, Bs nghe mình khai thật thì cười và cho về, he he.
    Sau này nghe ông bác ở ngoài Bắc vào kể chuyện mổ heo lậu mình rất ngỡ ngàng vì thấy thậm vô lý. Bác kể có lần mổ heo vô ý để cho đứa cháu bị câm điếc nhìn thấy. Thế là cậu chàng ra đường gặp ai quen cũng vừa ú ớ vừa nhiệt tình ra dấu khoe nhà mổ heo. Cả nhà được phen vừa tức cười vừa xanh mặt.
    Đến năm 81-82 thì chính nơi mình ở nếm mùi “bán nghĩa vụ”: heo nuôi ra phải bán cho HTX Mua Bán giá rẻ hơn thị trường tự do. Chả thấy kiểm kê gì nhưng ai bán cho tư nhân mà bị bắt thì bị phạt. Thế là mấy lò giết mổ tư nhân có chiêu ngay. Chỉ cần một cái búa tạ, một con dao bầu là đủ. Ai bán heo là họ đến tận nhà. Chủ nhà đã nấu sẵn nước sôi, a lê hấp, nhấp nháy là xong. Thiệt giỏi. Đến bây giờ mình vẫn nhớ ơn chú em họ đã mổ heo lậu dùm mình trong ngày cưới vợ. Chú ấy bây giờ sống ở Mỹ, giá có dịp nào biểu diễn lại nghề xưa chắc tụi Mỹ phải quỳ xuống mà lạy.
    Nói đến Mỹ lại nhớ anh mình kể là nếu có thèm thịt tươi hoặc lòng heo thì phải rủ được vài tay người Việt cùng ra ngoại ô mà mua heo của người Lào nuôi thả trong trang trại. Chọn con nào cứ chỉ nó bắn cho, xong tự mà làm thịt lấy đem về bỏ tủ đá ăn dần. Giá cả thì có rẻ nhưng nhiêu khê quá. Hóa ra khoản này thì không sướng bằng mình. He he.

    1. Nghe bác TCB kể chuyện dân MN cho lợn ăn sữa Mỹ mà thèm. Thời đó trẻ con không có sữa uống bao giờ nên không có chất lactos thì phải, và nếu dùng sữa là bị đi ngoài.

      Cu cậu câm mà nói được sau vụ mổ hẻo mới là tài.

      Mình cũng nghe nói dân VN sang trời Tây rồi mà máu tiết canh lòng lợn nên tìm cách đi mua lợn, giết và tự chia nhau cho có vẻ nhớ quê hương. Tôi chưa bao giờ được hưởng loại thịt ấy.

      1. TC Bình

        Mà sao sữa tươi uống ở trường học do Mỹ viện trợ (chắc là do USAID)thì không sao, lạ thế. Em gái mình bị suy dinh dưỡng vì bú sữa Guigoz trắng. Chả là Guigoz trắng đã tách chất béo nên mắc hơn Guigoz vàng. Ba má mình có biết đâu, cứ nghĩ mắc là tốt. Khổ thế.

      2. quyền

        HM bảo trẻ con thời đó không có sữa uống nên không có chất lactos? Có thể ở thôn quê MN khổ cực không có sữa uống vì chiến tranh tàn phá , nhất là thôn quên miền trung VN . Chiến tranh bom đạn, và cả 2 bên dàn quân đánh nhau gây khó khăn cho nông dân làm ăn thì làm sao nông dân giàu có nhất là các vùng có chiến sự hoặc vùng ban ngày là VNCH ban đêm là MT GPMN kiểm soát. Còn trẻ con MN ở thành thị thì sữa uống là chuyện thường ngày, trẻ con đi học thì có sữa uống miễn phí. Ngày đó cha mẹ quan niệm ăn cơm là đủ,còn chuyện sữa thì có cũng được không có cũng được và cha mẹ chỉ chuộng cho con cái uống sữa trong họp nhôm(Gi Gô) Guigoz thôi.

        Kể bác nghe chuyện này số là chính quyền MN lúc ấy có thuyết phục nông dân dùng máy cày nông nghiệp để cày ruộng thì các lão nông thời ấy không đồng ý với lý luận rằng dùng bò lợi hơn vì không phải tốn xăng, cộng với bò nó ị ra lúc cày thì cũng là phân bón làm cho ruộng tốt hơn và sau khi không còn cày nữa thịt nó đem bán cũng có tiền, lợi rất nhiều hơn máy cày.Như thế đó bác ạ.

        Chuyện khác là con gái MN mà đi với người ngoại quốc thì đều là Me Mỹ Me Tây, làm nhục nhã ông bà tổ tông. Chỉ có các cô gái hư đốn mới đi chung với người nước ,lấy chồng nước ngoài. Nhất là các cô gái ở nông thôn không bao giờ dám cho cha mẹ biết mình quen với người nước ngoài. Còn mấy cô gái VN ngày nay đi với bọn tây thì kênh cái mặt lên, hãnh diện như l2 đẳng cấp co cấp. Ùn ùn đổ xô lấy Tây , ngay cả “tây” châu Á da vàng mũi tẹt hoặc “Tây” châu Phi đen như cột nhà cháy cũng rất hấp dẫn con gái VN chứ chưa nói tây châu Âu , châu Mỹ.

        Nhớ hồi bao cấp cơm không có ăn,phaỉ ăn độn đủ thứ cái. ăn lúa mì, bo bo thì đi ị nó ra
        như rằng đi ị nó ra nguyên si thứ ấy. lúc ấy mơ tưởng lại trước kia gạo Mỹ thì chê lên chê xuống nào là gạo hột to quá , ăn không dẽo không thơm như gạo nàng hương ,nàng thơm, móng chim vv.vv ,và đem thứ gạo ấy cho gà ăn hoặc nuôi heo ,làm rượu đế giờ thì gạo gì cũng không có, ngay cả gạo mục còn không có mà ăn.

        Hoặc như gạo đỏ là gạo lức thứ thiệt cũng chê tuốt, chỉ có ai bị bệnh đau bao tử mới ăn gạo lức với múi mẹ thị mới dùng, thế mà sau đó cái loại gạo cũng màu đỏ nhưng chẳng phải là gạo lức thật sự cũng không có để mà ăn. Đúng là lúc no đủ nên đú đởn ,ỏng ẹo chê lên chê xuống đến khi đói không có cái mà ăn , đói vàng mắt thì lại hối tiếc, mơ tưởng thì cũng chẳng có .

  17. XT là học sinh thầy VNC. Xin đính chính 1 chút thầy là Phó giáo sư (chẳng biết phó cho ông nào), không phải Giáo sư. Vụ “Lợn nuôi Văn Như Cương” thì thầy Cương cũng lên báo thanh minh, thanh nga 🙂

    http://www.vtc.vn/390-259176/vi-pgs-cua-giai-thoai-nuoi-lon-gs-chau-that-may-man.htm

    Ngày đó, câu chuyện về phó tiến sỹ Văn Như Cương nuôi lợn đã được lan truyền khắp các nơi và trở thành giai thoại. Nói đến đây, ông chợt xua tay đính chính: “Tôi vốn là người hài hước nên muốn nhìn sự việc theo một cách gì đó dí dỏm. Thế rồi trong những lần ngồi chơi cùng bạn bè tôi đã kể câu chuyện, có anh phó tiến sỹ nọ nuôi lợn trên tầng và bị đoàn vào lập biên bản. Anh ta có nói: “Các ông không được viết là tôi nuôi lợn mà phải là lợn nuôi tôi thì tôi mới ký”. Ông cười rồi bảo: “Đấy là một nhân vật trong câu chuyện vui của tôi chứ không phải là tôi. Vì tôi cũng chưa bao giờ bị lập biên bản với cái tội đó đâu”.

    Câu chuyện mang tính gây cười, nhưng ông bảo dẫu sao để nhớ lại một thời đáng… nhớ. Cái thời mà đến bữa cơm chỉ thấy toàn hạt bo bo và canh rau muống, khiến ta phải ao ước “nay ở trong cơm nên có… gạo” hoặc “nay ở trong canh nên có…thịt”. Trong những lúc khó khăn, tiếng cười có tác dụng giải tỏa ưu phiền…

    1. He he. Bị anh học trò bóc mẽ…. Cảm ơn nhiều.

      Thú thật là mình cũng bị gán nhiều chuyện tương tự. Nhưng cứ coi đó là câu chuyện có thật của ai đó để vui và dễ nhớ. Mình gọi là giáo sư vì ông ấy dạy học, còn mình không tin là ông VNC lại cần chức danh gs.

      Ông ấy vì bộ râu dài mà không được đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Cũng may vì như thế mới sinh ra VNC không bằng cấp và có uy tín hơn nhiều vị TS, GS khác.

    2. Cua Đồng

      Cụ có kể chuyện này trên VTV3 hình như là chương trình người đương thời.Còn cụ có nuôi lợn hay không bác nào gần nhà mới rõ.

  18. KTS Trần Thanh Vân

    Xin góp 2 tích nữa:
    – Người đầu têu nuôi lợn trong biệt thư khu “Trung Nam Hải Hà Nội” là cố Phó Thủ tướng Phạm Hùng. Được biết phòng làm việc của ông được lau rất sạch và mát mẻ, lợn được ăn no rồi thì vào nằm “thư giãn” ngay dưới gầm bàn làm việc của ông. Đến giờ, lợn được xua vào “Nhà vệ sinh giành riêng” để “giải quyết” , chẳng may có hiện tượng vô kỷ luật làm bậy thì các cậu cận vệ vào lau dọn. Đó là một thứ “Chơi cây cảnh” của ông PTT, ai không tin, tìm các ông cựu cán bộ của VPTW mà hoi.
    – Có ông PTT đi đầu rồi, nên các gia đình cán bộ VPTW, ban Kinh Tế, Ban Công nghiệp ở nhà tập thể 4 tầng 103 phố Nguyễn Trường Tộ đua nhau trong căn hộ của mình. Họ nấu cám lợn bằng dây Mai – xo Liên xô và vì thế xuất hiện hỏa hoạn do cầu chì bị cháy vì điện dùng quá tải. …. còn nhiều chi tiết nữa buồn cười lắm

    1. neratovice

      Bác Vân cũng đã từng ở KTT 101 -103 Nguyễn Trường Tộ à . Một thời khó khăn ai cũng phải cải thiện đời sống

      1. KTS Trần Thanh Vân

        Thì ra neratovice biết rõ khu nhà 101-103 Nguyễn Trường Tộ “nổi tiếng một thời” ư. ?
        Đúng là tôi từng ở đó từ năm 1971 đến 1988, Nhưng gia đình tôi không có ai làm việc ở VPTW cả, nhưng chúng tôi được đến ở đấy vì có một lý do:
        Chuyện rằng khu đất đó xưa kia có hai biệt thự của 2 gia đình rất giầu có. Trong chiến tranh phá hoại, bom Mỹ đánh nhà máy điện Yên Phụ nhưng chệch mất gần 100m, phá tan 2 biệt thự này. Địa chỉ này lại rất gần phố Nguyễn Cảnh Chân, thế là VPTW chiếm luôn khu đất, xây hai tòa nhà 4 tầng có cái sân rất rộng ở giữa, còn hai gia đình chính chủ thì phải chui vào góc xép phía sau vườn dựng tạm hai cái cấp 4 để ở. Lúc đó VPTW có nhu cầu kiếm một căn biệt thự trong phố Trần Phú cho một ông cốp nào đó, họ thương lượng loanh quanh, đổi nhà tay ba, tay tư thế nào đó mà mẹ tôi đồng ý đi khỏi nhà cũ có hai phòng để đến Nguyễn Trường Tộ nhận một căn hộ 3 phòng diện tích hơn 50m2, ở tầng một nhà 102, có sân riêng phía sau ( vì lúc đó em gái tôi đã tốt nghiệp Bác sĩ, cần có phòng riêng )
        Buồn cười nhất là chuyện phân biệt đối xử khi phân chia chỗ ở. Người của các BAN của VPTW thì được đón vợ con đến ở trên gác cao, riêng tầng 1 giành cho những gia đình “ngoài cơ quan” được đổi nhà giống như chúng tôi ,
        Lúc chúng tôi dọn nhà đến, ông phụ trách VP còn đe:
        – “Đến ở đây thì phải giữ vệ sinh chung, phải thường xuyên quét dọn sân sướng nhá….
        Hôm sau phải vác xe đạp leo lên tầng gác cao khổ quá, ông phụ trách lại đến “gạ” mẹ tôi đổi nhà. Mẹ tôi lễ phép thưa:
        – “Báo cáo anh, ný lịch nhà em chưa trong sạch nắm, để chúng em phấn đấu đã”

    2. neratovice

      Đúng là Cháu biết rõ KTT này vì Cháu đã ở đó từ năm 76 đến năm 87 . Cháu ở nhà 101 , nhà này nói chung các tầng trên của cán bộ cấp thấp và không nổi tiếng như nhà 103 toàn cán bộ cao cấp và con các vị lãnh đạo đảng . Bác Vân chắc ít ở đó nhỉ vì cháu không thường xuyên nhìn thấy bác . Ngày đó việc tăng gia chăn nuôi là lối thoát cho các gia đình cán bộ nghèo , nếu không chăn nuôi hoặc gia công ( dán túi , gấp hộp ,…) thì sẽ không thể sống nổi với tiêu chuẩn nhà nước cung cấp ( trẻ con 1 lạng thịt/ tháng ….còn nhiều cái thiếu thốn nữa mà bây giờ phải có thời gian mới nhớ chính xác được ) . Việc chăn nuôi này gấy mất vệ sinh và làm hỏng hệ thống thoát nước của KTT . Vì vậy nhiều người không chăn nuôi ( có thể họ có nguồn sống khác : hay được đi nước ngoài , tài sản cũ …) không thích , nhưng họ cũng thông cảm , hoàn cảnh cả nước khó khăn . Loanh quanh thế nào mà lại gặp ” người cùng khu ” ( như ngày xưa bọn trẻ con chúng cháu gọi nhau như vậy) . Cho cháu gửi lời thăm sức khỏe đến Ông bà nhà Bác ( nếu họ còn sống – cháu nghĩ các cụ đã già lắm rồi ), mọi người trong gia đình đã từng sống tại 101 Trường Tộ . Cảm ơn Bác chủ blog viết bài để cho cháu được gặp lại cảnh cũ người cũ , một thời đáng nhớ nhưng không muốn quay lại.

      1. KTS Trần Thanh Vân

        Cám ơn neratovice “người cùng khu”, nên gọi “cô” là “cô” thôi cháu ạ.
        Ông bà sinh ra cô mất từ năm 2002 cả rồi. Gia đình cô đến đó từ năm 1971. Cô ở tầng 1 của nhà 101 ( người không thuộc Ban CNTW mà, ) căn hộ 3 phòng, cô xây thêm một phòng phía sau nữa nên nhiều người ghét. Các cụ ở đó nhưng cô ít ở đó thật, vì dạo đó cô đi học nước ngoài và hay đi công tác xa, nhưng cô biết rõ KTT đó.
        Phong trào nuôi lợn rầm rộ ở đó không có gia đình cô tham gia. Nhưng ở tầng một, ông bà cô được hưởng nhiều chuyện vui về cống thoát nước bị tắc, cả chuyện sàn tầng trên bị nứt, tầng dưới lãnh đủ….. Bà Mẹ cô lần phải nói “Tưởng ở đây có nhiều trí thức, hóa ra toàn trí ngủ cả”
        Nhưng mà thôi, 1/4 thế kỷ rồi , quên đi.
        Cháu tên thật là gì? Con nhà ai nhỉ? Có thể cho cô biết được không?

    3. neratovice

      Cháu tên là Trung con nhà Ông Hường ở tầng 4 . Cháu đã từng chơi với Bảo nhà Cô .
      Nhớ đến khu TT cũ là cháu lại nhớ đến một tuổi thơ khó khăn, nhưng vui, học ít chơi nhiều , trẻ con ngoài giờ học giúp đỡ gia đình tăng gia chăn nuôi , xách nước lên tầng ( hơn tập thể thao). Cuối năm , hoặc ngày lễ thì giết thịt liên hoan ( tự cung tự cấp ). Sự thiếu đói triền miên trẻ con gầy nhẳng , lúc nào cũng nghĩ đến miếng ăn, người lớn gặp nhau là hỏi ” Ăn cơm chưa ” như một lời chào . Sau này lớn lên cứ tự hỏi tại sao ta lại phải khổ thế nhỉ , tự trả lời xong lại không dám nói to lên mà chỉ nói với bạn bè thân thích khi gặp nhau mà thôi , đên bây giờ vẫn vậy

      1. KTS Trần Thanh Vân

        Chào cháu Trung.
        Trẻ con hồi đó đông quá, cô không nhớ rõ cháu,, nhưng bố cháu thì cô còn nhớ, người tầm thước, mặt hiền lành, thỉnh thoảng cô có gặp nói chuyện dăm ba câu ở chân cầu thang. Bây giờ gia đình cháu ở đâu? Bố mẹ khỏe không? Nếu tiện thì liên lạc với cô , đt: 01249654712

    4. neratovice

      Cám ơn Cô đã hỏi thăm , Bố mẹ cháu vẫn khỏe , năm 87 nhà cháu chuyển về Đội Cấn , nay là phố Vạn bảo , khi nào có điều kiện cháu sẽ gọi cho Cô , cháu chào Cô

Comments are closed.